Kinh tế xã hội hôm nay

Nên hay không nên miễn phí cho người Việt từ nước ngoài về tránh dịch?

(MangYTe) - Mỗi ngày, có đến hàng nghìn, thậm chí chục nghìn người nhập cảnh, với mong muốn được trở về nương náu chốn bình yên trong “lòng Mẹ Tổ quốc”…

Mấy hôm nay, cộng đồng đang thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau trước cuộc “ồ ạt” trở về tránh dịch của đồng bào xa xứ từ các quốc gia Âu, Mỹ đang là điểm nóng của dịch và từ một số nước ASEAN, nơi vừa có nhiều cuộc thuyết pháp tôn giáo tập trung hàng nghìn người, có nguy cơ bùng dịch như vụ Tân Thiên Địa (Hàn Quốc).

Có đến hàng nghìn, thậm chí chục nghìn người nhập cảnh mỗi ngày, với mong muốn được trở về nương náu chốn bình yên trong “lòng Mẹ Tổ quốc”. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 âm thầm theo về đang là mối đe dọa sự bùng phát dịch khó kiểm soát. Sự quá tải của cả hệ thống, từ khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, phân loại đối tượng nhập cảnh, cho đến các khâu đưa đón, phục vụ ăn ở, chăm sóc y tế ở các khu cách ly tập trung đang ở mức báo động.

 Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biết phức tạp, người Việt sinh sống và làm ăn tại các nước đều có những lựa chọn cho riêng mình, trong đó việc về nước là sự lựa chọn an toàn nhất. Bởi Việt Nam đang là nước có sự đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh tốt hàng đầu thế giới trong thời gian qua. Ảnh Ngọc Tú

Đồng bào trong nước với truyền thống tốt đẹp của người Việt “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng...”, nên nhiều người ủng hộ hành động nhân đạo và có trách nhiệm của Chính phủ. Khi Chính phủ mở cửa đón đồng bào trở về, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng Chính phủ đã không ngần ngại bỏ ra một khoản chi phí rất lớn, cùng với những đội bay quả cảm bất chấp rủi ro vượt ngàn dặm xa xôi để đưa đồng bào về từ vùng nguy hiểm.

Những lúc này càng thấm thía hơn câu thơ:

Việt Nam! Ôi Tổ quốc thương yêu,

Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều!

Tuy nhiên, việc Chính phủ miễn phí toàn bộ các chi phí cách ly và chữa trị cho những người Việt từ nước ngoài về tránh dịch lại khiến rất nhiều người không đồng tình.

Không đồng tình, bởi đây là việc làm tốt, là nhân đạo với người giàu nhưng lại là bất công với người nghèo, hào phóng với người giàu nhưng lại làm thiệt cho người nghèo, (trong khi người nghèo là đối tượng cần được ưu tiên hơn). Không đồng tình, bởi ứng xử này đẹp với người không đóng thuế nhưng lại không đẹp với người đóng thuế, nhất lại là những người nghèo đóng thuế.

Ở đời vốn không ít khi một hành động, một cách ứng xử là tốt với người này nhưng vô tình lại là có lỗi với người khác.

Và lại càng không đồng tình, bởi các đối tượng này hoàn toàn có điều kiện kinh tế để tự chi trả chi phí cho họ. Vậy tại sao phải dùng ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực tài trợ của những người đóng thuế để lo chi phí cho họ? Họ là những người sinh sống và làm việc ở các quốc gia giàu có hơn Việt Nam. Ở đó thu nhập của người lao động cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người lao động ở Việt Nam.

Còn nếu là học sinh, sinh viên du học thì ắt hẳn là thuộc diện gia đình có điều kiện kinh tế. Đặc biệt, trong số đó còn có không ít những sinh viên “VIP” -“những cậu ấm cô chiêu” mà bố mẹ sẵn sàng chi trả chi phí lên đến hàng tỷ đồng cho một năm học. Đó là một con số mà với số đông những người lao động chân chính ở Việt Nam chắt góp cả đời cũng không mơ có được.

Vậy nên, mặc dù mục đích của Chính phủ là tốt đẹp, việc làm của Chính phủ là nhân văn, có trách nhiệm khi muốn chăm lo chu toàn cho tất cả mọi người con cùng dòng máu Lạc Hồng. Bất kể họ ở đâu, thuộc “đẳng cấp” nào, họ đã làm gì cho Tổ quốc, nhưng việc làm này không phù hợp trong điều kiện của Việt Nam với vốn ngân sách eo hẹp, còn phải chắt chiu từng đồng, với một gánh nặng nợ công không hề nhẹ. Đó là chưa kể hậu quả vô cùng nặng nề của suy thoái kinh tế trong và sau đại dịch.

Trong điều kiện ấy, việc miễn phí cho các đối tượng đó liệu có phù hợp? Dĩ nhiên, lòng nhân ái, nhân đạo thì bao nhiêu cũng chưa đủ và ai ai cũng cần, nhưng trong tình huống buộc phải lựa chọn thì nhất thiết phải ưu tiên cho đối tượng bị thiệt thòi hơn, đó là lẽ công bằng hiển nhiên.

Với những người có nhận thức, có lòng tự trọng, có tâm và trách nhiệm với đất nước và lại có điều kiện kinh tế, tất là họ sẽ sẵn lòng chi trả các chi phí này để tự lo cho họ. Để họ không cảm thấy áy náy khi mình trở thành gánh nặng cho những người nghèo, cho ngân sách quốc gia.

Tôi có đọc chia sẻ của một người Việt đang ở tâm dịch nước Ý, nói rằng, anh ấy và một số người bạn muốn về nhưng đã không về vì băn khoăn “Khi hưng thịnh thì “ăn chơi nhảy múa” xứ người, chả lẽ khi ốm đau lại về Việt Nam cậy nhờ?”.

Còn bạn Thanh Hường, cũng đang sống và làm việc ở Ý, điểm nóng tâm dịch châu Âu chia sẻ đầy trách nhiệm, giải thích về việc vì sao bạn ấy không về: “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho quê hương, 14 ngày cách ly, cơm ăn miễn phí có, người phục vụ có… Tôi đã làm gì để đáng được hưởng đặc ân này! Tôi đi làm và đóng thuế cho chính phủ Ý. (Dù chỉ mới 2 năm nay, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của tôi tại Ý. Mặc dù trước đó, tôi đã có 8 năm làm việc đóng thuế ở Việt Nam). Nhưng thời điểm này, nếu tôi trở về vẫn chính là thêm phần gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”.

Và những ngày qua cũng đã có rất nhiều lời tri ân được bày tỏ chân thành từ những người vừa được trở về với Tổ quốc, trong sự chăm sóc tận tình, ấm áp, đầy “tình thương mến thương”, “bát cơm sẻ nửa”… Đó là những người có lòng tự trọng và có trách nhiệm, họ hiểu tình thế của mình.

Về phía tôi, đồng bào và đất nước cũng rất biết ơn những đồng bào xa Tổ quốc. Vì mỗi năm nguồn kiều hối không nhỏ mà họ gửi về cũng là một sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ, nếu Chính phủ yêu cầu, họ sẽ sẵn sàng và vui vẻ chi trả chi phí cách ly và điều trị.

Ngoài ra, nếu Chính phủ kêu gọi lòng hảo tâm, các Việt kiều có điều kiện tài chính chắc cũng sẵn lòng đóng góp, ủng hộ kinh phí để cùng cộng đồng vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh. Điều này cũng là thực hiện theo tinh thần tại lễ phát động ngày 17/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam “kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”.

Song bên cạnh những người có ý thức, có trách nhiệm và có lòng tự trọng thì còn có những người về nước trong hoàn cảnh người khác đang phải cưu mang nhưng lại ảo tưởng mình là “thượng đế” nên đã có những phát ngôn và hành động phản cảm. Họ lớn tiếng chê bai, đòi hỏi vô lối, thể hiện sự xấc xược đối với những người đang nhường cơm sẻ áo, đang tận tụy ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để phục vụ họ. Thậm chí họ còn dám xúc phạm đến cả danh dự quốc gia! Vậy có nên bao phí cho họ không? Nếu ta nhân đạo với kẻ xấu thì vô tình đã làm tổn thương, thậm chí có tội với người tốt. Có nên cứ bao dung, nhân ái bằng việc miễn phí cho những đối tượng này? Để rồi đồng bào nghèo phải rưng lệ tủi hờn, bởi một cái bánh mì có nhân, một hộp cơm có thịt mà người này kêu “không nuốt nổi” thì lại là “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” của không ít người khác! Bởi, “hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”, để được nên bát cơm đã quyện hòa trong đó những giọt mồ hôi và nước mắt của đồng bào lẫn với nước chát mặn!

Từ việc ứng xử thiếu văn hóa và vô đạo đức của “vài con sâu đã làm rầu nồi canh” khiến cộng đồng dậy sóng phẫn nộ trong vài ngày qua. Nên tôi thấy cần có một lưu ý nhỏ đối với các “VIP” rằng: Đừng bất cẩn khi chỉ vì một mẩu bánh mì không được như ý, chỉ vì một suất ăn miễn phí không hợp khẩu vị, hay chỉ vì thiếu một chút “nhẫn” lúc chờ đợi khi sân bay quá tải… mà “hớ hênh” để lộ cho bàn dân thiên hạ thấy cái “đẳng cấp” thật của mình. Bởi những thứ ấy nó nhỏ nhoi, tầm thường lắm so với công sức và tiền của vô lượng mà đồng bào mình, Tổ quốc mình đang phải bỏ ra khi dang tay để đón bạn trở về lánh nạn!

Như vậy là thu phí nhé, để người tử tế trở về nương náu chốn quê hương lúc hoạn nạn không phải áy náy. Để người nghèo, người đóng thuế không bị thiệt thòi, không phải chịu bất công… Và trên hết, là để ngân sách quốc gia không bị vỡ trận khi phải bỏ ra một khoản chi phí khủng để nuôi hàng chục ngàn người (và còn nhiều hơn nữa) trong 14 ngày, cùng một đội ngũ nhiều ngàn người phục vụ, hàng ngày phải cơm bưng nước rót cho họ,… Đó là chưa kể các chi phí chữa trị còn tốn kém hơn nhiều nếu họ bị nhiễm bệnh.

Cùng với việc không bao cấp các chi phí, tôi nghĩ Chính phủ cũng cần khẩn trương thực hiện việc sử dụng các khách sạn, các khu resort để làm nơi cách ly. Như vậy, sẽ cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề:

- Sẽ giảm tải áp lực cho các khu cách ly tập trung mà hiện giờ đang quá tải trầm trọng khi hiện nay có ngày lên đến cả chục ngàn người nhập cảnh. Theo đó, cũng giảm tải được số người phục vụ và bớt đi sự cực nhọc, vất vả cho các đồng chí bộ đội đang phải chịu vất vả, thức khuya dậy sớm để phục vụ từ A đến Z…

- Đối với việc phòng lây nhiễm, cách ly trong các khách sạn/resort hiển nhiên là sẽ an toàn hơn nhiều, hạn chế lây nhiễm chéo. Khi có người bị nhiễm cũng dễ khoanh vùng kiểm soát hơn nhiều so với ở các khu tập trung (mỗi phòng có đến mấy chục người).

- Đối với những người đi cách ly, họ sẽ được quyền lựa chọn các mức độ dịch vụ tùy theo nhu cầu và túi tiền của họ. Ở khách sạn/resort hàng ngày họ được ăn uống theo nhu cầu (hết lý do để ai đó đòi hỏi). Ở đó, họ được nghỉ ngơi với đầy đủ tiện nghi trong sự riêng tư, tĩnh lặng. Họ có thể nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách, xem phim, uống café, ngắm trăng, thưởng hoa, thư thái bách bộ trong khuôn viên, chụp hình check in cùng cỏ cây hoa lá… giúp họ không còn cảm giác bị cách ly. Và nếu đó là các khách sạn/resort ở bãi biển thì càng tuyệt vời hơn. Bởi ở đó, họ có thể thỏa thích vẫy vùng cùng sóng biển mỗi bình minh thức dậy hay lúc hoàng hôn buông xuống vàng ruộm phía chân trời,… vừa sảng khoái tinh thần, vừa tăng cường sức khỏe, lại vừa hết bệnh dịch Covid-19 (vì Covid-19 sợ muối).

Đây có thể là một kỳ nghỉ dưỡng tuyệt vời cho các VIP, các “cậu ấm cô chiêu”! Qua kỳ nghỉ dưỡng thú vị ấy, ai mà chẳng thấy đất nước mình đẹp quá, đáng yêu và đáng sống quá!

- Với các chủ khách sạn/resort, đây có thể được coi là biến nguy cơ thành thời cơ để "thoát ế", khi đã có nguồn thu để trang trải các chi phí trong thời buổi thiên hạ khóc ròng…

Vậy là được cả đôi đường!

Cuối cùng, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, cần thu đủ các chi phí cách ly, chăm sóc y tế và điều trị với tất cả các đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam tránh dịch.

Đó là trách nhiệm của mỗi người phải tự lo cho mình. Đó là đảm bảo sự công bằng xã hội, là trách nhiệm đồng cam cộng khổ của mỗi cá nhân với cộng đồng, với Tổ quốc trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/nen-hay-khong-nen-mien-phi-cho-nguoi-viet-tu-nuoc-ngoai-ve-tranh-dich-378429.html)

Tin cùng nội dung

  • Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính với tỷ lệ Tu vong lên đến 90%.
  • BV Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình tư vấn và khám miễn phí với chủ đề “Bệnh lý bàng quang tăng hoạt” vào sáng chủ nhật 2/11.
  • TS. Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội Hậu môn Trực tràng cho biết: bệnh trĩ ở nước ta phổ biến đến mức dân gian có câu: thập nhân cửu trĩ tức mười người thì chín người bị trĩ.
  • Theo WHO, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây Tu vong ở Việt Nam.
  • Tôi có nghe nói BV Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ tổ chức khám phụ khoa miễn phí vào ngày 8/3 không Mangyte? Nghe bạn bè chia sẻ nhưng chưa biết lịch khám cụ thể thế nào. Kính mong Mangyte cho tôi biết thông tin cụ thể được không ạ? Xin cảm ơn. (Đặng Diễm Hường - TPHCM)
  • Kính chào Mangyte, Tôi thường cảm thấy mạch đập trong bụng mình giống với nhịp đập của tim, đau đột ngột trong vùng bụng hoặc dưới lưng. Đi khám được chẩn đoán là phình động mạch chủ bụng. Được biết BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức khám và tư vấn miễn phí, kính mong Mangyte cung cấp cho tôi thêm thông tin về chương trình này. Xin chân thành cảm ơn. (Trần Hoài Nam - Tây Ninh)
  • “Siêu quậy” nhà tôi hay chạy nhảy lắm, cho nên trầy xước, bầm tím là… chuyện thường ở huyện! Tôi đọc báo thấy nước ngoài có loại keo sinh học dùng để dán vết thương, không biết ở Việt Nam có bán loại này chưa? Nếu có thì tốt quá, tôi sẽ mua cho “siêu quậy” dùng dần. Cảm ơn Mangyte! (Hoàng Quân - lehoang…@gmail.com)
  • Chào Mangyte, Bố em có các triệu chứng như ho lâu không khỏi, khó thở, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng... Em thấy có thông tin BV Bạch Mai có khám và tư vấn miễn phí cho những người bị ho lâu khônhg khỏi nhưng không rõ cụ thể như thế nào. Kính mong Mangyte tư vấn thêm cho em một số thông tin. Trân trọng. (Nông Hoàng Chiến - Nam Định)
  • Tôi là Việt kiều Mỹ thường về Việt Nam. Tôi có thể mua bảo hiểm tại các bệnh viện Việt Nam phòng khi đau ốm bất ngờ không? (Le Van Nam - ongnam…@yahoo.com)
  • Thư ngỏ gửi cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại - kêu gọi ủng hộ dự án Y học cùng cộng đồng chia sẻ các bài viết về bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY