Tâm sự hôm nay

Nghề đã giúp tôi hiểu đời hơn

Nhiều người cứ nghĩ rằng chuyên ngành nhi khoa là thường xuyên tiếp xúc với trẻ con, trẻ con thì biết gì, thậm chí “miệng ăn thì có, miệng nói thì không”.

Nhiều người cứ nghĩ rằng chuyên ngành nhi khoa là thường xuyên tiếp xúc với trẻ con, trẻ con thì biết gì, thậm chí “miệng ăn thì có, miệng nói thì không”. Thế nhưng mình lại nghĩ khác vì chuyên ngành này không chỉ giao tiếp với đứa trẻ mà bác sĩ nhi khoa còn được giao tiếp với người thân của đứa trẻ ấy như bố mẹ, ông bà, cô dì, chú bác..., thậm chí là người giúp việc. Trong cái khó khăn, phức tạp ấy, thay vì nghĩ rằng tại sao tôi lại khổ thế, đối tượng làm việc của mình là trẻ con bằng suy nghĩ là mình thật may mắn vì có điều kiện tiếp xúc với nhiều người. Đây phải chăng là những may mắn trong nghề nghiệp của mình.

Tôi đã từng khám cho trẻ em là con, cháu, người thân của những người có địa vị, quyền thế cho đến cả những người dân nghèo nhất. Từ những người có học vị cao là giáo sư, tiến sĩ thậm chí cả giáo sư của ngành y nữa, họ là những giáo sư nổi tiếng nhưng lại ở những chuyên ngành... chữa bệnh cho người lớn. Đặc biệt khi khám bệnh cho con, cháu... của những người là “anh hùng hảo hán”, “đầu gấu” trong xã hội, những người từng bị xã hội lên án, xa lánh dè dặt khi phải tiếp xúc... Khi tiếp xúc với họ mới hiểu rằng, trong sâu thẳm tâm hồn của những con người đó, họ cũng có một tình yêu thương. Họ yêu con của mình kinh khủng, thậm chí làm cho mình có cảm giác họ yêu hơn những người khác. Tiếp xúc với họ mới phát hiện ra điều mới, ngỡ ra nhiều điều... hiểu thêm về xã hội, con người giúp mình tránh được những ứng xử sai lệch.

Nhưng áp lực thì không ít

Xã hội nào cũng thế, trẻ con là vốn quý nhất, là tương lai của đất nước. Về góc độ gia đình, cứ có một đứa trẻ sinh ra thì nó là “tâm điểm” của cả gia đình. Khi đứa trẻ bình thường người ta đã dồn hết tình yêu, sự chăm sóc… cho đứa trẻ ấy. Nhỡ không may nó bị ốm thì sự chăm sóc, nâng niu sẽ tăng lên gấp bội.

Chính vì điều đó nên nhiều khi đối với những bệnh thông thường của trẻ đến bệnh viện chỉ để thăm khám thôi thì tâm lý của họ cũng đang chờ trông ở bác sĩ một điều gì đó. Trong khi bệnh viện hiện nay quá tải, họ phải chờ đợi để đến lượt khám... Những ngày mát mẻ thì không sao, không may vào những ngày nóng bức, môi trường không thuận lợi thì bản thân gia đình rất dễ có những bức xúc mà chúng ta - những bác sĩ nhi khoa phải hiểu được tâm lý đó để giải quyết vấn đề cho ổn thỏa. Thế còn khi đứa trẻ bị bệnh nặng thì người ta sẽ rất lo lắng, sẽ tạo áp lực cho người thầy Thu*c, người điều dưỡng trực tiếp chăm sóc. Ví dụ, khi mình cấp cứu đứa trẻ giữa cái sống và cái ch*t kề bên thì áp lực gần như đạt đến đỉnh điểm. Khi ấy thời điểm nào cho người nhà vào thăm là cả một vấn đề. Khi chúng ta chuẩn bị làm những thủ thuật cấp cứu cần phải dồn tâm sức vào và cần có một môi trường yên tĩnh, thoải mái thì người nhà lúc đó không nên vào và cũng không nên ngó nghiêng ở ngoài để tạo áp lực. Quan trọng là thầy Thu*c phải nói với họ như thế nào để họ hiểu ra vấn đề đó. Nhưng sau khi cấp cứu xong rồi, ổn định rồi thì lại rất cần gia đình, người nhà đến để động viên, chăm lo. Lúc đó người nhà sẽ được vào thăm.

Nếu chúng ta không hiểu tâm lý của họ và không biết cách để thuyết phục họ thì cái lúc đáng lẽ cần vào thăm thì họ lại không có mặt và lúc không nên vào thăm thì người ta lại có mặt sẽ rất không tốt. Tôi chỉ nói khía cạnh của người thầy Thu*c thôi, thế nhưng cũng là những cái tạo áp lực cho bác sĩ.

Cần phải trau dồi nghiệp vụ

Khi làm việc cần phải tiên lượng, cố gắng làm mọi việc tốt nhất có thể được và giảm đến mức tối thiểu những sai sót cho bệnh nhân bằng cách phải rèn luyện kiến thức và kỹ năng của mình, phải học hỏi liên tục và tạo cho mình thói quen là việc làm của mình hôm nay có thể tốt cho hôm nay nhưng chưa chắc đã tốt cho ngày mai vì khoa học luôn luôn đổi mới và bệnh tật luôn thay đổi. Vì vậy, việc học hỏi qua thầy, bạn bè, đồng nghiệp, sách báo trở thành một nhu cầu của mình.

Tôi vẫn nói với học trò và đồng nghiệp rằng, một ngày không đọc sách là đã bỏ đi một ngày tiếp cận với kiến thức mới. Vậy phải tạo cho mình một thói quen đọc sách hằng ngày. Kể cả hôm nay chúng ta có thể cứu được nhiều trẻ sống nhưng chúng ta không được thỏa mãn với những gì đã làm mà luôn luôn phải thay đổi, phải tìm ra cái mới hơn nữa để làm sao cứu em bé một cách toàn diện và hoàn hảo hơn nữa.

Thu Hương

(Ghi theo tự sự của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai)<

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nghe-da-giup-toi-hieu-doi-hon-6158.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY