Đường phố vắng tanh. Thỉnh thoảng có những tiếng hụ còi của xe cứu thương. Khi tình hình này bắt đầu thì những hình ảnh ngày xưa liền xuất hiện trong trí tôi.
Đó là một buổi tối, vào những năm cuối của thập niên 1970, cả gia đình quây quần trò chuyện sau bữa cơm và trên ti vi đang chiếu một bộ phim dài nhiều tập.
Tựa phim “Những kẻ sống sót” có cốt truyện khá đơn giản: Trong một phòng thí nghiệm, vì bất cẩn người ta đã vô tình làm vỡ một ống nghiệm mà trong đó có chứa một chủng virus rất độc hại. Một nhà khoa học không biết là mình bị lây nhiễm, ông ta từ Mỹ đến London bằng máy bay và sau khi máy bay hạ cánh ông thấy trong người không được khỏe. Thế là từ lúc ấy sự lây nhiễm lan ra khắp nước Anh và khiến rất nhiều người ch*t.
Vì tình tiết lôi cuốn nên chúng tôi hồi hộp chờ đợi các tập kế tiếp để xem chuyện một bà mẹ đi tìm đứa con mất tích và số phận của các nhân vật khác trong một làng nhỏ ở nước Anh.
Đường vắng, im lìm, nhưng đây không phải là phim trắng đen như nhiều năm trước. Đây là cái mà tôi đang sống, từng ngày.
Sau nhiều ngày bị bắt buộc cách ly chúng tôi càng nhận ra những giới hạn của mình. Không còn nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh, nhà kỹ nghệ hay công nhân, người phục vụ… tất cả đều có thể bị lây nhiễm vì không có sự phân biệt tuổi tác, giàu nghèo hay đẳng cấp xã hội. |
Trước đây nhờ thói quen tổ chức, dự phòng và nhanh chóng giải quyết những vấn đề thường nhật nên tôi cảm thấy rất tự tin. Nhưng chỉ trong vài ngày, có khi chỉ vài giờ, cảm giác an toàn và chắc chắn của tôi đều sụp đổ và cuộc sống cùng những thói quen độc lập của tôi bỗng lệ thuộc hoàn toàn vào tình thế mà cơn đại dịch gây ra.
Đúng là một trò chơi của định mệnh! Chỉ như mới hôm qua, chúng tôi còn gặp gỡ bạn bè để bàn về việc tổ chức Tết, nói về chương trình và hy vọng là những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Rồi chỉ vài tuần sau khi năm Canh Tý khởi đầu là chúng tôi đã phải nhận một "món quà" bất ngờ, không mong đợi: dịch Covid-19.
EU "xin lỗi chân thành" nước Ý vì phản ứng "yếu ớt" thời điểm đầu dịch Covid-19 |
Vào đầu tháng 3, trên ti vi có đưa tin và cho thấy những gì đang xảy ra ở Vũ Hán, một thành phố có 11 triệu dân ở Trung Quốc. Với các bạn tôi, ở nước Ý thì dịch bệnh đang ở quá xa nên chắc sẽ không làm thay đổi cuộc sống của mình. Thế nhưng trong tôi vẫn cảm thấy có một điều gì đó không an lòng, như có một nỗi lo tiềm ẩn đang chực chờ, nhất là lúc phụ giúp chồng chuẩn bị hành lý để anh về Việt Nam trước. Theo chương trình thì anh ấy sẽ khởi hành vào ngày 13.2, còn tôi, sau khi giải quyết một vài công việc rồi sẽ về sau.
Vừa hoàn tất các thủ tục đổi bằng lái xe, trả thuế… tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Nhưng không ngờ là có nhiều biến cố liên tục xảy ra, ập đến với một vận tốc khủng khiếp. Ngày 21.2, ở Ý bắt đầu có một người ch*t và vài ca lây nhiễm.
Rồi sau ngày ấy tình hình lây nhiễm càng lúc càng tăng, giống như một tảng đá từ trên đồi cao lăn xuống, vận tốc càng lúc càng nhanh. Mỗi ngày đều có thêm nhiều ca lây nhiễm và có nhiều người ch*t. Tình hình càng ngày càng quan ngại nên tôi thường hỏi chuyện vài người quen.
-Tôi sợ là sắp tới sẽ có vấn đề về các chuyến bay, có lẽ tôi nên đổi ngày để bay về Việt Nam sớm hơn dự tính.
- Chắc không sao đâu!… Tất cả các vùng bị nhiễm đều được cách ly, mà thực ra đây chỉ là một bệnh cúm thông thường, không việc gì chính phủ phải phong tỏa đường bay!
Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, con người mong manh hơn bao giờ hếtẢnh: Reuters |
Nhưng tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ và lo lắng. Đã có lúc tôi tưởng mình là một Cassandra thời hiện đại, một nhà tiên tri mà Omero đã kể trong sử thi Iliade: Cassandra, là con gái của vua thành Troia, rất được thần Apollo yêu và để chinh phục nàng, ông tặng cho nàng một khả năng siêu việt là thấy được tương lai. Thế nhưng Cassandra từ chối tình yêu của ông, Apollo tức giận và để trừng phạt, ông nguyền là khi nàng nói sẽ chẳng có ai tin theo. Chính vì thế mà khi Cassandra tìm cách thuyết phục dân thành Troia không nên mang các con ngựa to lớn, do Ulisse thiết kế, vào bên trong thành, vì đó là một âm mưu xâm chiếm. Mà chẳng ai tin. Rồi đến khi nàng tiết lộ là bên trong các con ngựa có quân lính của kẻ thù đang ẩn núp, lời nói của nàng như rơi vào khoảng trống.
Tôi có cảm giác mình chính là nàng Cassandra đó, chẳng ai chịu lắng nghe mình, ngay cả khi nói với cô bạn làm ở công ty du lịch:
- Bộ chị muốn thay đổi ngay bay à, sao vậy? cho đến nay đâu có tin gì về việc cấm bay. Mà thôi được, để em xem khi nào thì có chuyến bay… Ah, đây rồi, chị bay mười hôm trước ngày đã định nhé.
Ngày hôm sau là đã có thay đổi: Hãng hàng không Kuwait Airways ngưng các chuyến bay về Ý, những ngày sau đó hãng hàng không của các nước khác cũng quyết định tương tự và mỗi lúc mỗi gần đến ngày bay nên tôi càng lo lắng, cho đến buổi sáng ngày khởi hành.
Cận cảnh "vùng đỏ" - nơi kiểm soát chặn dịch Covid-19 tại miền bắc nước Ý |
Rồi điều mà tôi lo lắng nhất đã xảy ra: “Tốt nhất là em đừng khởi hành”. Từ Việt Nam, chồng tôi gọi điện thông báo ngay lúc tôi chuẩn bị gọi taxi để buổi chiều đưa tôi đến phi trường. “Không an toàn vì Việt Nam vừa thông báo là sẽ không cho công dân Ý nhập cảnh. Thái Lan cũng vậy, ngày mai, Thai Airways cũng sẽ ngừng các chuyến bay về Ý. Khả năng bị mắc kẹt rất cao!”
Nhưng những thất vọng mà tôi đang sống cũng chỉ là một nỗi phiền muộn nhỏ đối với những gì mà nước Ý trải qua trong những ngày sau đó.
"Nước Ý bỏ rơi tôi": kẹt trong nhà với thi thể chị gái ch*t vì Covid-19 |
Tôi hồi hộp theo dõi tin tức, hàng ngàn người bị lây nhiễm, hàng trăm người ch*t, càng ngày càng tăng. Chính phủ bắt đầu phân loại các vùng đỏ, vùng cam để cách ly và ngăn chặn mọi việc xuất nhập… rồi sau đó là lệnh cách ly và phong tỏa được nới rộng trên toàn miền Bắc nước Ý.
Trên quê hương tôi, đang xảy ra tình cảnh giống hệt như trong phim được trình chiếu từ nhiều năm trước. Nhưng đây không phải là phim giả tưởng mà là một hiện thực đã vượt ra ngoài mọi sự tiên liệu.
Để hạn chế lây nhiễm cần phải cô lập, hạn chế di chuyển và mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thực phẩm, Thu*c men hay những thứ cần thiết. Công an và cảnh sát túc trực trên đường phố để kiểm tra những người vi phạm quy định.
Đại dịch Covid-19: Vì sao nước Ý thiệt hại nặng? |
Những ngày sau đó còn có cả quân đội và lúc này những người trẻ tuổi mới tin rằng đây không phải là trò chơi video trực tuyến mà là hiện thực được tạo ra bởi một loài virus vô cùng tinh quái và hiểm độc. Nhưng cũng có số người ngu dốt hay hời hợt cứ cho rằng con virus không hiện hữu.
Đấy là cách suy luận của một số người, nhất là lớp trẻ, vì họ luôn tưởng mình vô địch, là anh hùng mạnh mẽ và có thể chiến thắng con quái vật tàn bạo mà bé tí kia. Và chính cái cách suy nghĩ u mê, tưởng mình có thể chống lại số phận này mà Thượng đế đã làm tăng số người bị lây nhiễm đến chóng mặt.
Có một nhóm thanh niên kiêu ngạo đã bị quật ngã và thảm bại: Ngay đêm trước ngày cách ly toàn quốc, họ tập hợp để ăn nhậu mà không nghĩ rằng đây là cơ hội Covid-19 lây nhiễm và sau đó tiếp tục lây cho những người thân. Thế là trước đó chỉ có người già, giờ thì sự lây nhiễm đã lan ra giới trẻ.
Sau nhiều ngày bị bắt buộc cách ly chúng tôi càng nhận ra những giới hạn của mình. Không còn nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh, nhà kỹ nghệ hay công nhân, người phục vụ… tất cả đều có thể bị lây nhiễm vì không có sự phân biệt tuổi tác, giàu nghèo hay đẳng cấp xã hội.
Cái con virus này đã tấn công vào mọi thứ mà nhiều người xưa nay xem đó là lẽ sống, là mục đích như tích lũy vật chất hay tìm kiếm giàu sang, muốn có bề ngoài luôn tươi trẻ, thích hưởng thụ những thú vui xa xỉ mà không bao giờ quan tâm đến người khác, sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ miễn là niềm vui ích kỷ của mình được thỏa mãn.
Hy vọng chúng ta sẽ sớm bước qua cái hiện thực đau buồn, thức giấc sau cơn ác mộng với ý thức về một đời sống đơn giản, nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn xưa.
* (Nguyên tác tiếng Ý: La realta’ come un incubo). Bản dịch của Trương Văn Dân.
Chủ đề liên quan:
ác mộng cách ly cơn ác mộng Dịch Covid 19 hiện thực người Việt ở Ý Phong tỏa vợ Ý chồng Việt