Tâm linh hôm nay

Nếp sống đạo (Phần III)

Đạo Phật luôn chủ trương rằng con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân mình trong những điều kiện hiện tại của cuộc sống, những gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều do hành động (nghiệp hay Karma) của mình tạo

Mục đích của đạo Phật, như chúng đã ta biết, là đem lại hạnh phúc chân thật cho muôn loài. Vậy, như thế nào là hạnh phúc chân thật? Quan niệm về hạnh phúc như thế nào mới đúng?

Phần đông, mọi người đều cho rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn những ước muốn của mình. Nói cách khác, là được chìm đắm trong sự thọ hưởng Ngũ dục lạc, là tài, sắc, danh, thực, thùy. Khi đạt được những thứ này thì người ta cho rằng là mình có hạnh phúc.

Như ta biết, lòng tham của con người thì sâu như đáy bể, con người có bao giờ thỏa mãn với sự ham muốn của mình đâu! Lòng tham của con người vốn là điều vô tận. Vì tất cả chúng ta đều sống trên cõi Dục, nên mọi tư tưởng đều xây dựng trên dục lạc. Tuy có những tham vọng thanh tao và có những tham vọng tho kệch, nhưng tất cả đều không nằm ngoài sự chi phối của dục vọng. Một người nghèo khổ chỉ muốn có đủ áo cơm cho gia đình. Nhưng khi có đủ áo cơm vẫn chưa lấy làm thỏa mãn, người ấy muốn có một căn nhà để gia đình ẩn náu. Nhưng khi được căn nhà, lại vẫn chưa lấy làm thỏa mãn. Cái tham vọng vô cùng đưa người ta đến chỗ vô lý một cách quá đáng. Có khi con người ước muốn một cách quá vụng về.

Hễ tham vọng thì phải được thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn chỉ có trong giây lát rồi lại có một ước muốn khác phát sinh thì sự thỏa mãn không còn nữa và con người phải chạy theo ước muốn mới, vì thế mà suốt đời cứ lận đận, gian nan. Những ước muốn thường không được thực hiện và đó là nguyên nhân cho bao nỗi khổ ở đời. Ưa muốn mà không được là khổ, khi chạy theo dục vọng, người ta có thể phạm vào tội ác. Những nhân xấu ấy đã đưa lại cho con người quả báo vô cùng đau khổ. Ngọn lửa dục vọng từ con người phát sinh trở lại thiêu đốt con người, thiêu đốt cả đời sống nhân loại. Vì vậy, mục đích của đạo Phật trong cuộc đời là giúp mọi người thoát khổ được vui. Đức Phật dạy rằng chúng ta muốn bớt khổ thêm vui, một cách đơn giản là chúng ta phải nên quý trọng những gì mà ta có, cả trong những phút giây, trong từng hơi thở và cả trong đi đứng, nằm ngồi, nói cười, suy nghĩ vv…

Tu theo đạo Phật, ta có thể đạt được tuệ giác sâu rộng để không bị quay cuồng trong sự vận hành của vật chất và ham muốn, mà mất đi những phẩm hạnh cao đẹp cần có của một con người. Trong mỗi giây phút, nếu chúng ta biết rằng mình đang làm gì, nghe gì, cảm gì, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn.

Tóm lại, Phật giáo vừa là một tôn giáo, vừa là một triết lý mà đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại. Đạo Phật luôn chủ trương rằng con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân mình trong những điều kiện hiện tại của cuộc sống, những gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều do hành động (nghiệp hay Karma) của mình tạo. Là Phật tử học theo lời Phật, chúng ta phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, để về đến bến giác ngộ một cách yên bình.

Học theo lời Phật


Học và hành theo lời Phật dạy, tìm hiểu và hấp thụ giáo pháp của Ngài. Dùng ba phương pháp “văn, tư, tu”, tức là nghe lời giảng hoặc đọc kinh sách, suy ngẫm để thấm nhuần tinh túy của lời Phật dạy nhằm áp dụng vào đời sống để điều phục tâm mình không cho vọng động. Ta nên thực hành theo pháp môn Tam vô lậu học Giới–định–tuệ và tinh tấn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng.

Việc học Phật cũng quan trọng như hơi thở chúng ta vậy. Bình thường ta thấy nó không quan trọng, nhưng đến khi hơi bị trở ngại thì nó lại vô cùng có ý nghĩa. Nếu ta không tranh thủ thời gian để học hỏi Phật pháp và tu tập thì sẽ muộn mất.

Vậy phải học tập và hành trì như thế nào? Truớc hết, chúng ta phải học hỏi giáo lý từ Thầy bạn, từ những vị giảng sư trong các khóa tu Phật thất hoặc tu Bát quan trai. Nếu có điều kiện thì nên tham gia học các lớp giáo lý dành cho Phật tử hoặc chương trình Phật học hàm thụ của Nguyệt San Giác Ngộ. Ta cũng có thể học từ các kinh sách băng đĩa dành cho Phật tử sơ cơ. Học tập được đến đâu thì ta nên áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình đến đấy để có được hạnh phúc và an lạc. Khi ta đã hiểu được lời Phật dạy và hành trì theo những lời dạy ấy thì ta sẽ kiểm soát được thân tâm, phiền não khổ đau sẽ bị chế ngự và dần bị loại trừ.

Tu học theo Phật giáo là tìm trở về an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh để phát huy một loại hiểu biết đặc biệt được gọi là trí tuệ. Đức Phật luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng tuệ giác rất quan trọng trong đời sống. Nó có thể giải thoát chúng ta ra khỏi tất cả những mê lầm và tiến dần đến hành trình giác ngộ.


Tác giả Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nep-song-dao-phan-iii-d9040.html)
Từ khóa: nếp sống

Chủ đề liên quan:

nếp sống

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY