Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc hạ sốt

(HNMCT) - Mới đây, một em bé 8 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu do suy gan, tăng men gan hơn 300 lần so với mức bình thường do uống thuốc hạ sốt quá liều. Điều đáng nói là hiện vẫn có nhiều phụ huynh tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho con, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

(hnmct) - mới đây, một em bé 8 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu do suy gan, tăng men gan hơn 300 lần so với mức bình thường do uống thuốc hạ sốt quá liều. điều đáng nói là hiện vẫn có nhiều phụ huynh tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho con, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Sai lầm phổ biến khi dùng thuốc hạ sốt cho con

Với bệnh nhi kể trên, do bé bị sốt nên người nhà cứ cách khoảng một tiếng lại luân phiên cho con sử dụng thuốc hạ sốt, cả thuốc dạng viên, dạng gói và loại đặt hậu môn.

Việc dùng thuốc nói trên diễn ra trong 2 ngày liên tục - quá liều nghiêm trọng so với quy định, nên bé dần bỏ ăn, bị suy hô hấp, hôn mê... Khi nhập viện, bé đã ở tình trạng rối loạn đông máu, suy gan, hoại tử tế bào gan với men gan tăng 9.500 UI/L (đối với người bình thường là 30UI/L).

Bệnh nhi ngay lập tức được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác. Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi được cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan từ từ hạ, chức năng gan trở lại bình thường và được xuất viện sau đó 1 tuần.

Trước tình hình dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, cùng với đó là các bệnh cảm cúm, nóng sốt do thời tiết giao mùa, nhiều trẻ em và người lớn có biểu hiện đau đầu hoặc sốt cao, cần được chữa trị ban đầu tại gia đình. Do đó, nhu cầu sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít người dùng quá liều thuốc hạ sốt, rất nguy hiểm.

Thuốc hạ sốt trên thị trường hiện có rất nhiều loại, nhiều dạng khác nhau như Hapacol (hoạt chất Paracetamol), Decolgen (hoạt chất Paracetamol, Chlopheniramin), Efferalgan (hoạt chất Paracetamol), Tiffy (Paracetamol, Chlorpheniramine, Phenylpropanolamine), viên đặt hậu môn... Tuy đó là thuốc thông thường, có thể tự sử dụng nhưng người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Không phải cứ bị sốt là dùng thuốc

Theo thống kê của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số ca ngộ độc paracetamol đứng thứ 2 trong số ca ngộ độc ở trẻ em. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không có biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn”.

Theo bác sĩ Nguyên, khi bệnh nhân đã có biểu hiện vàng da, chán ăn... tức là đã muộn, nếu có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan. Do vậy, người dân cần biết liều paracetamol tối đa. Người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên thì dùng không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành. Với trẻ em, liều lượng là 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng liều nói trên cho người có nhiều yếu tố nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc. Thực tế, với người bệnh trưởng thành, bác sĩ thường chỉ kê 1 - 1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng với liều thấp nhất có thể.

Ngoài ra, khi dùng thuốc, bệnh nhân và người nhà cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt là một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh vốn có thể làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Bên cạnh đó, không phải hễ trẻ có biểu hiện nóng sốt là phải dùng thuốc. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, nhiệt độ bình thường của cơ thể trẻ khoảng 36,5 - 37,5oC. Trong ngày, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể dao động trong khoảng 0,5oC. Do đó, khi nhiệt độ cơ thể của bé dao động trong khoảng 36,7 đến 38,5oC thì đó chưa phải là sốt, chỉ gọi là tăng thân nhiệt. Nếu trẻ sốt trên 39oC, cơ thể mệt mỏi, khó chịu thì có thể can thiệp để hạ sốt.

“ngoài việc dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng, cần kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, lau nước ấm, uống đủ nước... khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế để kiểm tra” - bác sĩ nguyễn trung nguyên nhấn mạnh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1062222/nguy-hiem-khi-tu-y-dung-thuoc-ha-sot)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY