Tâm sự hôm nay

Tai biến và vấn đề đầu tư

Trong thời gian qua, tai biến y khoa là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc trong xã hội và làm đau đầu các nhà quản lý y tế.
Trong thời gian qua, tai biến y khoa là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc trong xã hội và làm đau đầu các nhà quản lý y tế. Một trong những nguyên nhân gây nên tai biến là việc đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tại dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị chẩn đoán bệnh không đồng bộ, do phương pháp chẩn đoán và quan trọng nữa là có nhiều bệnh mới, bệnh lạ xảy ra mà y học đang cần có thời gian để nghiên cứu đưa ra phương pháp phòng và điều trị... Ở góc độ bài viết này, xin tập trung vào vấn đề đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Hiện nay, trước thực trạng có 2 - 3 bệnh nhân nằm điều trị một giường, đặc biệt là ở các tuyến Trung ương đã và đang gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bình thường, một ngày 8 tiếng bác sĩ chỉ khám với số lượng bệnh nhân nhất định, nhưng vì quá tải nên phải tăng gấp hai, gấp ba. Như vậy, thời gian khám chữa bệnh, trao đổi, tư vấn của bác sĩ đối với bệnh nhân sẽ bị rút ngắn, các bác sĩ rất khó có thể có thời gian làm đúng theo quy trình khám chữa bệnh. Đấy là chưa kể, quá tải bệnh viện còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong bệnh viện, không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn. Đó là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cũng như có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa. Mặc dù trong thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm tải, với tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện đã được cải thiện khi đưa vào hoạt động hơn 1.350 giường bệnh mới trong năm 2013. Bộ Y tế cũng đã tiến hành khởi công xây dựng mới hàng loạt cơ sở y tế như Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy và khởi công xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với quy mô 500 giường... song song với đó là hàng loạt các chính sách nhằm thu hút đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư cho bệnh viện, giảm tải bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm tai biến. Nhưng tất cả mới trong giai đoạn đang thực hiện nên trước mắt, nguồn ngân sách đầu tư cho y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế mặc dù Chính phủ đã có quan tâm đầu tư cho y tế từ nhiều nguồn nhưng đầu tư cho y tế vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu. Trái phiếu Chính phủ cho y tế bị cắt giảm mạnh; Chi NSNN cho y tế/tổng chi NSNN còn thấp so với một số nước trong khu vực; chi tiền túi hộ gia đình (OOP) còn cao (~50%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn thấp. Đầu tư cho y tế dự phòng còn hạn chế, hầu hết các địa phương chưa phân bổ đủ mức tối thiểu 30% cho y tế dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển khu vực ngoài công lập (xã hội hóa) chưa đủ mạnh để có thể huy động tối đa các nguồn lực của xã hội cho chăm sóc sức khỏe. Tuy đã có một số chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhưng trong quá trình thực thi vẫn còn có rào cản, chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương, việc xây dựng quy hoạch còn hạn chế, nhiều mục tiêu quy hoạch khó đạt. Cùng với đó, cho dù cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế đã bước đầu được đổi mới nhưng chưa thực sự được phát huy tác dụng, trong tư duy và hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập vẫn còn mang tính bao cấp, chưa thích ứng quy luật cung cầu, quy luật giá trị. Chính sách viện phí còn chậm đổi mới, chưa thực hiện tính đúng và thu đủ chi phí nên mức thu thấp, không đảm bảo cân đối thu, chi của đơn vị.

Ngoài ra, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình bệnh tật thay đổi với các dịch bệnh mới, bệnh lạ khó lường trước. Kỹ thuật y học ngày càng phát triển thì nhu cầu của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng dịch vụ làm cho chi phí y tế gia tăng rất nhanh, ngân sách có tăng nhưng mức tăng còn thấp nên chưa đáp ứng được các yêu cầu chi tiêu cơ bản. Vì thế đòi hỏi ngành y tế phải hết sức nỗ lực về nguồn nhân lực, trình độ khoa học kỹ thuật cũng như đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của nhân dân và ứng phó kịp thời với mô hình bệnh tật thay đổi, cả các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, các bệnh không truyền nhiễm và các dịch bệnh mới, bệnh lạ khó lượng trước, đó cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến các tai biến.

Tất cả những yếu tố trên thực chất đều liên quan đến việc đầu tư trong lĩnh vực y tế vẫn chưa tương xứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và nhiệm vụ của ngành. Điều này bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế thì đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân càng ngày gia tăng trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cũng đặt ra vấn đề, dưới góc độ kinh tế, cần nhìn nhận một cách khách quan những rủi ro do tai biến có một phần nguyên nhân từ việc đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn chế để nhìn nhận, thông cảm và chia sẻ.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ÐS

Nguyễn Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tai-bien-va-van-de-dau-tu-5646.html)
Từ khóa: tai biến

Chủ đề liên quan:

đầu tư tai biến vấn đề

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY