Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nguy cơ thiếu máu điều trị giữa căng thẳng dịch bệnh virus corona

MangYTe - Thời tiết giá rét, tâm lý e dè hiến máu đầu năm và đặc biệt là tình hình bùng phát dịch bệnh viêm hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đã làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu cho người bệnh do thiếu người hiến máu.

Theo Viện Huyết học - truyền máu trung ương, đến ngày 1-2, lượng máu dự trữ của viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị trong khi viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu trong 10 ngày từ 29 tết (tức 23-1) đến mùng 8 tháng giêng (tức 1-2).

Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố - khu vực viện đảm nhiệm cung cấp máu.

Tình trạng khan hiếm máu cho điều trị cũng xảy ra tại TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Trước tết, lượng máu do các trung tâm máu trên toàn quốc thu nhận được khá cao nhờ sự hỗ trợ tối đa của chương trình Chủ nhật đỏ do báo Tiền Phong, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức cùng sự tham gia nhiệt tình của nhiều đơn vị, tổ chức, trường học và người dân.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết kéo dài, lượng máu dự trữ hiện đã cạn kiệt và những đơn vị máu còn lại cũng đã cận hạn sử dụng, không thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị.

Nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh viêm hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày.

Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500-3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và TP.HCM, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.

Theo phó viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương, phụ trách Trung tâm Máu quốc gia Phạm Tuấn Dương, nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện khám chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ tết thì nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học - truyền máu trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế để được phép huy động, vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Viện cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu (đặc biệt là nhóm O, A) và hiến tiểu cầu; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.

Tại các điểm hiến máu - nơi diễn ra hoạt động chuyên môn tiếp nhận máu, Viện Huyết học - truyền máu trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận hiến máu sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: tuyên truyền cho người hiến máu về các biện pháp phòng bệnh, cung cấp dung dịch sát khuẩn nhanh và khẩu trang y tế cho người hiến máu…

Người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân đến các địa điểm tham gia hiến máu: Viện huyết học - truyền máu trung ương (phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8-20h các ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Các điểm hiến máu cố định ở Hà Nội tại: 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (quận Đống Đa); từ 8-17h các ngày từ thứ hai đến thứ bảy, bắt đầu từ ngày 4-2 (11 tháng giêng).

Người dân cũng có thể tra cứu các điểm hiến máu gần nhất theo link: https://www.nihbt.org.vn/Home/DiemHM hoặc đến các điểm hiến máu theo thông báo của các cơ sở tiếp nhận hiến máu tại các địa phương.

Theo TTXVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/nguy-co-thieu-mau-dieu-tri-giua-cang-thang-dich-benh-virus-corona-20200131221009057.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ung thư và quá trình điều trị ung thư sẽ làm thay đổi khẩu vị. Nên chọn các thực phẩm giàu đạm và trình bày đẹp mắt để giúp cho khẩu vị ngon hơn
  • Phần lớn những tác dụng phụ liên quan đến việc ăn uống do điều trị ung thư sẽ biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị. Vài lời khuyên cho một chế độ ăn uống tốt sau trị liệu ung thư.
  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Khi ung thư hay việc điều trị ung thư gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường, những thay đổi là cần thiết để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Thu*c có thể được dùng để kích thích khẩu vị.
  • Doxycycline là một kháng sinh nhóm cycline, từ lâu được dùng để điều trị bệnh trứng cá đỏ, viêm tiết niệu, viêm dạ dày - ruột, nhiễm Chlamydia...
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY