Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Mũi tên, bài ca và chữ nghiệp

(MangYTe) Một chữ, một câu, một hành động, một cử chỉ, có khi mình không để ý đến, bỗng vài năm sau, vài chục năm sau ngẫu nhiên xuất hiện. Điều này chúng ta không nhiều thì ít, đều thể nghiệm bản thân hoặc đã từng chứng kiến ở những người khác quanh ta.

Có một bài thơ tiếng Anh mà tôi rất tâm đắc, xưa kia thường dạy cho học trò trung học. Bài thơ ngắn, giản dị, du dương mà thâm thúy.

Thơ của Lonhfellow, nhà thơ Mĩ thế kỉ XIX, rất nổi tiếng và thành công trong thể loại thơ ngắn.

Xin tạm dịch tiếng Việt như sau:

Tôi bắn mũi tên lên không

Tên rơi xuống đất, chẳng biết nơi đâu

Vì nó bay nhanh, mắt không theo kịp

Tôi hát bài ca, lời bay lên không

Lời rơi xuống đất chẳng biết nơi đâu

Vì mắt nào tinh, để theo lời bay

Mãi mãi về sau, trong một cây sồi

Tôi thấy mũi tên vẫn còn nguyên vẹn

Và cả bài ca, từ đầu đến cuối

Trong tim người bạn

Mũi tên và bài ca tưởng mất, mãi về sau ngẫu nhiên lại… thấy lại.

Một chữ, một câu, một hành động, một cử chỉ, có khi mình không để ý đến, bỗng vài năm sau, vài chục năm sau ngẫu nhiên xuất hiện. Điều này chúng ta không nhiều thì ít, đều thể nghiệm bản thân hoặc đã từng chứng kiến ở những người khác quanh ta. Xin cử vài trường hợp:

Tôi có một cô bạn trẻ, không thân và cũng không sơ, rất quý nhau, lâu lâu gặp vì công việc. Quen nhau đã hơn chục năm. Hôm nọ, sau buổi họp, ngồi lại uống trà, chuyện gẫu. Nhân bàn về tác động của văn chương, cô tâm sự với tôi: “Có chuyện anh không ngờ đến: cách đây 5 năm, tôi suy sụp tinh thần vì một cuộc tình duyên thất bại và thua lỗ trong kinh doanh. Trong chuyến hành hương tập thể ở đền Chử Đồng Tử ven sông Hồng, anh có kể tôi nghe nội dung truyện Cuốn theo chiều gió của M.Mitchell và nhắc lại câu cuối sách: “Ngày mai là một ngày khác”. Không ngờ câu ấy đọng lại trong tôi, giúp tôi ra khỏi sự khủng khoảng tinh thần. Tôi gạt bỏ những ngày qua đen tối và hướng đến ngày mai”.

Có lần ở Đền Hùng, tôi thấy anh V., bạn hơn tuổi, đại trí thức bị bệnh lao, sống nhờ thuật dưỡng sinh và nghị lực. Tôi thấy anh tập, người đứng thẳng trên một chân, còn chân kia quay nửa vòng. Thế rồi về nhà, tôi cũng bắt chước động tác ấy. Chắc giờ anh ở suối vàng không ngờ động tác của mình tiếp tục sống ở người bạn mình.

Những người làm nghề dạy học hay viết sách báo hẳn có nhiều thể nghiệm. Sau hai chục năm xa cách, một hôm ở Hà Nội tôi nhận được từ Mỹ, thư của một người học trò cũ mà tôi cũng không còn nhớ tên nữa. Anh K., đại tá quân đội Sài Gòn, nay tóc đã bạc, viết cho tôi kể lại cái lần tản cư ở một làng tại Nam Định, tôi say mê giảng một bài thơ của WordsWorth trong một nhà thờ xứ mượn làm lớp học, anh còn nhắc lại một vài câu thơ. Hay có lần, tít ở Tây Ninh, một độc giả tình cờ gặp tôi nói về một bài báo của tôi mà ông tâm đắc. Trong văn chương có những thí dụ hay, nổi tiếng nhất là chiếc bánh ngọt nhỏ Madeleine của Pháp Proust. Một buổi sáng, ăn điểm tâm, ông chấm bánh vào trà đưa lên miệng, đột nhiên mùi vị khơi dậy từ trong tiềm thức sâu thẳm cảm giác những chiếc bánh ăn thời thơ ấu, làm ông sống lại cả một quãng đời đã qua. Đó là đoạn nổi tiếng nhất của bộ tiểu thuyết Tìm lại thời gian đã mất, tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến văn học phương Tây hiện đại.

Vậy những cảm giác, xúc cảm, lời nói, cử chỉ, hành động của ta tồn tại lâu dài, gây ảnh hưởng cho người khác mà ta không biết. Ở điểm này, ta gặp khái niệm Nghiệp (Karma) của triết học cổ Ấn Độ, đặc biệt của nhà Phật. Nghiệp gồm tất cả các hoạt động của ta, việc làm, lời nói, ý nghĩ, cảm xúc. Tất cả những cái đó gộp lại trong mỗi người, mình phải gánh hậu quả cái Nghiệp của mình trong đời này, từ các đời trước và sang các đời sau. Nghiệp báo, tức là nhân quả, trong một đời là sự ảnh hưởng của cái ấy gây ra trong đời này cộng với các nghiệp, các đời quá khứ. Do đó gây lành (thiện) thì hưởng quả lành, gây ác thì nhận quả ác. Trong luân hồi, tái sinh vào loài này hay loài khác để chỉ quả báo về hoạt động của bản thân. Dân gian rất tin ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như sử gia Tư Mã Thiên không tin là như vậy. Lắm người gia đình tốt, ăn ở tử tế, mà suốt đời khổ. Những kẻ ác mà hưởng lộc cho đến khi ch*t. Để giải thích cho các nghịch lý trên, có người cho là: kẻ ác, lương tâm vẩn đục, không thể thật sự sung sướng được hoặc đời con cái kẻ ác sẽ khổ. Một cách giải thích hợp lý hơn là người tốt thì có nhiều bạn bè, nhiều người yêu mến, giúp đỡ mà mình không biết, có khi chỉ bằng câu nói, một hành động nhỏ mà tác dụng lớn.

“Lòng người yêu dấu là trời độ ta”..

Báo Thế giới và Việt Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mui-ten-bai-ca-va-chu-nghiep-104798.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY