Kinh tế xã hội hôm nay

Ngày thứ hai phiên chất vấn, trả lời chất vấn: Nhiều vấn đề nóng được chất vấn cụ thể

Ngày 17/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10.
Ngày 17/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấntrả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10. Trước hàng loạt những vấn đề như: giải pháp cơ bản để làm chuyển biến tình hình trên các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan; sự thay đổi cách giảng dạy môn lịch sử... được các đại biểu nêu,các thành viên Chính phủ có những giải trình liên quan.

Tình trạng ăn cắp bản quyền trên trang tin điện tử vẫn tồn tại

Trả lời phần chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã trả lời một số vấn đề đại biểu chất vấn như quy hoạch viễn thông, tin nhắn rác, việc quản lý trang thông tin điện tử... Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, tin nhắn rác hiện có 3 nguồn: thứ nhất là sim rác, việc quản lý sim hiện chưa chặt chẽ. Thứ 2 là nhắn tin OTV trên mạng internet. Thứ 3 là do các nhà cung cấp nội dung số CSP, cho phép họ nhắn tin quảng cáo nhưng họ lại lợi dụng hình thức này để nhắn tin rác. Thực trạng này đã gây bức xúc cho người dân như các đại biểu nêu. Theo Bộ trưởng, đối với các tin nhắn rác trên mạng OTV, Bộ TT&TT đã ra các chỉ thị, thông tư... siết chặt vấn đề này như việc đăng ký tên người sử dụng.

Giải đáp chất vấn của đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về vấn nạn sao chép tràn lan, vi phạm bản quyền trên các trang mạng xã hội hiện nay. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đã cấp phép cho 1.599 trang tin điện tử tổng hợp, cùng với hàng triệu blog cá nhân trên mạng. Trang thông tin điện tử tổng hợp có vai trò nhất định với nhiều người sử dụng. Ngược lại, cũng thấy các trang này có bất cập nhất định như nạn ăn cắp bản quyền, vi phạm quyền tự do chính đáng của người khác, vi phạm an ninh quốc gia. Điều 5 Nghị định 72 đã đưa ra chế tài, điều cấm đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp. Bộ đã có chấn chỉnh nhất định, có hình thức xử phạt nhưng tình trạng này còn gây ra bức xúc cho xã hội. Trách nhiệm thuộc về Bộ và cơ quan quản lý các cấp.

“Nóng” vấn đề thay đổi cách giảng dạy và tích hợp bộ môn lịch sử

Từng có gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ sự băn khoăn rất lớn đến việc thay đổi cách giảng dạy và tích hợp bộ môn lịch sử của Bộ Giáo dục đào tạo (GD - ĐT), ĐB này hỏi: “Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Liệu thời gian tới Bộ có dừng chủ trương tích hợp môn lịch sử hay không?”. Về một vấn đề thời sự và cụ thể hơn, ĐB Lê Văn Lai chất vấn: Tại sao lại tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài thơ “Sông núi nước Nam” thời Lý Thường Kiệt đã tồn tại bao đời nay...

Trả lời về vấn đề tích hợp môn lịch sử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, với chủ trương tích hợp, môn lịch sử không bị coi nhẹ mà còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Ngoài việc tích hợp môn lịch sử vào môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh thì các môn khác như văn học, địa lý, giáo dục âm nhạc cũng sẽ gắn với lịch sử khi giảng dạy...

Trước câu trả lời khá dài dòng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “ĐB hỏi, theo quan điểm của Bộ trưởng có để môn lịch sử là môn độc lập không hay tích hợp, mong Bộ trưởng trả lời rõ”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói: “Chúng tôi đang lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến sau đó sẽ báo cáo các cơ quan chức năng và Thủ tướng để có kết luận cuối cùng”. Với ý kiến của ĐB Lê Văn Lai về bản dịch bài thơ “Sông núi nước Nam”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, những thay đổi không cần thiết và không mang lại hiệu quả cao thì không cần thay đổi.

Đảm bảo ATVSTP: Không sợ chồng chéo, chỉ sợ để lọt

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trả lời những chất vấn của các ĐB Quốc hội ngày 17/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác đảm bảo ATVSTP được các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể phối hợp, có rất nhiều cố gắng, tiến bộ song cũng còn rất nhiều bất cập, chưa đạt được mong muốn của nhân dân. Có nhiều nguyên nhân song khẳng định không phải bất cập là do phân công, phân nhiệm có chồng chéo. Dẫn giải về điều này, Phó Thủ tướng cho biết, trước đây, Bộ NN&PTNT quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương quản lý lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Luật ATTP mới quản lý theo tư duy mới là quản lý theo chuỗi, lưu thông từ khâu chế biến, sản xuất kinh doanh và luật quy định rất rõ trách nhiệm đối với 3 Bộ. Gần đây nhất, để giải quyết tương đối triệt để vấn đề này, 3 Bộ đã ký thông tư liên tịch trong đó có quy định chi tiết về việc mỗi vụ việc chỉ có một cơ quan duy nhất làm đầu mối, trong đó nêu rõ các nhóm nào thuộc y tế, nhóm nào thuộc công thương, nông nghiệp. “Như vậy là cơ bản đã phân công ổn, nói cơ bản vì ATTP có sự giao thoa rất nhiều ngành, các Ban chỉ đạo. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, với các Bộ, thậm chí tôi trực tiếp trao đổi với một số chuyên viên, chúng tôi không sợ chồng chéo mà chỉ sợ để lọt. Đến giờ phút này, có thể nói hệ thống chính sách pháp luật cũng tương đối đầy đủ. Câu chuyện chỉ là tổ chức thực hiện. Không chỉ các ngành dọc mà còn sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương; còn tuyên truyền vận động nhân dân cùng vào cuộc” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết. 

Anh Tuấn - Hoàng Dương

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ngay-thu-hai-phien-chat-van-tra-loi-chat-van-nhieu-van-de-nong-duoc-chat-van-cu-the-20974.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY