Tâm linh hôm nay

Nếp sống đạo (Phần II)

Phật giáo bắt nguồn từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakya Muni), người sáng lập đạo Phật cách đây 2500 năm. Trí tuệ giác ngộ mà Phật đạt được không phải do nơi một vị thần linh nào trao truyền, mà do chính kinh nghiệm tâm linh của Ngài chứng đắc

Nguyên nhân hình thành đạo Phật

Xã hội Ấn Độ thời đức Phật đản sinh là một xã hội phức tạp và vô cùng bất công, bởi sự phân chia giai cấp và đối xử một cách tàn nhẫn giữa con người với con người. Xã hội được phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt gồm: Bà-la-môn (Bràhmana), Sát-đế-lợi (Kisatriya), Tỳ-xá (Vaisya) và Thủ-đà-la (Sùdra). Hai giai cấp sau bị coi là những người có bổn phận phục vụ và làm nô lệ cho hai giai cấp trước. Đức Phật đã nhìn thấy những tôn giáo hiện thời như tín ngưỡng Phạm Thiên của đạo Bà-la-môn hoặc những đạo thờ thần Lửa không đem đến được cho con người sự giải thoát, không góp phần xây dựng xã hội được yên ổn phồn vinh. Những tôn giáo ấy chỉ mang đến sự phân hóa và bất công cho con người đến tột bậc. Dù là một Thái tử sống trong điều kiện giàu sang uy quyền, vinh hoa chất ngất, nhưng đứng trước thực trạng đau khổ của kiếp sống nhân sinh, những cảnh tượng con người phải làm nô lệ, kẻ mạnh hiếp yếu, bao mảnh đời bệnh tật, đau khổ với những cái ch*t tang thương chia cắt tình thâm con người đã làm thổn thức từ tâm của Thái tử. Ngài luôn luôn nghĩ tưởng đến cảnh bất công và đau khổ của kiếp người, nên đã quyết chí xuất gia tìm đường giải thoát cho mình, cho những người thân và cho cả nhân loại. Với chí nguyện lợi tha, từ bi và bình đẳng, không bao lâu sau khi thành đạo, giáo lý của Ngài đã lan tỏa toàn cõi Ấn Độ và sau đó được đệ tử của Ngài tiếp tục hoằng truyền khắp mọi nơi.

Phật giáo bắt nguồn từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakya Muni), người sáng lập đạo Phật cách đây 2500 năm. Trước khi tu đạo và thành Phật, Đức Thích-ca có tên là Tất Đạt Đa (Shiddarta), cũng có cha mẹ và đã thành lập gia đình với công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara), có một người con tên là La-hầu-la (Rahula). Trí tuệ giác ngộ mà Phật đạt được không phải do nơi một vị thần linh nào trao truyền, mà do chính kinh nghiệm tâm linh của Ngài chứng đắc.

Là bậc Đạo sư tối thượng của muôn loài, Ngài đã vạch ra cho chúng sinh con đường thoát khổ để đạt đến cứu cánh viên mãn. Ngài không phải là một đấng thần quyền có thể ban ơn giáng họa, mà là một vị đại y vương tùy tâm bệnh của chúng sinh mà cho Thu*c giáo pháp. Đối với vị Thu*c giải thoát trị lành bệnh khổ đau và phiền não, ai nghe và hành trì theo thì được thoát khỏi trầm luân khổ não. Lòng từ bi của Ngài đối với mọi chúng sinh tựa như mẹ hiền thương con nhỏ, không giờ phút nào mà Ngài không nghĩ đến những nỗi đau khổ của chúng sinh để tìm phương giáo hóa cho đến khi tất cả đều trọn thành Phật đạo.

Hiện nay, sự thành tựu vượt bậc của khoa học và sự tiến bộ của nhân loại đòi hỏi phải thẩm định lại những quan điểm triết học xưa nay để loại đi những tư tưởng lạc hậu phi lý phản khoa học. Thế nhưng, chân lý của đạo Phật vẫn như cây đại thọ, như ngọn hải đăng giữa đêm dài tăm tối. Điều đó đã chứng minh rằng, Phật giáo có một sức sống mãnh liệt tiềm ẩn sâu bên trong, không mơ hồ, mang tính thực tiễn, không phải là lý thuyết suông. Vì vậy, đạo Phật đã trở thành căn bản của nền văn hóa nhân loại, vì đạo Phật xác nhận giá trị con người và giá trị hành động của con người.

Vài nét về giáo lý Đạo Phật

Giáo lý đạo Phật bao gồm ba tạng kinh điển là Kinh, Luật và Luận. Kinh là những lời dạy của Phật Thích-ca nói ra lúc Ngài còn tại thế, nhằm dạy cho chúng sinh dứt trừ phiền não, đạt đến sự an lạc và giải thoát tối thượng. Luật là những giới luật mà Phật chế ra áp dụng cho hàng đệ tử, nhằm mục đích ngăn ngừa điều dữ, tu tập điều lành để cho thân tâm được thanh tịnh. Luận là những sách do đệ tử của Phật viết ra khi Ngài đã nhập Niết-bàn, mục đích là để giải thích rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong kinh, luật, để phân định thế nào là lẽ phải và tà kiến cho người đời sau khỏi bị lầm lẫn.

Người Phật tử chúng ta hành trì theo giáo lý của Phật thì sẽ đạt được nhiều lợi ích và mang lại cho chúng ta sự yên vui bất tận. Đạo Phật còn giúp cho người tu hành gạn lọc những ô trược của cõi đời để được sống trong tinh khiết. Muốn đạt được những lợi ích nêu trên, chúng ta phải tích cực nghiên cứu giáo lý Phật dạy để áp dụng vào thực tại đời sống. Hiểu được giáo lý, chúng ta phải tích cực thực hành hạnh từ, bi, hỷ, xả với mọi người xung quanh. Giáo lý đạo Phật luôn đặt con người làm trọng tâm. Thế Tôn đã dạy rằng đọa địa ngục thì quá khổ sở, ngạ quỷ lại quá đói khát, súc sinh sẽ ngu si, còn lên cõi trời quá sung sướng không thể tu được, chỉ có thân người mới có đủ điều kiện để tiến tu. Vì cảnh giới của con người vừa có vui vừa có khổ, giữa hai trạng thái đó, người ta mới phát tâm tu. Tóm lại, nội dung những lời dạy của đức Phật là phát triển tâm thức, con đường thật sự đưa đến ngay trong đời sống, cho dù trong bất cứ thời gian hay không gian nào, mục tiêu của con đường đó không thể đổi khác

Tác giả Thích Nhuận Thạnh

Theo: Nếp Sống Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nep-song-dao-phan-ii-d8992.html)
Từ khóa: nếp sống

Chủ đề liên quan:

nếp sống

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY