Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Nhiều người tái nhiễm Covid-19

Hà Nội-Một tháng sau khi khỏi Covid-19, anh Duy 41 tuổi, ho nhẹ kèm đau rát họng, xét nghiệm kết quả dương tính nCoV.

"Tôi thực sự hoang mang, không hiểu sao có thể mắc Covid-19 đến hai lần trong vòng một tháng", anh nói. Chỉ mới hôm 23 Tết anh không còn các triệu chứng Covid-19, cơ thể khỏe mạnh. Vài ngày trước, vợ anh cùng một vài đồng nghiệp của anh dương tính. Hôm 22/2, anh Duy xuất hiện triệu chứng mệt, ho húng hắng, đau rát họng, không sốt, test nhanh rồi xét nghiệm PCR kết quả đều dương tính. Anh cho rằng có thể mình đã lây nhiễm lần nữa từ vợ.

Chị Ngân, 37 tuổi, trú tại quận Ba Đình, cũng gặp tình trạng tương tự. Chị mắc Covid-19 vào cuối tháng 1 đã khỏi, đến ngày 19/2 rát họng, chảy nước mũi, test nhanh kết quả dương tính. "Lần này các triệu chứng nhẹ hơn trước, tôi không bị mất mùi vị và sốt", chị nói và cho biết thêm một vài người bạn của chị cũng tái nhiễm kể từ sau Tết.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), người điều trị hai bệnh nhân trên, cho biết một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0, 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 3 tuần đến một tháng. Bác sĩ nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến chủng mới.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng gặp một vài trường hợp tái nhiễm. Các bệnh nhân dương tính sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

Giải thích hiện tượng trên, bác sĩ Phúc cho biết sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập nCoV. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Do đó, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. "Ví dụ lần dương tính đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron", bác sĩ Phúc nói.

Một giả thiết được bác sĩ Hoàng đưa ra, là có thể lần xét nghiệm âm tính đầu tiên, bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc này nCoV không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng ở sâu trong phổi vẫn còn. Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến nCoV vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính. Điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp cùng tỷ lệ lây nhiễm cao như hiện nay, các bác sĩ cho rằng khả năng rất cao hiện tượng tái nhiễm xảy ra, khi triệu chứng xuất hiện lại và họ thuộc nhóm nguy cơ (khi xung quanh có nhiều người thân hoặc đồng nghiệp mắc Covid-19).

"Để chắc chắn là tái nhiễm, cần giải trình tự gene virus. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm", ông Hoàng nói.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, tháng 9/2021. Ảnh:Quỳnh Trần

Trên thế giới, kể từ năm đầu tiên Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học phát hiện virus có thể gây hiện tượng tái nhiễm. Ca tái nhiễm đầu tiên được ghi nhận là một người đàn ông Hong Kong 33 tuổi. Anh lần đầu mắc bệnh vào 26/3/2020. 142 ngày sau, anh tái nhiễm biến chủng nCoV khác.

Theo các nhà khoa học Anh, một người được xác định là tái nhiễm nCoV khi xét nghiệm dương tính hơn 90 ngày sau lần mắc bệnh gần nhất. Dữ liệu Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đưa ra định nghĩa khác. Một người được coi là tái nhiễm nếu xét nghiệm dương tính 120 ngày kể từ lần mắc bệnh gần nhất (hoặc dương tính sau 4 lần PCR âm tính).

Các nghiên cứu đến nay chỉ ra, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào. Ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ một người khỏi lần lây nhiễm thứ hai, các tế bào T (tế bào miễn dịch sát thủ) cũng ngăn ngừa chuyển nặng và T* vong. F0 hiếm khi gặp triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm nCoV, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh.

Tái nhiễm sẽ giúp tăng cường miễn dịch ở người bệnh. Nó có vai trò như liều vaccine tăng cường. Song bệnh nhân vẫn không được bảo vệ 100%. Nhiều dữ liệu cho thấy một số người tái nhiễm trên hai lần.

Theo ONS, tỷ lệ tái nhiễm đã tăng gấp 15 lần kể từ khi Omicron xuất hiện. Đến nay, số ca tái nhiễm chiếm khoảng 10% tổng F0 ở Anh, cao hơn nhiều so với 1% hồi tháng 11/2021. Theo các nhà khoa học, hiện tượng tái nhiễm ngày càng nhiều là do khả năng miễn dịch của cộng đồng suy yếu, không còn đủ để ngăn ngừa virus. Sự xuất hiện của biến chủng mới như Delta, Omicron khiến hệ miễn dịch khó nhận biết, virus có thể lẩn tránh. Bên cạnh đó, nCoV hầu như xâm nhập cơ thể người thông qua mũi và họng. Kháng thể trong lớp niêm mạc này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch toàn cơ thể. Điều đó giải thích tại sao miễn dịch ngăn bệnh chuyển nặng, thường bắt nguồn từ phổi, kéo dài hơn so với miễn dịch chống nhiễm trùng.

Các bác sĩ cho rằng, người càng lớn tuổi, bệnh nền, người bị suy giảm chức năng miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, cấy ghép tạng, người chưa tiêm vaccine... khả năng tái nhiễm cao hơn.

Hiện, Bộ Y tế chưa có thống kê hay báo cáo về tỷ lệ người tái nhiễm. Trên thế giới, một số chuyên gia cho rằng các trường hợp tái nhiễm cùng loại biến chủng là cực hiếm. Hiện tượng mắc Covid-19 hai lần với hai biến chủng khác nhau được cho là phổ biến hơn. Nghiên cứu do Đại học Imperial College London thực hiện cho thấy khoảng hai phần ba trong số hơn 3.500 tình nguyện viên có kết quả dương tính vào tháng 1/2022 từng mắc Covid-19 trước đây. Giới chức y tế Anh hồi tháng 12/2021 ước tính nguy cơ tái nhiễm Omicron lớn hơn 5,4 lần so với Delta.

Để ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều quốc gia triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm.

Thúy Quỳnh - Thục Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-tai-nhiem-covid-19-4429974.html)

Tin cùng nội dung

  • Tại các điểm quán giải khát vỉa hè, hàng loạt các loại nước giải khát tự chế, tự gắn mác đủ hương vị, màu sắc được bán tràn lan với giá cực... rẻ.
  • Cùng là những ngày nóng nực nhưng ở Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều điểm khác biệt thú vị.
  • Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
  • Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.
  • Ngày nay, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm trên mạng, những thông tin và lời khuyên về sức khỏe, và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi nhiều người mắc phải “căn bệnh” có tên là cyberchondria, thuật ngữ mô tả, khi ai đó tự nghiên cứu các triệu chứng sức khỏe của mình trên mạng, tự cho rằng tình trạng của mình rất nguy kịch, sau đó tự chẩn đoán bệnh cho mình và thường là chẩn đoán sai.
  • Ngoài 4 tuyến phố hiến máu đã có, thành phố Hà Nội sắp có thêm một tuyến phố hiến máu nữa ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
  • Chào Mangyte. Xin vui lòng có thể cho tôi một vài địa chỉ phòng khám và số điện thoại liên lạc của những bác sĩ trên địa bàn Hà Nội chuyên về Nhi khoa được không ạ? Xin cảm ơn Mangyte rất nhiều ạ. (Minh Hòa - Long Biên - Hà Nội),
  • Chào Mangyte, Mình ở Thanh Hóa, bố mình bị sỏi mật có chỉ định phải mổ, mình muốn hỏi bệnh viện nào ở khu vực miền Bắc là tốt nhất? chi phí bao nhiêu? Rất mong Mangyte trả lời giúp mình. Cảm ơn. (Cao Thi Tuyen - Thanh Hóa)
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY