Ngày 2/7, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến “Lương và Bảo hiểm xã hội có gì mới từ ngày 1/1/2021” với sự tham dự của hơn 200 công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ). Buổi đối thoại có sự tham dự của Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Phạm Bá Vĩnh.
Sau hơn 2 tiếng đối thoại, đã có nhiều câu hỏi trong số 200 NLĐ tham gia được các chuyên gia trả lời trực tiếp, liên quan đến những điểm mới của BLLĐ 2019 so với BLLĐ hiện hành; NLĐ tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện ra sao; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần có điều kiện gì để đúng luật....
Rất nhiều câu hỏi của người lao động liên quan đến việc triển khai Bộ luật Lao động 2019.
Trước câu hỏi của ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà máy nước sạch Gia Lâm về việc quy định xây dựng thang bảng lương được quy định thế nào trong BLLĐ 2019, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay: “Điều 93 của BLĐ 2019, các DN có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động và thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện”.
Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động cũng thông tin về việc BLLĐ 2019 có thay đổi trong quy định về đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Luật Lao động 2012 quy định đối thoại định kỳ mỗi quý 1 lần; nhưng theo luật mới mỗi năm 1 lần, ngoài nội dung về nội quy lao động, sa thải lao động, hai bên có thể lựa chọn bất kỳ vấn đề nào.
Buổi giao lưu càng sôi nổi hơn khi có nhiều NLĐ hỏi về chế độ của NLĐ sẽ được thực hiện ra sao khi ngày 1/1/2020 BLLĐ 2019 đi vào cuộc sống. Trả lời về quy định số ngày nghỉ của NLĐ có hợp đồng không xác định thời hạn, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: Theo BLLĐ năm 2012 và 2019, những NLĐ có hợp đồng không xác định thời hạn, 1 năm làm việc sẽ có các ngày nghỉ tối thiểu. Tuy nhiên, DN cũng có quyền áp dụng những điều kiện tốt nhất cho NLĐ, chẳng hạn như cộng thâm niên để NLĐ có thêm ngày nghỉ phép.
Về vấn đề lương làm thêm giờ có gì thay đổi, bà Kim Ngân thông tin: So với luật hiện hành, BLLĐ 2019 vẫn giữ nguyên quy định tiền lương làm thêm giờ. Theo đó, khi làm thêm, NLĐ hưởng chế độ sẽ cao hơn bình thường. Luật không quy định làm thêm giờ bằng cách cho NLĐ nghỉ bù. Việc này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động, để sắp xếp, bố trí thời gian nghỉ. Trong trường hợp cho NLĐ nghỉ bù, người sử dụng lao động vẫn phải trả lương.
Chủ đề liên quan:
bảng lương báo Lao động Thủ đô Bộ luật Lao động 2019 giao lưu trực tuyến làm thêm giờ. thang lương