Kinh tế xã hội hôm nay

Người nguyện cả đời trên đường chạy

Tôi biết ông Bùi Lương hồi ông còn là vận động viên (VÐV) chạy điền kinh cự ly Marathon (42,5km), tên tuổi đang nổi như cồn.

Tôi biết ông Bùi Lương hồi ông còn là vận động viên (VÐV) chạy điền kinh cự ly Marathon (42,5km), tên tuổi đang nổi như cồn. Chính thức quen ông tại Giải việt dã lần thứ 2 do báo Tiền Phong tổ chức diễn ra tại Sân vận động Hàng Ðẫy (Hà Nội). Cánh học sinh Hà Nội bọn tôi đến xem cổ vũ rất đông...

Giải lần ấy có sự tham gia chạy biểu diễn của nhà vô địch Olympic Zatopek, người Tiệp Khắc.

Sải chân của nhà đương kim vô địch thế giới dài gấp rưỡi VĐV của ta, đều, guồng đẹp, luôn dẫn đầu cuộc thi. Bám theo sau rất xa là ông Bùi Lương, trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt và tiếng hô “Bùi Lương! Bùi Lương...”. Kết thúc cuộc thi, tôi chạy lên tặng hoa cho ông, chúng tôi kết bạn với nhau từ đấy. Nhân kỷ niệm ngày “Thể thao Việt Nam” (27/3) và 57 năm Giải việt dã và Marathon báo Tiền phong tổ chức tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), tôi thăm “thần tượng” của mình ở Cống Mọc, trong căn hộ rộng 74m2 “Nhà nước cấp cho theo tiêu chuẩn Huân chương lao động hạng 3”- như ông nói. “Ông già gân”- các học trò thường gọi người thầy kính yêu của mình như thế, chỉ cao 1,62 mét, nặng 48 cân đang cùng cậu cháu nội tập tạ. Nhà có khách, ông cháu tạm dừng tập để đón khách. Tôi và ông ngồi bên bàn nước chuyện trò với nhau chung quanh “nghiệp” điền kinh của ông, câu chuyện mà ông kể mãi không hết.

Bố ông là người Hải Dương, phiêu bạt vào Nam kiếm sống, xây dựng gia đình, sinh ra ông vào ngày 2/2/1939 tại thành phố Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, ông mới 15 tuổi, được cha mẹ gửi ra Hải Phòng học tập. Một thân một mình ông tự lập kiếm sống, cố theo hết cấp 3 (THPT). Đỗ tốt nghiệp, ông đi học nghề và xin vào làm công nhân tại Nhà máy Xi măng Hải Phòng, sau đó xung phong đi bộ đội, cuối cùng số phận đưa đẩy ông đến với đường chạy. Ông coi điền kinh là “nghiệp đời”, bám trụ ở đó cho đến nay già nửa thế kỷ. Trong đó 20 năm là vận động viên: 9 lần vô địch Giải việt dã báo Tiền phong, 8 lần vô địch liên tiếp (1967-1974), giữ kỷ lục quốc gia đường chạy cư ly 10.000m 14 năm liền. Rời đường chạy, ông đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện viên (HLV) đội truyển quốc gia, đội tuyển các tỉnh suốt 35 năm. Nhiều lần được phong tặng danh hiệu HLV tiêu biểu toàn quốc.

Tôi hỏi thăm sức khỏe của ông. Ông vui vẻ trả lời: “Ơn trời! Tôi càng ngày càng khỏe ra, thế mới lạ”. Ông cho biết, mỗi ngày, ông dậy từ tờ mờ sáng chạy trên 10km. Tối trước khi ngủ, “khuyến mãi” thêm vài tiếng đi bộ. Cái nếp sinh hoạt ấy cứ như một cỗ máy lập trình sẵn, trơn tru hơn 50 năm qua. Marathon là môn “hành xác” trong điền kinh, chỉ cần lười nhác, nghỉ tập một vài ngày là các cơ sẽ cứng nhắc, chắc chắn bị đào thải ra khỏi cuộc chơi khắc nghiệt, đòi hỏi phải có sức bền, sự dẻo dai của VĐV.

Ông Bùi Lương trưởng thành từ phong trào thể thao quần chúng ở thành phố Hoa phượng đỏ. Thời trai trẻ, ông cùng bạn bè sáng nào cũng rủ nhau dậy sớm tập thể dục theo đài, khởi động trước khi cùng nhau chạy mấy vòng quanh con sông Lấp nhằm mục đích tăng cường sức khỏe. Năm 1957, khi đang học lớp 10 (bây giờ là lớp 12), ông được nhà trường cử tham gia chạy thi điền kinh thành phố, cự ly 5km, chạy cho có phong trào thôi, ai dè chiếm luôn HCĐ. Các nhà tuyển trạch triệu tập ông lên tuyển quốc gia, được huấn luyện có bài bản. Bùi Lương nói với tôi: Không có kỷ luật nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do tự mình đặt ra. Trong chiến tranh, ăn đến 70% ngô, bột mỳ, chúng tôi vẫn chạy, chạy rất hăng, dù trời mưa hay nắng - ông tâm sự như vậy.

Điền kinh đã ăn vào máu thịt ông. Nghe ở đâu cần gây dựng phong trào điền kinh là ông cưỡi con “ngựa sắt” nhanh chóng có mặt. Ở tuổi ông làm việc vì tâm huyết. Ông nói: “Tôi thấy mình phải có trách nhiệm truyền đạt kinh nghiệm mấy chục năm qua cho thế hệ các HLV, VĐV trẻ, dù sức lực không còn tốt như xưa”. Dưới bàn tay dìu dắt của ông, ông đã đào tạo nhiều VĐV tài năng như: Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Toản, Nguyền Thị Huyền, Đặng Thị Tèo...

Ông Bùi Lương cả đời theo nghiệp điền kinh, là người chứng kiến mọi thăng trầm của điền kinh Việt Nam. Hiện nay, tuy đã ngót 80 tuổi, ông vẫn vào tận Bình Phước làm HLV. Ông rất lo lắng: “Không hiểu lứa thế hệ vàng Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương... nghỉ thi đấu, điền kinh Việt Nam lấy ai để gánh vác trọng trách HCV khu vực?”. Trước khi chia tay, ông nói một câu tâm huyết: “Nếu có sự lựa chọn trở lại, tôi vẫn tự hào nói rằng, việt dã là lựa chọn số một của tôi”.

Một kỷ niệm ông không thể nào quên thời chiến tranh, đó là vào năm 1970, Giải việt dã được tổ chức tại Hòa Bình. Các VÐV thi đấu chạy dọc bên tả bờ sông Ðà, bất ngờ máy bay Mỹ ập đến thả bom phá hoại phía bờ bên hữu. Ðất đá, mảnh bom bay tứ tung, bay cả sang bờ bên các VÐV đang thi đấu. Áo thi đấu của các VÐV lấm lem bùn đất, riêng ông còn bị mảnh bom găm vào bắp đùi. Ông vừa bưng chặt vết thương, vừa nén đau để chạy về đích đầu tiên mới bỏ tay ra, máu chảy xối xả, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Lê Sỹ Tứ

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nguoi-nguyen-ca-doi-tren-duong-chay-8786.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY