Tâm sự hôm nay

Nhớ thầy Thuốc

Cha ông ta có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Cha mẹ, thầy cô là những người trực tiếp sinh ra ta, giáo dưỡng ta và dạy dỗ ta trở thành người, bởi thế, có 3 ngày Tết thì phải nhớ đến cha, mẹ và thầy là phải đạo lắm chứ!
Cha ông ta có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Cha mẹ, thầy cô là những người trực tiếp sinh ra ta, giáo dưỡng ta và dạy dỗ ta trở thành người, bởi thế, có 3 ngày Tết thì phải nhớ đến cha, mẹ và thầy là phải đạo lắm chứ! Vẫn biết rằng sự học luôn đồng hành với mỗi người suốt cả cuộc đời nhưng thời gian được đến trường, được thầy cô dạy dỗ là vô cùng ý nghĩa.

Như một thói quen, từ lâu, cứ sáng mồng 3 Tết là tôi mang theo một số báo Văn nghệ mới nhất và ít trái cây tươi để Tết thầy và chúc Tết thầy cùng gia đình.

Thầy đối với tôi thật đặc biệt, vừa là “người lái đò” đưa tôi qua sông, vừa là người đồng hương mà tôi vô cùng kính trọng, quí mến.

Với thầy, tôi có nhiều kỷ niệm riêng. Tôi thường tìm đến thầy khi có niềm vui hay nỗi buồn, có thành công hay thất bại, nhận được ân huệ của ai hay không may gặp người bội phản… Điều làm tôi bất ngờ là thầy luôn gợi cho tôi những góc nhìn rất lạc quan mà hết sức nghiêm túc về mọi vấn đề. Khi tôi có nỗi niềm, chỉ bằng vài câu nói, thầy đã đưa tôi trở lại bình tĩnh và sáng suốt. Thầy là điểm tựa tinh thần của tôi, bên thầy, tôi luôn an lòng và tự tin đến lạ!...

Mặc dù thời gian học thầy không phải là dài lắm, vẻn vẹn chỉ có 2 năm thầy làm chủ nhiệm lớp 9 và 10… nhưng những gì thầy để lại trong tôi là tất cả - một nhà giáo giỏi chuyên môn, hết lòng vì học trò và sống rất mẫu mực.

Tôi còn nhớ rất rõ, khi ấy là năm 1962, tôi học năm cuối cấp III, chẳng may bị sốt xuất huyết phải đi nằm viện 2 tuần lễ, bản thân tôi và gia đình rất lo lắng vì đó là thời điểm sắp thi tốt nghiệp. Trong thời gian tôi nằm viện có tới 3 lần thầy vào thăm và động viên tôi tại giường bệnh. Sau khi ra viện, thầy đã dành thời gian phụ đạo riêng cho tôi và thật bất ngờ, trong kỳ thi tốt nghiệp môn toán của thầy, tôi đạt điểm 5 (điểm cao nhất hồi đó).

Ở trường, thầy dạy tôi môn toán nhưng không hề khô cứng. Các học phần này hấp dẫn thêm rất nhiều nhờ phong cách lên lớp chuẩn mực mà biến hóa, khoa học mà mềm mại, cẩn trọng mà rất hóm của thầy. Thầy luôn biết cách đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, cụ thể hóa những cái trừu tượng và nhiều khi ngược lại, từ những cái cụ thể thầy lại đưa ra những khái quát dí dỏm, bất ngờ. Tất cả mọi vấn đề được thầy nhìn với cái nhìn nhân ái, bao dung, từ góc độ văn hóa – thẩm mỹ. Thầy sống như thế. Và thầy muốn truyền quan niệm ấy cho cả lớp chúng tôi với 52 học sinh, thầy đối xử với chúng tôi rất thân thiện và bình đẳng, không phân biệt nam nữ, học giỏi hay kém… Bởi vậy, lớp chúng tôi như một gia đình mà thầy là người anh, người cha.

50 năm đã qua đi, một nửa thế kỷ đã đi vào dĩ vãng, cuộc đời chứng kiến biết bao bể dâu và bản thân tôi có thêm bao người thầy. Thế nhưng hình ảnh thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 - 10, Thầy giáo ưu tú Lê Hải Châu là hình ảnh đậm nét nhất với tôi.

Tết vừa qua là năm cuối cùng tôi được gặp thầy khi thầy đã 86 tuổi, tuy không còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như trước nhưng tinh thần và trí tuệ thầy rất minh mẫn. Bên giường bệnh, thầy nhìn tôi chăm chú, rồi tự nhiên tôi thấy mắt thầy đỏ hoe, thầy lấy tay xoa vào đầu tôi, mái đầu đã hoa râm của cậu học trò và nghẹn ngào nói:

- Thầy cảm ơn em. Giữ được tình thầy trò tới nửa thế kỷ, quý hóa lắm. Không hiểu ngày nay học trò có làm được như vậy không?

Nói đến đây thầy dừng lại, nhìn tôi và những giọt nước mắt không kìm được đã chảy xuống gò má nhăn nheo của tuổi già… Tôi cố kìm, nhưng không sao ngăn được những giọt nước mắt ấm ấm chảy trên má tôi và vào miệng, tôi cảm thấy mằn mặn…

Thầy lại xoa đầu tôi và nói:

- Làm được việc gì có ích thì hãy làm ngay đi con ạ! Đừng đợi chờ, vì thời gian không chờ ai bao giờ. Hãy cố gắng.

Sau khi gặp thầy, tôi có cảm giác như thầy đã linh cảm thấy trước sự ra đi nên đã tâm sự, dặn dò và trăn trở với tôi những nỗi niềm… Tôi cũng có linh cảm việc ra đi của thầy là không thể cưỡng nổi.

Sau đám tang của thầy, tôi cứ day dứt và tự tìm câu giải đáp cho câu nói của thầy với tôi lần cuối cùng.

“Không hiểu ngày nay học trò có làm được như vậy không?” và “Làm được việc gì có ích thì hãy làm ngay đi em ạ! Đừng đợi chờ”.

Đón xuân năm nay, tôi không còn được gặp thầy nữa, nhưng điều chắc chắn là mồng ba Tết tôi lại về quê, sang tết thầy và cũng là giỗ thầy. Con xin thắp nén tâm nhang tỏ lòng thành kính và thầm nghĩ những điều thầy trăn trở cũng là trăn trở của chúng con, những người đang sống. Rồi tôi bâng khuâng tự hỏi: Không biết còn bao nhiêu học trò nhớ câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” và “sống tết, ch*t giỗ” với người có công sinh thành, giáo dưỡng ta nên người???

Hoài Vũ

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nho-thay-thuoc-6148.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY