Tâm sự hôm nay

Nam Trung Bộ: Hư hỏng nhiều nhà cửa và đường xá do bão 12 đổ bộ

Bão số 12 ập vào đất liền một số tỉnh Nam Trung Bộ đã khiến hàng loạt căn nhà, công trình hư hỏng nặng. Hàng loạt cột điện ngã đổ, nhiều khu vực cắt điện, nước. Nhiều trạm y tế bị ảnh hưởng, một số tuyến đường ngập sâu trong nước. Việc khắc phục được tiến hành khẩn trương ngay khi cơn bão đi qua.

Nhiều nhà cửa hư hại

Theo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khánh hòa, đến chiều 10/11, bão số 12 đã làm 16 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng nặng.

Trong đó, 15 nhà ở 2 xã Ninh Phước và Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), 1 nhà ở xã Suối Cát (Cam Lâm); 2 trụ sở cơ quan; 3 nhà màng công nghệ cao của Trại Thực nghiệm Suối Dầu thuộc viện Vắc xin Nha Trang.

Nhiều khu vực ở huyện Khánh Vĩnh, Vạn Ninh…mất điện kéo dài. Hệ thống giao thông một số nơi hư hỏng, ách tắc, đến tối ngày 10/11 sẽ được khai thông.

Tại khu vực phú yên, bình định có hơn 30 căn nhà hư hỏng nhưng thiệt hại không nặng nề.

Các tàu cá bị ảnh hưởng nhưng đã được đưa về nơi trú tránh an toàn. Hầu hết các tuyến đường ở Bình Thuận, Phú Yên đã được dọn dẹp cây ngã, đổ.

Để tiếp tục ứng phó với mưa to, nguy cơ lũ sau bão, các tỉnh này yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh không được chủ quan, lơ là; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất xảy ra sau bão; kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; xử lý kịp thời các tình huống, sự cố phát sinh và khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ lụt xảy ra.

Tổ chức trực lãnh đạo, trực ban 24/24; kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt, chia cắt, khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, kịp thời di dời sơ tán người dân đến nơi an toàn.

11.000 tàu cá các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định không xảy ra hư hại. Riêng tàu cá BĐ 91388-TS, công suất 900 CV, có 13 thuyền viên, do ông Phạm Văn Tâm (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) làm chủ bị mất liên lạc và rơi vào vùng nguy hiểm của bão lũ đến chiều 10/11 cũng đã được tàu kiểm ngư KN 463 lai dắt vào âu tàu đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) an toàn.

Bão làm ảnh hưởng đến nhiều nhà, công trình

Tiếp tục ứng phó, không chủ quan

Theo dự báo, từ đêm 12/11 đến 13/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ; các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị. Đặc biệt, ngoài khơi Philippines có bão VAMCO đang hoạt động, dự kiến sáng 12/11 sẽ vào Biển Đông thành cơn bão số 13 nên các địa phương vẫn tiếp tục chủ động ứng phó, thực hiện nghiêm tinh thần “4 tại chỗ”.

Hệ thống tàu cá tiếp tục tìm nơi trú tránh an toàn, không chủ quan

Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão đế chủ động phòng tránh, vùng nguy hiếm trên Biển Đông. Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện đế xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Rà soát, bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn (Bình Định); Nha Trang (Khánh Hòa); Tuy Hòa (Phú Yên) và các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển.

Mưa to đang ập xuống, các tỉnh nam trung bộ tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi lũ lớn xảy ra; lực lượng xung kích phải có mặt tại các nơi xung yếu, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt. Đưa lên cao và bảo quản các loại giống phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven các chân núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Bài, ảnh: Hà Văn Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nam-trung-bo-hu-hong-nhieu-nha-cua-va-duong-xa-do-bao-12-do-bo-n182697.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY