Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Nám da - vị khách lì lợm

(SKGĐ) “Vị khách lì lợm” này không hề gây đau đớn, khó chịu nhưng lại cực kỳ ảnh hưởng đến vẻ đẹp thẩm mỹ khiến nhiều chị em cảm thấy thiếu tự tin trong giao tiếp.

Việc xuất hiện nám, tàn nhang khiến da xuống cấp trầm trọng đang là vấn đề đau đầu của nhiều phụ nữ.

Nám da và nội tiết

Nám da là tình trạng tăng hắc tố ở da, đa số gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tổn thương tăng hắc tố sẽ có màu nâu, xám hoặc đen; thường đối xứng ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng, nhất là ở mặt. Nám có thể ở nông (trong lớp thượng bì) hoặc ở sâu (trong lớp bì) hoặc hỗn hợp.

Nguyên nhân da bị nám thường là do các yếu tố sau đây: ánh nắng; yếu tố gene hay yếu tố cơ địa; thai kỳ; thuốc ngừa thai; mỹ phẩm; rối loạn nội tiết tố của tuyến giáp hoặc buồng trứng; tình trạng dinh dưỡng…

Còn nám da do nội tiết xuất hiện bởi sự thay đổi đột ngột của hormone trong cơ thể. Lúc mang thai, lượng hormone estrogen và progesteron tăng, cùng với lưu lượng máu tăng cao. Các hormone này ảnh hưởng tới sự hoạt động của các tế bào da một cách đáng kể. Sau khi sinh, nguồn hormone này không còn nữa.

Mặt khác, sau tuổi 30, buồng trứng dần suy thoái dẫn tới lượng estrogen dần suy giảm, cao điểm là sau tuổi 35, rõ rệt nhất là thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Sự thay đổi này gây rối loạn trong hoạt động và sự tương tác giữa các tế bào da gây ra nám da.

Thường thì các vết nám sẽ tự động biến đi khi các hormone hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu chúng không mất đi sau vài tháng thì thường rất khó chữa trị bằng các phương pháp trị nám da thông thường.

Nám da phải điều trị bền bỉ

Theo BS. Hà Vân Anh (Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba): “Khi bị nám việc đầu tiên bạn nên làm là đi khám bác sĩ chuyên môn để xác định nguyên nhân vì chỉ xác định đúng nguyên nhân mới có thể trị hết nám. Nếu bị nám do nội tiết tố, các bác sĩ sẽ giúp bạn bổ sung nội tiết tố nữ cho cơ thể bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị thẩm mỹ khác. Bạn cũng nên ăn nhiều thực phẩm như: sò, ốc, tôm, cá nhỏ, đậu nành, sữa, pho mát, trứng vịt lộn. Và những thực phẩm giàu sinh tố E trong chế độ ăn hằng ngày như: mè, hướng dương, đậu phộng, dẻ, dưa, bí, rau cải, khoai lang ta, rau xanh, dầu thực vật, sữa, mầm ngũ cốc, lòng đỏ trứng, gan động vật...”.

Điều trị nám da không đơn giản, thường cho kết quả kém. Bạn có thể sử dụng thuốc bôi, thuốc uống, chiếu tia laser, đi spa chăm sóc da… nhưng các can thiệp này chủ yếu chỉ giúp làm giảm phần nào độ sậm của thương tổn, chứ không hết hẳn nám được. Hơn nữa, trên cùng một người, nguyên nhân gây bệnh cũng khá phức tạp, có khi là một, nhưng cũng có thể có do nhiều nguyên nhân phối hợp làm việc điều trị tận gốc bệnh này trở nên khó khăn.

Việc cải thiện nám da không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Đây là một bệnh thách đố sự kiên trì, kết quả chỉ có thể nhận biết sau nhiều tuần, nhiều tháng. Vì vậy, bạn nên kiên trì và không nên bôi các loại kem, thuốc không rõ xuất xứ, nguồn gốc, thành phần, hoặc các loại kem tự pha chế. Các sản phẩm này có thể giúp bạn có làn da trắng mịn một cách chóng vánh trong thời gian đầu nhưng sẽ gây tổn hại cho da về sau, như nổi mụn, teo da, giãn mạch...

Mai Hương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/nam-da--vi-khach-li-lom-16435/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY