Hỏi: Mỗi dịp lễ hội, gia đình tôi, không người này thì người khác gặp trục trặc về vấn đề tiêu hóa. Mong bác sĩ dinh dưỡng tư vấn giúp cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn sức khỏe?
Khi Tết đến các bà nội trợ thường có xu hướng mua sắm nhiều đồ ăn, thức uống thậm chí đủ cho một tuần, hai tuần không cần đi chợ. Đồ ăn thức uống tích trữ, với rất nhiều món cổ truyền “thừa chất” bánh chưng, giò, nem, chả hay thực phẩm có hàm lượng muối cao như cá hun khói, thịt gà, phô mai. Thức ăn nhiều, lại kèm với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn dễ nảy sinh nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Mấy ngày lễ Tết, khi cơ thể được cung cấp chất dinh dưỡng hơi quá thừa, và việc tập luyện gần như không có, cũng thường kéo theo các bệnh lý như: Đầy bụng, trướng hơi, rối loạn tiêu hóa… Đặc biệt ở trẻ nhỏ, tình trạng béo phì, hay suy dinh dưỡng ở trẻ càng nặng nề hơn bởi xu hướng trẻ béo thích ăn và ít bị kiềm chế ăn đồ béo, đồ ngọt; còn trẻ gầy lại dễ bị đầy bụng với các thức ăn này dẫn đến trẻ chán ăn, không ăn.
Một số bệnh, bệnh mãn tính không lây nhiễm như gút, huyết áp, tiểu đường cũng có nguy cơ tăng nặng trong dịp Tết “quá đà vui” bia, rượu hay các thực phẩm ngọt, nhiều đạm khác có thể gây ra.
Để khắc phục, mọi người cần lưu ý chế độ ăn uống phải thực sự cân đối có thành phần đầy đủ đường đạm mỡ, chất xơ, khoáng chất vitamin, uống đủ nước chế độ ăn đảm bảo số lượng vừa đủ no, đừng ăn thái quá các bữa liên tiếp dồn nhau. khi cơ thể thường có dấu hiệu báo trước đó là hơi đầy bụng, ậm ạch thì bữa sau giảm bớt số lượng xuống và tăng thời gian vận động lên thì ống tiêu hóa sẽ vận động trở về bình thường.
Bên cạnh đó, không lên lưu cữu thức ăn lâu ngày, cần bảo đảm thức ăn hợp vệ sinh, tươi ngon. Riêng với các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, cần tiếp tục uống Thu*c theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt hàng ngày, tránh gây sự xáo trộn không đáng có ảnh hưởng đến sức khỏe.