Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Nếp nhăn chỉ là chuyện nhỏ

Tuổi tác, thời gian khiến những nếp nhăn sẽ hiện diện trên cơ thể của chúng ta. Ai cũng ái ngại khi nhìn thấy những nếp nhăn trên gương mặt mình, nhưng rồi cũng phải đối diện với nó.

Ảnh minh họa

Không thể cưỡng lại quy luật

Theo TS.BS Lê Hành, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy-Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Tp.HCM: Từ 25 tuổi trở đi, làn da của nữ giới bắt đầu bị lão hoá, đặc biệt là vùng da nơi mặt bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn. Ban đầu còn mờ nhạt, sau đó theo thời gian, những nếp nhăn ngày càng rõ hơn. Chúng làm cho bạn già hơn so với tuổi thật.

Đặc biệt, ở tuổi mãn kinh, lượng collagen sẽ mất đi khoảng 1% mỗi năm, khiến làn da vốn mềm mại trở nên nhăn nheo, thô ráp, vết nhăn xuất hiện ngày càng nhiều, đó chính là những yếu tố báo hiệu làn da đang dần bị lão hóa.

Càng lớn tuổi, da mặt càng nhão, sức đàn hồi càng kém, các cơ mặt bắt đầu chảy xệ làm khuôn mặt không còn vẻ tươi tắn. Lão hóa da không cách nào có thể cưỡng lại được sự lão hoá mà quy luật tự nhiên đã áp đặt ấy.

Nguyên nhân của lão hóa da

Có nhiều tác nhân gây lão hóa da mặt như: yếu tố di truyền, môi trường bên ngoài (nhiệt độ, ô nhiễm, nắng gió, hóa chất...), môi trường bên trong (âu lo, buồn rầu, ghen tuông, stress). Đồng thời, các nếp nhăn trên da mặt do các cơ chịu tác động của cảm xúc như cười, buồn, khóc, cáu giận... và biến thành rãnh nhăn sâu theo thời gian.

Khoảng tuổi 30 nếp nhăn bắt đầu xuất hiện nhanh hơn. Riêng da quanh mắt chịu nhiều co bóp trong một ngày nên là khu vực xuất hiện nếp nhăn sớm nhất. Khi tuổi tác tăng, da khô hơn, một số chất nuôi dưỡng da giảm thì các nếp nhăn khi trước xuất hiện từng lúc nay trở thành thường trực, tạo nếp nhăn rồi các rãnh sâu. Quanh mắt xuất hiện rạn chân chim, nếp nhăn ở mí mắt trên và dưới theo hình nan hoa, nếp nhăn vùng mũi thì chạy thẳng từ giữa xuống miệng, ở má ngoài thì hướng ra ngoài, rẽ ở phía dưới.

Từ 40 tuổi trở lên, sự thay đổi tổ chức dưới da và xương khiến cho da bị nhẽo. Thêm vào đó là tác dụng của trọng lực vào những phần gồ lên của xương mặt. Mí mắt trên cũng sẽ nhẽo và sụp xuống, rõ nhất là 1/3 phía ngoài, mí mắt dưới nhẽo thì hình thành bọng mắt. Da ở hai má và hàm dưới nhẽo ra thì xuất hiện “hai cằm”. Da ở cổ nhẽo thì xuất hiện nếp nhăn rạn. Da ở bên má nhẽo thì nếp nhăn là hai dải rủ xuống giống da ở cổ con gà gọi là cổ gà.

Biểu hiện của lão hóa da thường gặp đó là: Da khô; da bất thường về màu sắc (xuất hiện tàn nhang, nốt ruồi, giảm sắc tố hình giọt nước, tăng sắc tố, mất sắc hồng hào, da ngả màu vàng); các biểu hiện nếp nhăn da bằng những rãnh nhỏ hay rãnh sâu; các tổn thương da giả sẹo hình sao; da sần ráp; da kém đàn hồi; giãn mao mạch; cồi trứng cá; tăng sinh tuyến bã... Những điều này là “kẻ thù” đối với các chị em phụ nữ, nhất là những người bắt đầu bước qua tuổi 40.

Lão hóa da theo thời gian là điều không thể tránh khỏi. Lão hóa da nằm trong “quy trình” chung tự nhiên của lão hóa cơ thể theo năm tháng, tuổi tác, hay được quy định bởi gene, có thể thay đổi theo yếu tố gia đình, hay yếu tố chủng tộc... đó là lão hóa da do nguyên nhân nội sinh. Chỉ còn cách duy nhất là phục hồi và tái tạo.

Ảnh minh họa

Các phương pháp xóa nếp nhăn

Theo TS. BS Lê Hành và các chuyên gia làm đẹp thì hiện nay đang phổ biến một số phương pháp xóa nếp nhăn sau:

1. Chích thuốc chống nhăn

Đây là phương pháp thẩm mỹ tương đối đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao tức thì như mong muốn của nhiều người. Bằng cách bơm trực tiếp dẫn thuốc Bolitinum toxin (botox) vào dưới những vùng lõm hoặc nhăn của da, xóa nhăn trực tiếp những vùng này. Đây là một phương pháp không cần dao kéo, không chảy máu, không đau đớn và có vẻ khá an toàn.

Thuốc có tác động nhanh, bắt đầu có hiệu quả sau 24-48h, mạnh nhất sau hai tuần và có thể kéo dài từ 3-6 tháng. Sau đó, khi thuốc hết tác dụng, các nếp nhăn sẽ dần dần trở lại như cũ. Vì thế, để duy trì sự trẻ hóa, người có nhu cầu sẽ lại chích thuốc tiếp tục. Nếu chích thuốc sai kỹ thuật có thể bị liệt các cơ kế bên.

2. Phẫu thuật nội soi

Căng da mặt nội soi là phương pháp phẫu thuật ít thương tổn, chi phí thấp. Đây là phẫu thuật tác động chủ yếu ở những lớp sâu, lớp mô dưới da... qua đó toàn bộ mô mềm vùng mặt được điều chỉnh, kéo căng.

Bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, người ta chỉ cần tạo những lỗ nhỏ khoảng 1cm trên vùng da đầu, qua đó cho ống nội soi và những dụng cụ thích hợp vào để thực hiện phẫu thuật.

Nếu làm đúng kỹ thuật, người được căng da mặt bằng nội soi có thể trẻ lại khoảng 10-15 tuổi, và kết quả duy trì được khoảng 10 năm, nghĩa là nếu cần thì sẽ căng lại vào 10 năm sau.

Đối với việc phẫu thuật căng da mặt, “sự cố” quan trọng nhất là biến chứng liệt một vùng cơ mặt, nhưng biến chứng này lại không nhiều, theo thống kê của thế giới chỉ là 0,7-0,9%.

3. Tái tạo da bằng laser

Laser được sử dụng để lấy đi từng lớp một vùng da bị tổn thương hay bị nhăn làm giảm tối thiểu sự xuất hiện các vết nhăn, đặc biệt là chung quanh miệng và mắt. Đây là một kỹ thuật tương đối hiện đại và việc điều trị chỉ kéo dài từ vài phút đến tối đa một giờ.

Hiệu quả xóa vết nhăn bằng kỹ thuật laser này có thể kéo dài 7-10 năm. Tác dụng phụ bao gồm sưng và đau vùng da điều trị. Hiện tượng sưng đỏ này có thể kéo dài tối đa 6 tháng. Có nguy cơ bỏng hoặc tổn thương, hóa sẹo và nhiễm trùng.

4. Bổ sung dưỡng chất

Vitamin E: là một trong những chất chống ôxy hoá tốt nhất trong cơ thể, bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hoá của các gốc tự do. Vitamin E có nhiều trong: dầu thực vật, dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương, dầu ngũ cốc, trứng, gan...

Beta-caroten: có nhiều trong củ quả vàng cam đậm (carốt, bí đỏ, đu đủ…), hoặc rau lá xanh đậm (cải thìa, rau muống, rau ngót, bông cải xanh…) khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A rất cần cho các tế bào da. Thiếu vitamin A làm da bị khô, dễ nứt nẻ và có khuynh hướng tạo nếp nhăn.

Các vitamin và chất khoáng khác: Vitamin nhóm B bao gồm vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B12, folate (có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá, trứng, sữa, rau xanh …); vitamin C, sắt và đồng (có nhiều trong trái cây họ cam quýt, ớt ngọt, khoai tây, rau lá xanh, gan, huyết,…) cũng là những dưỡng chất thiết yếu để giúp có sắc vóc khoẻ, đẹp.

Đông Nghi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/nep-nhan-chi-la-chuyen-nho-20635/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY