Khoa học hôm nay

Nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết và Covid-19: Tin tốt và tin xấu!

Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Và cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem thời tiết và khí hậu có ảnh hưởng đến virus SARS-CoV-2.

Tin tốt và tin xấu

Các chuyên gia có cả tin tốt lẫn tin xấu, theo trang Scientific American.

Tin tốt là thời tiết nóng ẩm của mùa hè có thể làm giảm (một chút) sự lây lan của nCoV. Nhưng tin xấu là điều này là chưa đủ để giảm thiểu đáng kể đại dịch.

Covid-19 đã quay trở lại khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng tính đến thời điểm này, chấm dứt 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng.

Mặc dù thời tiết nóng ẩm có thể làm chậm lại quá trình lây lan nCoV, từng đó vẫn chưa đủ để hạn chế đáng kể dịch bệnh.

Người dân không nên nghĩ mọi thứ đã an toàn vì thời tiết chuyển sang mùa hè, Mohammad Jalali, nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, nói với tờ E&E News. Ông Jalali là người đang nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết và nCoV.

"Tất cả chính sách y tế công cộng nên được duy trì", Jalali nói. "Thật ra, ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều thấy sự suy giảm của nCoV nhưng chủ yếu là vì các chính sách này".

Một số nghiên cứu cho thấy thời tiết mùa hè có ảnh hưởng đến việc lây lan virus nhưng bằng chứng không được rõ ràng. Một báo cáo công bố bởi Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ (NASEM) hồi tháng 3 đã xem xét nhiều nghiên cứu về vấn đề này.

Theo báo cáo của NASEM, một số thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy nhiệt độ và độ ẩm cao có liên quan đến việc giảm tỷ lệ sống của virus. Nhưng điều kiện mô phỏng trong phòng thí nghiệm không phải lúc nào cũng giống điều kiện mà virus gặp trong đời thực.

"Không có nhiều ý nghĩa"

Một vài nghiên cứu khác lập bản đồ về sự lây lan của nCoV trên toàn thế giới và so sánh tiến trình của nó với sự khác biệt khí hậu địa phương. Một số nghiên cứu cho thấy virus có thể lây lan tốt nhất trong phạm vi nhiệt độ và độ ẩm nhất định.

Cụ thể, nghiên cứu hồi tháng 7 đăng trên tờ Science Focus cho thấy thời tiết lạnh khiến nCoV trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 6.914 bệnh nhân nhập viện với nCoV tại Croatia, Tây Ban Nha, Ý, Phần Lan, Ba Lan, Đức, Anh và Trung Quốc. Họ cũng ghi lại nhiệt độ và độ ẩm địa phương và thấy rằng số bệnh nhân diễn biến nặng giảm ở hầu hết các nước châu Âu khi thời tiết chuyển từ đông sang hè.

Theo các chuyên gia, các chính sách y tế công cộng như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang là rất quan trọng trong việc đẩy lùi đại dịch.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng có thiếu sót như dữ liệu hạn chế và thời gian nghiên cứu tương đối ngắn, theo NASEM.

Báo cáo của NASEM kết luận thời tiết có thể đóng một vai trò nhỏ và có khả năng hạn chế sự phát triển của đại dịch trong các tháng tới. Nhưng ngoài nhiệt độ và độ ẩm, còn có nhiều yếu tố khác "ảnh hưởng và quyết định tốc độ lây truyền của virus trong thế giới thực", trích báo cáo của NASEM.

Sau báo cáo của NASEM, có nhiều nghiên cứu khác đưa ra kết luận tương tự.

Một nghiên cứu công bố tháng 6 bởi Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xem xét sự lây lan của COVID-19 toàn cầu từ giữa tháng một đến đầu tháng ba, cố gắng khắc phục hạn chế của những nghiên cứu trước.

Theo đó, nCOV có xu hướng lây lan mạnh trong phạm vi khí hậu tương đối hẹp: khu vực có độ ẩm thấp và nhiệt độ trung bình khoảng 5-10 độ C. Nghiên cứu kết luận sự lây lan của nCoV trong khoảng thời gian nghiên cứu "có đặc tính của một loại virus đường hô hấp theo mùa".

Tuy nhiên, kể từ đó, virus đã lan rộng ra khắp thế giới, cả ở các khu vực nằm ngoài dải khí hậu hẹp được xác định trong nghiên cứu.

Tác giả chính của nghiên cứu này là ông Mohammad Sajadi, nhà nghiên cứu tại Trường Y, Đại học Maryland, Mỹ. Ông Sajadi cho biết nghiên cứu không khẳng định nCoV chỉ có thể lây lan trong một số điều kiện khí hậu nhất định. Các yếu tố khác như mật độ dân số và chính sách giãn cách xã hội cũng có ảnh hưởng lớn.

"Thời tiêt, ô nhiễm không khí và sự lây lan Covid-19" là một dự án khác gần đây công bố trên tờ New York Times. Là sự hợp tác của nhiều viện nghiên cứu, dự án theo dõi cách nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự lây lan của nCoV. Nghiên cứu này củng cố kết quả của các nghiên cứu trước: thời tiết có ảnh hưởng đến sự lây lan của nCoV nhưng không có tác động đáng kể với dịch bệnh.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cao và việc tiếp xúc nhiều với tia UV có thể làm giảm nhẹ sự lây lan virus. Nhưng ông Jalali, nhà nghiên cứu Harvard và là một trong những tác giả, cảnh báo điều này không có ý nghĩa nhiều.

Trên gần 4.000 địa điểm được phân tích trong nghiên cứu, tác động lớn nhất mà các nhà nghiên cứu quan sát được là giảm 30-40% sự lây lan virus nhờ thời tiết. Nghe có vẻ rất nhiều nhưng ở hầu hết các địa điểm, thậm chí giảm 40% vẫn sẽ khiến số ca nhiễm nCOv tăng theo cấp số nhân. Và số phần trăm giảm này chỉ xảy ra với điều kiện thời tiết rất nóng, rất ẩm, Jalali nói.

Mùa hè nóng nực cũng không được chủ quan!

Giới khí tượng đang cảnh báo một mùa hè nóng hơn so với trung bình. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia đồng ý chúng ta vẫn không được chủ quan trước đại dịch.

Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên vẫn là cách hữu hiệu để phòng ngừa sự lây lan của viris corona

Mùa hè nóng nực sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có các biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội. Mặt khác, nếu các biện pháp này được nới lỏng, số ca nhiễm nCoV có thể tăng đột biến bất chấp thời tiết thế nào.

Điều này đã xảy ra khi một số bang nước Mỹ mở cửa trở lại và tỷ lệ nhiễm tăng đột biến. Trong tháng bảy, ít nhất 14 tiểu bang Mỹ ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV mới cao nhất.

Vài tháng vừa qua, nhiều chuyên gia nhận định năm đầu tiên của một dịch bệnh mới thường không thể đoán trước được. Nguyên nhân là công chúng chưa có khả năng miễn dịch và tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

Nếu nCoV thực sự bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trong tương lai, nó có thể diễn ra theo chu kỳ mùa. Nhưng ngay cả điều này cũng rất khó dự đoán, các chuyên gia nói. Cách COVID-19 diễn ra trong tương lai cũng phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách y tế công cộng trong tương lai, bao gồm cả vắc-xin (nếu có).

"Xã hội và cách chính quyền ứng phó với đại dịch đang thay đổi theo thời gian", ông Jalali nói. "Những gì xảy ra trong hai hoặc ba năm tới là một câu hỏi lớn".

(Dịch từ Scientific American, Science Focus)

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/nghien-cuu-moi-lien-he-giua-thoi-tiet-va-covid-19-tin-tot-va-tin-xau-20200727110456502.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY