Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Năm mới ấm áp ở nơi tận cùng nỗi đau

Cũng có mâm ngũ quả, cành đào, bánh chưng... nhưng có lẽ Tết ở Bệnh viện 09 có gì đó rất đặc biệt.

Nơi đây, những người xa lạ, sắp phải từ giã cõi đời đã tập hợp nhau lại thành mái ấm, bệnh viện chính là nhà còn y bác sĩ là 'cha mẹ'.

Trải qua 4 cái Tết ở Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội), nơi điều trị cho những người bị AIDS giai đoạn cuối, Nguyễn Tấn Giang, 30 tuổi, trở thành bệnh nhân "kỳ cựu" nhất ở đây.

Ngày 23 tháng chạp cách đây 4 năm, trong khi ai cũng hối hả chuẩn bị cho bữa cơm cúng Tất niên thì anh vẫn một mình lang thang trên đường phố, khắp người nổi nốt, chân tay sưng vù. Đến lúc đôi chân không bước nổi nữa, anh nằm dạt bên đường “chờ ch*t” và nghĩ có lẽ cuộc đời mình đã kết thúc.

Nhưng khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên giường. Trong phòng, trên bàn có đầy đủ bánh, mứt, kẹo, giò, hoa quả, bánh chưng và cành đào...

"Phép mầu đã xảy ra với một kẻ bị cả xã hội ruồng bỏ như tôi. Tôi đã được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện 09 cưu mang. Đêm giao thừa năm ấy mọi người đều đến hỏi han, chúc sức khỏe. Và có lẽ đó là cái Tết ấm áp nhất trong cuộc đời tôi", anh Giang mỉm cười kể lại.

Anh tự nhận mình không có gia đình nào khác, không có người thân nào khác ngoài “mái ấm” là Bệnh viện 09 và những người “còn hơn cả ruột thịt” là bác sĩ, y tá, điều dưỡng.

Với anh, ký ức về quê hương, gia đình giờ chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc, mờ nhạt. Anh nhớ mang máng quê mình có lẽ ở Hà Nam hay Hà Bắc (cũ). Gia đình cũng thuộc loại khá giả nên từ khi lên 10 tuổi anh đã biết tiêu tiền. Thế rồi, cậu bé con ngày nào đã trở thành con nghiện khi mới 14. Đồ đạc trong nhà cứ lần lượt được anh bê đi bán.

Gia đình coi anh như không còn tồn tại. Anh bắt đầu sống những ngày lang thang, bờ bụi, rồi bị bắt vào trại cai nghiện. Những tưởng với anh đó sẽ là một sự khởi đầu mới. Nhưng ra trại mà không ai mong, không có chốn để về, không có việc làm, anh lại tái nghiện. Rồi sáu năm sau, cái kết quả tất yếu mà anh nhận được chính là "án tử" HIV. Từ đây, anh sống trong đau đớn vì bệnh tật, vì cơn đói Thu*c cho đến khi được đưa đến Bệnh viện 09.

"Đây sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời tôi. Rồi sẽ đến ngày tôi sẽ phải 'ra đi' nhưng tôi sẽ cố gắng để sống vì cuối cùng cũng đã có người thương yêu mình", Giang bùi ngùi tâm sự.

Bệnh viện 09 hiện điều trị cho 55 bệnh nhân nội trú và 94 bệnh nhân ngoại trú. Hầu hết họ đều không nơi nương tựa, được chuyển đến từ các trung tâm xã hội. Họ là những người cô đơn đến lúc ch*t, bởi có những người sau một thời gian điều trị, sức khỏe ổn định, muốn về nhưng gia đình không cho.

Dù vậy, năm thì mười họa những người này còn có gia đình đến thăm. Song có những bệnh nhân không biết (hoặc không muốn biết) gia đình mình ở đâu. Vì họ - trong mắt gia đình đã là đồ bỏ đi, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện 09 cho biết.

“Những bệnh nhân ở đây không ai giống ai, mỗi người một số phận nhưng khi đối diện với cái ch*t lúc ấy mới thấy ánh lên phần 'người'. Họ không có sự hậu thuẫn của gia đình, phần đời còn lại phó thác cho bệnh viện. Thậm chí, có những bệnh nhân từ giã cuộc đời vào đúng những ngày cuối năm, chúng tôi lại thay gia đình làm thủ tục ma chay”, bác sĩ Tuấn trầm ngâm nói.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tam (20 tuổi) là một câu chuyện buồn như thế. Theo các nhân viên y tế, cậu vào viện khi người chỉ còn da bọc xương, bệnh tình trầm trọng. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe cậu đã có tiến triển. Thấy vậy ai cũng mừng, nhưng chỉ một tháng sau sự sống của cậu lại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Và khi đã cận kề cái ch*t, cậu muốn được gặp lại mẹ, dù những gì về mẹ mà cậu nhớ được là của một cậu nhóc khi mới 10 tuổi. Năm đó, mẹ đã bỏ hai bố con cậu vào miền Nam. Bố nghiện, Tam cũng chán đời mà nghiện theo.

Muốn cậu thanh thản ra đi, bệnh viện đã gọi điện cho mẹ Tam. Ngày hôm sau, khi bà đến, cậu nhìn mẹ mà nước mắt lưng tròng, giơ bàn tay khẳng khiu nắm lấy bàn tay nhăn nheo của mẹ mà thều thào nói: "Con xin lỗi. Nếu được sống lại con sẽ không như thế này…".

Gắn bó với Bệnh viện 09 từ những ngày đầu thành lập đến nay, bác sĩ Tạ Đăng Lưu, Trưởng khoa Ngoại - Hồi sức cấp cứu cho biết, công việc chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV không phải ai cũng sẵn sàng đảm nhận bởi có nhiều yếu tố rủi ro. Trong khi đó, thu nhập ngoài hưởng 50% phụ cấp nghề giống như bao nhân viên y tế khác, mỗi tháng chỉ được thành phố cho thêm 700.000 đồng.

"Chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gặp 'rắc rối', nơi đây từng có vài nhân viên bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, đã là nghề thì phải làm, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống nên làm. Với riêng bản thân, tôi gắn bó với công việc này, với bệnh nhân HIV còn vì tình yêu công việc, tình thương với người bệnh", bác sĩ Lưu chia sẻ.

Dù công việc nhiều rủi ro, cuộc sống còn khó khăn những mỗi nhân viên y tế ở đây đều cố gắng hết mình để chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Họ không ghê sợ, xa lánh, hắt hủi bệnh nhân bởi họ hiểu rằng, khi vào đến đây nghĩa là bệnh nhân đã không còn con đường nào khác.

Mỗi dịp năm mới, bệnh viện luôn cố gắng chuẩn bị một cái Tết tươm tất, chu đáo để bệnh nhân có cảm giác như ở nhà: có mâm ngũ quả, bánh chưng, giò, thịt và quần áo mới.

Theo VnExpress

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nam-moi-am-ap-o-noi-tan-cung-noi-dau-9276.html)
Từ khóa: năm mới

Chủ đề liên quan:

năm mới

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY