Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Nhìn lại chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc ở TP.HCM

MangYTe - Trong những ngày cao điểm chống dịch COVID-19, việc thực hiện chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay là thử thách năng lực y tế của TP.HCM. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Thành phố và các tỉnh thành khác trên cả nước.

TP.HCM dự kiến hoàn tất chiến dịch tiêm vaccine "thần tốc" vào ngày 26/6 và dành 1 ngày để tiêm vét (27/6) với số lượng hơn 800.000 liều được Chính phủ phân bổ.

Suốt cả tuần qua, không chỉ các nhân viên y tế mà các lực lượng khác cũng đã có sự hỗ trợ, nỗ lực hết mình cho công tác tiêm chủng lớn của thành phố. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn diễn ra chậm hơn kế hoạch một ngày, đến 28/6 là hoàn tất.

Trong những ngày cao điểm chống dịch, việc thực hiện chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay là thử thách năng lực y tế của TP.HCM. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Thành phố và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng covid-19 lớn nhất lịch sử tại tp.hcm đã thành công. ảnh: hcdc

Ngày trước đìu hiu, hôm sau ùn ứ

Ngày 19/6, TP.HCM mở màn chiến dịch tiêm vaccine COVID-19, tiêm được cho 877 người. Ngày 20/6, Thành phố thành lập thêm các điểm ở khu công nghiệp, khu chế xuất và tiêm được 5.740 lượt. Đến sáng 21/6, các quận huyện làm công tác kiểm tra, chiều cùng ngày bắt đầu triển khai đồng loạt việc tiêm đại trà cho cộng đồng và chuẩn bị cho công tác tiêm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, lúc này, các điểm tiêm "dã chiến" ở trường học thưa thớt người đến.

"Ngày đầu tiên người dân đi tiêm ít vì họ bị động do nhận được tin báo đi tiêm vaccine quá gấp, mặc dù trước đó lên danh sách rồi nhưng họ không nắm trước. Có một số trường hợp không đến, nhân sự thì chúng ta đã chuẩn bị đủ 5 đội cho 500 mũi tiêm trong ngày mà không có người đến thì hao tốn công sức của mọi người ngồi chờ", một bác sĩ ở Quận 1 chia sẻ.

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận những ngày đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng còn nhiều thiếu sót, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa đơn vị được tiêm, người đến tiêm, địa điểm tiêm, công tác bảo an ninh trật tự. Cũng theo ông Bỉnh, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức nhiều điểm tiêm di động, cần các đội cấp cứu thường trực, huy động chuyên gia cấp cứu từ nhiều nơi. Đây cũng là một bài học để công tác tổ chức được tốt hơn trong những lần sau, vì theo tính toán, TP.HCM cần 15 triệu liều vaccine để tiêm 2 mũi cho 75% dân số.

Lo lắng trước tiến độ tiêm vaccine tại TP.HCM, sáng 22/6, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị lãnh đạo TP.HCM khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp. Bộ Y tế cũng đã kịp thời hỗ trợ Thành phố 200 bác sĩ tham gia khám sàng lọc và cấp cứu, cùng với việc TP.HCM chủ động tăng cường thêm 290 đội tiêm, ngoài 1.000 đội tiêm trước đó, nên đã tiêm được hơn 172.900 người.

Thế nhưng, trái với cảnh "đìu hiu" ngày đầu, trong hai ngày 24 và 25/6 lại xuất hiện tình trạng "ùn ứ", hàng nghìn người đổ về Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11) để tiêm vaccine, khiến lực lượng y tế, công an, dân phòng bị quá tải. Nguyên nhân được cho là Thành phố chưa phân bổ thời gian hợp lý cho các nhóm được tiêm, vì họ chỉ nhận được tin nhắn đến điểm tiêm mà không có khung giờ cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều người nôn nóng được tiêm nên đến sớm, dẫn đến ùn tắc, chen lấn. Trước tình trạng đông đúc, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo Quận 11 cử đội đặc nhiệm đến hỗ trợ điểm tiêm này với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, tổ chức, phân luồng người đến tiêm vaccine. Vì vậy, 2 ngày sau không còn cảnh đông nghịt người như trước đó.

Thêm nhiều điểm tiêm và ứng dụng công nghệ thông tin

Ngày 28/6, thông tin với báo chí về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, trong tuần vừa qua, thành phố đã hoàn thành tốt đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 800.000 liều tiêm cho người dân thành phố và các lực lượng ưu tiên. Mặc dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần, toàn bộ người đến tiêm đều được đảm bảo an toàn. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của không chỉ là nhân viên y tế mà của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố.

Ông Đức cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân kế hoạch bị chậm do khâu tổ chức chưa đồng bộ giữa các đơn vị, còn có sự hấp dẫn quá lớn của vaccine nên bà con nhiệt tình đến sớm, khiến tập trung đông vào đầu giờ.

Nhiều người dân đến Nhà thi đấu Phú Thọ để tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM chiều 25/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố phải kiểm soát được khoảng cách nơi tiêm vaccine, không để tập trung đông như ở Nhà thi đấu Phú Thọ, dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo chuyên gia dịch tễ học Trương Hữu Khanh, TP.HCM cần mở song song điểm tiêm lưu động và điểm tiêm ở bệnh viện, cơ sở y tế có chức năng tiêm chủng, do số người thuộc diện hoãn tiêm, phải tiêm ở bệnh viện cũng khá nhiều, thậm chí nhiều trường hợp nhẹ nhưng bác sĩ cũng cho hoãn tiêm.

Nhìn lại chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay tại TP.HCM, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mặc dù lúc đầu còn một số vướng mắc, một vài điểm tiêm đông người chưa tuân thủ giãn cách, tốc độ tiêm thời gian đầu chưa nhanh như mong muốn, song vài ngày sau, TP.HCM đã rút kinh nghiệm, xử lý tốt các thiếu sót, triển khai nhanh chóng hơn việc tiêm ngừa nhằm sớm gia tăng miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Trần Đắc Phu, việc áp dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng là rất quan trọng. Nhờ ứng dụng này, có thể lên kế hoạch trước, nhập các thông tin của đối tượng được tiêm, khi họ đến điểm tiêm thì gọi để tiêm và hoàn thành các thông tin đã có sẵn trước đó. Đồng thời dựa vào đó để phân bổ được thời gian, thông báo cho các đối tượng này đến tiêm cũng như công tác theo dõi về sau. Cụ thể, tiêm mũi 1 là ngày nào, mũi 2 ngày nào, sau này tiêm vaccine tiếp như thế nào, việc cấp chứng nhận đã tiêm vaccine ("hộ chiếu vaccine") dễ dàng và nhờ đó liên thông được với quốc tế.

Tính đến chiều 28/6, đã có 731.984 người tại TP.HCM được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (trong tổng số khoảng 830.000 đến tiêm), có hơn 96.000 người sau khi khám sàng lọc thì chưa đáp ứng điều kiện sức khỏe để tiêm.

Theo đánh giá, chiến dịch tiêm vaccine cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn ít trường hợp được tiêm vào ngày 29/6. Đặc biệt, trong hơn 100 người phản vệ sau tiêm, chỉ có 2 người bị phản ứng độ 4 cũng đã được cấp cứu kịp thời, theo dõi sát, không có một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tiếp nhận từ 5-10 triệu liều vaccine. Vì vậy Thành phố sẽ thực hiện sơ kết, đánh giá lại một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm để tổ chức hiệu quả hơn trong các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 các đợt sau.

Kim Vân


Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/nhin-lai-chien-dich-tiem-chung-vaccine-than-toc-o-tphcm-20210629161629048.htm)

Tin cùng nội dung

  • Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, ít ai biết rằng đây là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • An toàn tiêm chủng là an toàn cho cả người tiêm, người được tiêm, nhà cung cấp dịch vụ y tế, bên tổ chức nhận dịch vụ y tế, và xã hội. Sau những trường hợp Tu vong và phản ứng sau khi tiêm vắc xin, Quốc hội Việt Nam đã ban hành luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành các thông tư, quyết định, hướng dẫn liên quan để bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Những quy định an toàn tiêm chủng là bắt buộc thực hiện đối với các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng.
  • Các chuyên gia nhận định, trường hợp trẻ Tu vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Nghệ An hôm 20/10 vừa qua có thể do sốc phản vệ, không liên quan đến quy trình tiêm chủng.
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 đến 14 tuổi bằng vắc xin tiếp nhận viện trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng.
  • Đây là một băn khoăn thường gặp và điều này cần được làm rõ. Thế nào là phơi nhiễm với bệnh dại?
  • So với Thông tư 113/2013/TTLT-BTC-BYT, mức chi tại Thông tư 117 đã tăng gấp đôi, từ 12.000 đồng lên 24.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm đủ liều (xã đặc biệt khó khăn); từ 6.000 đồng lên 12.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm đủ liều cho cán bộ y tế xã.
  • Tuyên truyền cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ sự nguy hiểm khi bị động vật cắn và các loại động vật cắn thường gặp.
  • Không ít thai phụ nhiễm viêm gan B mà không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu bệnh nặng lên mới đi khám và phát hiện bệnh thì thai đã được vài tháng tuổi.
  • . Cứ mỗi 2 phút là có 1 người Tu vong vì bệnh ung thư cổ tử cung. 75% cả nam và nữ có nguy cơ lây nhiễm virút HPV một lần trong đời.
  • Kính chào Mangyte, Con trai tôi 19 tháng tuổi chưa được tiêm vacxin 5 in 1. Giờ tôi muốn tiêm dịch vụ 6 in 1 cho bé có được không? Và nên tiêm ở địa chỉ nào? Xin chân thành cảm ơn. (Hoài Anh - Bình Dương)
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY