Suốt nhiều thế kỷ, những lá bài khiêm nhường đã giữ vị trí đặc biệt trong trái tim và trên tay người dân khắp thế giới. Từ những lá bài vẽ thủ công thời cổ đại ở Trung Quốc đến những thẻ bài giao dịch Pokémon in trên giấy nhựa hiện nay, lịch sử chơi bài trải khắp các nền văn hóa, lục địa và thời đại.
Bản phục dựng hình vẽ trên các lá bài cổ của Trung Quốc thời Đường. Ảnh: Heart Thrills
Khi công ty Walt Disney kỷ niệm sinh nhật 100 năm vào tháng trước, mọi người đã được tham gia vào một trò chơi bài kỹ thuật số trên TikTok. Hơn 4 triệu người đã truy cập vào tài khoản mạng xã hội để trao đổi những lá bài kỹ thuật số mang tính biểu tượng như ‘Cinderella’, ‘The Lion King’, ‘Toy Story’, ‘High School Musical’…
Hãy cùng ngược dòng thời gian để xem lại lịch sử của các lá bài. Không rõ lá bài được phát minh khi nào và ở đâu, nhưng chúng đã được phổ biến hơn một nghìn năm trước. Các tài liệu tham khảo về các lá bài đã tồn tại sớm nhất vào triều nhà Đường ở Trung Quốc, từ năm 618 đến năm 907 sau Công nguyên. Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng các trò chơi sử dụng lá bàiđã phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ 10. Dù bằng cách nào, những lá bài này ban đầu được vẽ tay trên giấy hoặc da.
Lướt nhanh đến vài trăm năm sau, vào triều đại nhà Minh từ năm 1368-1644 sau Công nguyên, người ta sẽ thấy chơi bài ngày càng phổ biến. Lúc này, một số lá bài có hình ảnh nhân vật từ tiểu thuyết nổi tiếng. Một số khác, được gọi là “tiền bài”, có các bộ lấy cảm hứng từ tiền cổ.
Bản sao mô phỏng một số thẻ bài Mamluk (kiếm, đồng xu, gậy polo và chén) dựa trên những mảnh thẻ bài còn lưu trữ có niên đại từ thế kỷ XIII và XVI ở Ai cập. Không giống như các lá bài phương Tây có hình người, các lá bài Mamluk không khắc họa hình ảnh tượng trưng mà chỉ xác định thông qua sự kết hợp các biểu tượng và chữ khắc. Ảnh: Courtesy Heather Rocchi
Từ Trung Quốc, bài lá có thể đã được mang đến Trung Đông qua Con đường tơ lụa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bộ bài có niên đại từ thời Vương quốc Hồi giáo Mamluk ở Ai Cập (kết thúc vào năm 1517). Những lá bài vẽ tay này được trang trí bằng các vần thơ đường nét phức tạp, có lẽ thuộc về một người chủ giàu có. Bộ bài gồm 52 lá, chia thành bốn chất: gậy polo, đồng xu, kiếm và chén. Mỗi chất có mười lá bài pip và ba lá bài cung đình, gọi là malik (vua), nā’ib malik (phó vương) và thānī nā’ib (hạ phó vương).
Nhà sử học về các bộ bài Peter Endebrock nói với tạp chí Atlas Obscura vào năm 2020 rằng có nhiều suy đoán về cách bài lá đến châu Âu. Nhưng hầu hết giới sử học đồng ý rằng chúng đột nhiên xuất hiện vào cuối những năm 1300, có thể do những người lính Thập tự chinh đưa vào.
Những lá bài Pháp được làm vào thế kỷ XVIII. Chất cơ màu đỏ được vẽ chìm trong những khuôn mặt biếm hóa trên lá bài. Ảnh: British Museum
Người châu Âu rất thích những lá bài này. Được vẽ tay và thiết kế cầu kỳ, ban đầu các lá bài là món đồ xa xỉ thường thấy trong giới nhà giàu. Tuy nhiên, máy in và bản khắc đã giúp đơn giản hóa các mẫu hình trên lá bài và làm cho chúng dễ tiếp cận với nhiều người hơn. Đến thế kỷ XV, các lá bài có thể được tìm thấy trên mọi nẻo đường thương mại ở khắp châu Âu.
Đến thời Trung cổ, các lá bài bắt đầu được dùng để bói toán, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cách sử dụng bài. Ví dụ, bộ bài Tarot ban đầu dành cho các trò chơi đối kháng sau đó đã biến thành một công cụ để tiên đoán và lý giải các sự kiện cuộc sống.
Ngày nay, bộ bài 52 lá kiểu Pháp là bộ bài nổi tiếng nhất. Bốn chất (cơ, rô, nhép, bích) và hai màu (đỏ, đen) của nó được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Sự phổ biến của bộ bài này một phần là do thiết kế đơn giản và phần còn lại vì nó là trò chơi yêu thích của các cường quốc lớn nhất như Pháp, Anh và Mỹ.
Ở Mỹ thời thuộc địa, các bộ bài bị đánh thuế rất nặng. Sau cuộc chiến tranh cách mạng giữa thế kỷ XVIII, các nhà in Mỹ bắt đầu sản xuất bộ bài của riêng mình. Người Mỹ cuối cùng đã thêm lá bài Joker vào bộ bài Pháp vào khoảng năm 1860.
Các thẻ bài giao dịch (trading cards), hay còn gọi là các thẻ bài sưu tầm, ra đời cùng thời với những lá bài joker này. Khi mới xuất hiện, chúng được bán dưới dạng các tấm thẻ quảng cáo đóng gói cùng với bao thuốc lá để giữ cho bao bì cứng cáp. Công nghệ in nhiều màu ra đời vào đầu thế kỉ XIX đã khiến cho các thẻ bài giao dịch trở nên phổ biến hơn. Mặc dù các tấm thẻ này không liên quan đến bất kỳ sản phẩm cụ thể nào nhưng các công ty đã đưa chúng vào bao bì như một loại “phần thưởng” dành cho người tiêu dùng.
Vào thời điểm bóng chày trở thành môn thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ, thẻ bài giao dịch thể thao đã được in và bán trong các hộp kẹo và bao thuốc lá. Người dân bắt đầu thu thập và trao đổi chúng với nhau. Hồi những năm 1930, các công ty in tiểu sử vận động viên lên thẻ bóng chày và bán chúng dưới dạng gói kẹo cao su. Đến năm 1949, công ty Topps Chewing Gum đã đưa thẻ của các vận động viên, ngôi sao điện ảnh và thợ săn trò chơi lớn vào sản phẩm của họ. Vào những năm 1980, người dân Mỹ đã coi các tấm thẻ bài thể thao như một món đồ sưu tầm có giá trị.
Thẻ bài giao dịch biến đổi từ mục đích sưu tầm thành một dạng trò chơi vào cuối thế kỷ 20. Năm 1993, khi đang làm tiến sĩ toán học tại Đại học Pennsylvania, Richard Garfield đã phát minh ra Magic: The Gathering, một trong những trò chơi thẻ bài nổi tiếng nhất hiện nay. Cùng lúc đó, một nhà thiết kế trò chơi và họa sĩ minh họa ở Nhật đã giới thiệu với Nintendo một trò chơi có tên là Pocket Monsters. Năm 1996, Pocket Monsters - sau này được đổi tên thành Pokémon - được phát hành dưới dạng trò chơi điện tử và bán được hàng triệu bản. Chỉ vài tháng sau, một trò chơi thẻ bài Pokémon đồng hành được tung ra, bao gồm 102 thẻ minh họa các con Pokémon trong game. Năm 1998, trò chơi thẻ bài Pokémon được giới thiệu tới Bắc Mỹ bởi chính công ty đã tạo ra thẻ bài Magic. Hiện nay, có hơn 30 tỷ lá bài Pokémon đã được in ấn phát hành trên toàn thế giới.
- Video: Khám phá sự hùng vĩ của kim tự tháp Giza. Nguồn: Drone Snap.
Theo Khoa học & Phát triển
Link bài gốc Lấy link
https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/nguon-goc-nhung-la-bai/2023121409155098p1c879.htm
Theo Khoa học & Phát triển