Tin tức hôm nay

Tin tức

Ngày hôm qua đã là lịch sử!

MangYTe - Lịch sử đã điền tên Vĩnh Phúc khi số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 cao nhất cả nước, nhưng lịch sử cũng đã gọi tên Vĩnh Phúc khi các ca bệnh đến nay đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh Covid-19 tại Việt Nam, cũng là bệnh nhân cuối của Vĩnh Phúc đã được chữa khỏi - đó là cổ vũ cho những thành công của y, bác sĩ, nhưng cũng là thành công cho những quyết liệt chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Đó là niềm vui cho nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Nhưng nếu có một chương trong lịch sử Đảng bộ về quá trình xây dựng phát triển của tỉnh, xin hãy để một phần mục nhỏ để được ghi lại, chép lại những ngày tháng đồng lòng, quyết tâm mà tỉnh Vĩnh Phúc đã chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh như thế nào!

Một cuộc chiến đã bắt đầu như thế…

Có một sự trùng hợp không mong muốn khi mà cách đây 70 năm, ngày 12-2-1950, Chính phủ đã ra nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành lập tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày này đã đi vào lịch sử, không chỉ là mốc son đánh dấu cho sự ra ra đời của một địa phương mà còn mở ra một thời kỳ mới của Vĩnh Phúc trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Và rồi 70 năm sau, ngày 12-2-2020, tỉnh Vĩnh phúc cũng đã ra một quyết định mang tính lịch sử chưa từng có của địa phương khi phải thực hiện quyết định cách ly cả một đơn vị hành chính cấp xã để bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân.

Ngày 17-1, tám người công nhân của công ty Nihon Plast sau hai tháng học tập tại Vũ Hán (Trung Quốc) không may mang trong mình mầm bệnh mới với tên gọi viêm đường hô hấp chủng mới virus corona trở về Việt Nam. Họ đa phần đều đến từ xã Sơn Lôi, trong số họ không ai biết và ai hiểu sự nguy hiểm của mầm bệnh. Một cái Tết Nguyên đán không mang lại niềm vui cho họ và cả những người có tiếp xúc với họ.

Với số ca mắc bệnh Covid-19 tăng theo từng ngày, Chính phủ đã tuyên bố Vĩnh Phúc là vùng dịch, mà trọng tâm là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Tất cả các công nhân quê tại Sơn Lôi trên chuyến bay đó đều cho xét nghiệm dương tính. 11 người tỉnh Vĩnh Phúc đã bị dương tính, gần 100 người nghi ngờ lây nhiễm cao, hàng trăm người có tiếp xúc gần với người bệnh.

Một không khí căng thẳng trong toàn bộ lãnh đạo của tỉnh. Một loại virus mới mà trên toàn thế giới chưa có Thu*c nào có thể chữa trị. Điều này có thể làm nản lòng với bất kỳ quốc gia hay hệ thống y tế nào.

Nhưng với một tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ tới các cấp chính quyền địa phương, trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Dừng toàn bộ cuộc họp không cần thiết, tất cả hệ thống chính trị, toàn bộ cán bộ, người dân Vĩnh Phúc đều trở thành những “chiến sĩ” chống lại “giặc” dịch. Không khí khẩn trương, quyết liệt được truyền đi từ lãnh đạo cao nhất tới từng người dân.

Và vào ngày 12-2 đó, ngay từ 6 giờ 15 phút sáng, “Bộ chỉ huy” cao nhất là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn và ra quyết định khoanh vùng, cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, áp dụng tất cả các biện pháp y tế đối với nhân dân trong xã cũng như những ai đang sống và làm việc tại đây.

Một trường nghệ thuật trở thành bệnh viện dã chiến, trường quân sự tỉnh (Trung đoàn 834) trở thành khu cách ly tập trung; mỗi tổ dân phố bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ, nhân viên y tế có trách nhiệm đi từng nhà, kiểm tra toàn bộ người dân, lập hồ sơ sức khoẻ, những ai có biểu hiện đưa ngay tới cơ sở y tế. Những trường hợp không hợp tác sẽ tiến hành cưỡng chế.

87.000 công nhân, hàng trăm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện kiểm tra thân nhiệt hai lần/ngày. Nâng mức đáp ứng cao nhất có thể của toàn hệ thống chính trị để đáp ứng với dịch bệnh; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ; thành lập ba tổ công tác để chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh này trong các khu công nghiệp.

Dừng các lễ hội, hạn chế tối đa các hoạt động đông người; có hồ sơ, danh sách để sàng lọc, đối với những người có biến đổi về nhiệt độ cơ thể kiểm tra riêng và tiến hành cách ly khi cần thiết. Tất cả những người có nguy cơ mắc dịch và những người đến từ vùng có dịch được kiểm soát và cách ly tại gia đình. Trong trường hợp đặc biệt, đề xuất phương án cưỡng chế cách ly nhằm bảo đảm an toàn và kiểm soát dịch bệnh.

Tổ chức kêu gọi doanh nghiệp dành các dây chuyền sản xuất, huy động công nhân lao động may khẩn trương từ 1-2 triệu khẩu trang vải để cung cấp cho nhân dân.

Huy động toàn bộ cán bộ y tế, trưng tập các y, bác sĩ ở các bệnh viện Trung ương, quân đội đóng trên địa bàn tập hợp do Sở Y tế Vĩnh Phúc làm tổng chỉ huy chi viện xuống xã Sơn Lôi để dập dịch…

Và một cuộc chiến với dịch đã bắt đầu như thế…

Niềm tin chiến thắng

“Vĩnh Phúc phải là phòng tuyến cho thủ đô Hà Nội và cả nước” - đó là chỉ đạo kiên quyết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong cuộc họp kiểm tra tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phòng chống dịch. Đó là một mệnh lệnh mà tỉnh Vĩnh Phúc sẽ làm và phải làm thành công bằng được.

Và thực sự, Vĩnh Phúc đã hoàn thành điều đó. Với vị trí cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Nôi Bài, có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ hai đi các tỉnh biên giới… đã đặt ra vấn đề rất lớn, đe dọa lây lan dịch từ địa phương này ra các địa phương xung quanh của tỉnh cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Cách đây hai tuần, xã Sơn Lôi lúc đó là tâm điểm dịch Covid-19 của cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn tại xã này có tới sáu ca mắc Covid-19 mới và nguy hiểm hơn là dịch đã có biểu hiện lây lan trong cộng đồng. Do đó, việc tiến hành khoanh vùng, cách ly cả một vùng có dịch - xã Sơn Lôi, là giải pháp vô cùng quan trọng để dập dịch, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã về “cắm chốt” tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là một quyết định rất đúng đắn, rất kịp thời, rất trách nhiệm và rất dũng cảm. Việc tổ chức cách ly chống dịch tại xã Sơn Lôi không chỉ là chống dịch riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc mà chính là thể hiện trách nhiệm cao của Vĩnh Phúc với tất cả các tỉnh, thành, với người dân cả nước. Chính vì vậy, chúng ta nên cảm ơn tỉnh Vĩnh Phúc, cảm ơn người dân Sơn Lôi về việc này”.

Ngày 26-2, bệnh nhân cuối của tỉnh Vĩnh Phúc, cũng chính là người bệnh cuối của Việt Nam tới thời điểm hiện tại được công bố chữa khỏi bệnh ngay tại trung tâm y tế của tuyến huyện. Cùng với đó, 82 người nghi ngờ lây nhiễm cao ở khu cách ly tập trung cũng đã được trở về gia đình sau 14 ngày không có dấu hiệu của bênh. Và từ ngày 13-2 đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới. Những “điềm lành” ấy không chỉ báo hiệu cho kết quả tích cực trong điều trị của ngành y tế, sự chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch của trung ương mà nó cũng lời cổ vũ cho nỗ lực quyết tâm của địa phương để vững tin hướng về phía trước.

Có ý kiến cho rằng, nên tặng các bác sĩ chữa trị cho các bện nhân bằng khen cho những nỗ lực và cố gắng trong công cuộc phòng chống dịch. Điều này có thể các cấp các ngành sẽ quan tâm nhưng với trách nhiệm, cùng sự lựa chọn dũng cảm, quyết liệt trong chỉ đạo, với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe mọi người thì các y, bác sĩ đang chữa trị tại đây hay tỉnh Vĩnh Phúc đã có một “bằng khen” lớn ở trong lòng của nhân dân.

Với người dân, điều họ quan tâm hơn cả không phải là chính quyền đã làm cái gì, làm ra sao, mà là việc chính quyền đã chuẩn bị và sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn của họ.

Và không chỉ có những cố gắng của chính quyền, của y bác sỹ mà thời điểm này con cho thấy sự đoàn kết và ủng hộ về mặt tinh thần của người dân cả nước hướng về Vĩnh Phúc, hướng về Sơn Lôi giúp họ vượt dịch ở ngay trong tâm dịch.

Những chuyến hàng ủng hộ, từ chiếc khẩu trang, chai nước sát khuẩn hay những gói mỳ tôm… liên tục đến tay với bà con nơi có dịch trong thời gian qua. Và ngay cả trong bức thư của một học sinh tiểu học lớp 1 tại Hà Nội gửi cho học sinh tỉnh Vĩnh Phúc. Những nét chữ còn con trẻ nhưng tràn đầy yêu thương. “Các bạn đừng lo. Các bạn nhớ giữ gìn sức khỏe, uống nhiều nước, rửa tay sạch sẽ, nhớ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Virus corona sẽ đầu hàng thôi!".

Thế mới thấy, những con virus đã gieo rắc cho xã hội nỗi sợ hãi nhưng lại là phép thử cho ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Tinh thần dân tộc đó của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt.

Những ngày qua, cả nước luôn dõi theo và mừng vui mỗi khi có bệnh nhân ở Vĩnh Phúc được chữa khỏi, mà công đầu thuộc về những y, bác sĩ. Song có lẽ cũng phải gửi lời cảm ơn tới nhân dân xã Sơn Lôi đã hy sinh cuộc sống thường ngày để nhằm kiểm soát dịch bệnh. Và cảm ơn tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định dũng cảm khi cách ly cả một đơn vị hành chính để bảo đảm an toàn cả nước.

Và khi tất cả ý thức, mỗi người đều là chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch thì chúng ta sẽ có một niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Vì cho dù mang tên nào, viêm đường hô hấp chủng mới virus corona hay với tên gọi mới là Covid-19 thì nó sẽ phải là quá khứ!

TIẾN ĐỨC

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/43408002-ngay-hom-qua-da-la-lich-su.html)

Tin cùng nội dung

  • Khó tiêu là rối loạn tiêu hóa thường gặp, nhất là trong thời ăn nhanh, uống vội hiện nay. BSCK2 Trần Ánh Tuyết, chia sẻ một số giải pháp khắc phục tình trạng trên.
  • Chào Mangyte. Xin vui lòng có thể cho tôi một vài địa chỉ phòng khám và số điện thoại liên lạc của những bác sĩ trên địa bàn Hà Nội chuyên về Nhi khoa được không ạ? Xin cảm ơn Mangyte rất nhiều ạ. (Minh Hòa - Long Biên - Hà Nội),
  • Chào Mangyte, Mình ở Thanh Hóa, bố mình bị sỏi mật có chỉ định phải mổ, mình muốn hỏi bệnh viện nào ở khu vực miền Bắc là tốt nhất? chi phí bao nhiêu? Rất mong Mangyte trả lời giúp mình. Cảm ơn. (Cao Thi Tuyen - Thanh Hóa)
  • Sắp tới Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 5 ngày, gia đình tôi muốn đi du lịch kết hợp với khám sức khỏe luôn có được không? Còn 1 tháng nữa nhưng tôi phải lên kế hoạch từ bây giờ. Tôi nên đăng ký ở đâu, nhờ Mangyte hướng dẫn giúp. Xin cảm ơn nhiều! (Phúc Vinh - TPHCM)
  • Em là con gái, sức khỏe không tốt lắm (ba mẹ gọi là “cọng bún thiu”) nên em đi học võ để cải thiện. Mới học buổi đầu tiên mà em đã bị sưng mắt cá chân. Ban đầu đau nhẹ, em tưởng là không sao nhưng cuối ngày nó sưng to lên. Tình hình này em nghĩ là sẽ bị chấn thương dài dài (hic!). Mangyte cho em hỏi ở TPHCM có nơi nào chuyên điều trị chấn thương do thể thao không? Chắc là em phải làm bệnh nhân thân thiết ở đó quá! Cảm ơn Mangyte! (Mỹ Hạnh - kitty…@yahoo.com.vn)
  • Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể, đồng thời vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì.
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY