Tâm sự hôm nay

Nhọc nhằn phận nữ nhi cửu vạn vùng biên

Cái nghề vốn được xem là của cánh đàn ông “sức dài vai rộng”, thế nhưng phận nữ nhi lại đảm đương không kém cạnh gì đàn ông.

Cái nghề vốn được xem là của cánh đàn ông “sức dài vai rộng”, thế nhưng ở chốn này, những phận nữ nhi lại đảm đương công việc ấy không kém cạnh gì đàn ông.

Giữ kế sinh nhai, họ không phân định thời gian, thường nhật ngày qua ngày đi sớm về muộn oằn vai nặng gánh. Vất vả và gian khổ là vậy nhưng nhiều năm qua chính cái nghề này đã trở thành “bát cơm sinh nhai” của hàng chục phận đời người phụ nữ tại nơi này nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dẫu vậy họ vẫn gắn đời mình với công việc khó nhọc này với mơ ước cho gia đình, cho con cái, cho tương lai tươi sáng hơn.

Khi tóc dài oằn vai hàng hóa

Đó là những nữ phu cửu vạn người dân tộc Vân Kiều - Pa Cô tại vùng biên giới Lao Bảo (Quảng Trị). Họ khiêng vác hàng hóa cho những lái buôn từ cửa khẩu Đen Sa Vẳn - Lào sang bên kia cửa khẩu Lao Bảo - Việt Nam rồi tập kết lên những chiếc xe tải chở về xuôi. Buổi sáng buốt lạnh của miền biên viễn, khi những đợt gió thổi lồng vào người dựng cả tóc gáy, thì những người phụ nữ thân liễu kéo xe ấy chỉ khoác một chiếc áo mỏng manh. Bất chấp điều đó, họ vẫn miệt mài theo những vòng quay bánh xe để nuôi “vòng quay cuộc đời” đang ngóng chờ... ở nhà.

Giữa lúc thảnh thơi, vài phút giải lao, các chị lại tụm ba, tụm bảy nói chuyện bàn tán về chuyến hàng này, chuyến nọ. Lân la làm quen trò chuyện với các chị, chúng tôi mới hiểu được nỗi vất vả mà ngày ngày họ đang phải nếm trải. Các chị bập bẹ bằng những câu tiếng Kinh chưa sõi: “Khổ lắm! Vất vả lắm! Mong sao có bát cơm đủ ăn qua ngày là may rồi. Như hôm nay đó, cả sáng giờ hàng chưa về nên mỗi người chỉ kiếm được một bữa ăn sáng thôi. Còn con nhỏ ở nhà nữa, lo lắm!”. Ngồi với các chị, pha lẫn tiếng Vân Kiều, tiếng Kinh là cả tiếng Lào khi những chiếc điện thoại di động thi thoảng lại rung lên, đầu dây bên kia nếu chủ hàng nói tiếng Lào, các chị đáp lại bằng tiếng Lào, nếu nói tiếng Kinh thì dùng tiếng Kinh, còn khi trò chuyện với nhau thì dùng tiếng Vân Kiều. Trò chuyện với tôi, chị Bích với thâm niên gần 14 năm chuyển hàng vùng biên này cho biết, nghề này không ai biết chính xác là có từ khi nào, nhiều người thì ầm ừ một điều rằng thời cha mẹ mình còn trẻ, có sức khỏe đã làm việc này. Họ bám níu theo nên lớn lên cũng “đeo” đến tận bây giờ. Chị Bích cho biết: “Ngày trước mình chỉ làm theo hình thức nghề tay trái, lúc nào ai cần thì gọi mới đi, còn nghề chính vẫn là nghề khác. Làm thuê cuốc mướn, ai thuê gì thì làm đó. Làm miết làm hoài rồi có chồng có con, cũng không đủ ăn. Đi làm nương làm rẫy nhiều thì sợ giẫm phải bom mìn hồi chiến tranh còn sót lại. Một số người nơi đây cũng có lúc suýt bỏ mạng vì mìn, giờ thành tàn tật. Nhìn thấy cảnh đó ai cũng sợ. Vì vậy, họ lại quyết định đi theo nghề cha ông! Nói thật làm nghề này vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt nhiều nhưng kiếm được bữa cơm qua ngày cũng là mừng rồi, chẳng mong gì hơn cả. Đất lúa thì ít, mà chỉ đủ ăn thôi. Còn con cái học hành, còn lúc bệnh tật cần tiền thì phải bám thôi! Do địa hình nơi đây còn khó khăn cho việc xe qua lại, người buôn hàng muốn vận chuyển hàng hóa qua đây được thì chỉ có một là thuê người cõng, hai thuê xe kéo. Thấy được nhu cầu đó nên thời ông cha mình đã hình thành nghề kéo xe này”.

Kiếp mưu sinh cơ cực

Nghề kéo xe nhìn có vẻ đơn giản, chỉ việc chất hàng lên và kéo đi. Nhưng thực ra không như những gì mọi người vẫn tưởng. Chị Trương Thị Hồng, quê ở huyện Đakrông, lấy chồng ở thôn Ka Tang đang ôm cánh tay sưng vù kể lại: “Vì chiếc xe kéo hàng quá nặng, càng xe bất ngờ vổng bật lên đập vào tay nên giờ mới thế này đây. Chuyện T*i n*n như thế này xảy ra thường xuyên, nhưng vẫn phải chịu. Phụ nữ dân tộc Vân Kiều - Pa Cô mình ai cũng chịu khó lao động kiếm tiền nuôi con. Vất vả chút nhưng có tiền để lo cho con cái ăn học, để chúng khỏi khổ là hạnh phúc nhất đời rồi!” - chị Hồng vừa cười như mếu vì đau vừa nói.

Trước đây, chị em đội xe nơi đây hoạt động theo hình thức tự do, mạnh ai nấy làm. Thế nên dẫn đến nhiều chuyện phức tạp. Nào là các chị tranh giành khách của nhau, cãi lộn với nhau. Có khi dẫn đến xô xát vì một tranh giành một chuyến hàng nào đó và cuối cùng thì cũng không có ai chạy được chuyến hàng đó, chủ hàng phải đi kêu người khác. Đó là chưa kể tới việc chơi “khăm” nhau. Nào là chặn đường hù dọa, rồi phá lốp xe của nhau khiến nhiều người là nạn nhân khốn khổ. Cũng vì miếng cơm manh áo mà nhiều chị làm ăn không lành mạnh. Nhiều lúc đau đầu, phát hoảng không phải vì không có hàng kéo, mà thấy người khác tranh thủ làm được nhiều hơn thì lại phân bì. Thành ra đội xe kéo ở đây rất lộn xộn trong việc chạy hàng. Nhận thấy hình ảnh cửa khẩu không được tốt đẹp, mối quan hệ giữa những chị kéo xe với nhau ngày càng phức tạp với nhiều phe phái, Thiếu tá Lê Quốc Hưng, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã đề xuất thành lập “đội phu xe”. Đội phu xe ra đời có quy chế, hình thức hoạt động đàng hoàng, được chia làm 4 tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng. Với những quy định cụ thể, có đồng phục và các thành viên hoạt động theo hình thức tập trung, phân chia hàng với phương châm mọi người cùng có hàng. Giá cả mỗi chuyến được phận định cụ thể cho từng loại hàng. Tránh trường hợp ép giá của khách và nâng giá của phu xe. Chị em xây dựng mối đoàn kết, tương trợ giúp nhau vượt qua khó khăn. Nghề phu xe ở cửa khẩu vất vả hơn nhiều lần so với đi nương, đi rẫy. Ngoài việc vận chuyển hàng hóa thông thường, các chị phải đối mặt với nguy hiểm, cám dỗ vì có thể trở thành người phạm tội bất cứ lúc nào mà không biết, bởi nhiều chủ hàng lợi dụng giấu hàng quốc cấm trong những thùng hàng và thuê kéo. Nếu đi lọt hàng cấm thì vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, bị phát hiện là trở thành người phạm tội. Khi mới hình thành nghề kéo xe, các chị em còn hoạt động theo hình thức tự do nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Những chị em phụ nữ ở đây, nhất là những trẻ em mới bước vào tuổi vị thành niên khi mưu sinh bằng nghề này rất dễ bị xâm hại đến thân thể. Đó là những nguy cơ như bạo hành, lạm dụng, bóc lột sức lao động, thậm chí cả bị hãm hiếp và là đối tượng chủ yếu của nạn “buôn người” qua biên giới. Và trên thực tế, nhiều năm qua, thực trạng này đang trở thành mối lo ngại nhất của cơ quan chức năng. Nhiều chị em, trong đó, chủ yếu là các em nhỏ mới bước vào tuổi vị thành niên bị bắt cóc, xâm hại đang diễn ra phức tạp. Nhiều vụ mang thai ngoài ý muốn của những cô bé nơi đây cuối cùng phải chịu hình phạt của buôn làng và cuộc đời hiu quạnh. Thế nhưng hơn hết, lúc nào các chị em kéo xe nơi đây vẫn giữ cho mình được sự tỉnh táo nhất định, để không bị kẻ gian lừa lọc, cũng như kiếm được đồng tiền xứng đáng bằng mồ hôi nước mắt của mình và mơ ước tới một cuộc sống đủ đầy hơn, cho lũ trẻ được tới trường, cho gia đình có được cuộc sống đủ đầy hơn.

Anh Hồ Văn Hồng, Trưởng thôn Ka Tăng cho biết: “Trước đây khi bà con dân bản mình đi kéo hàng thuê tự phát nên tùy tiện lắm. Nhờ có cán bộ Bộ đội đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo hướng dẫn lập đội xe kéo thuê nên công việc được hướng dẫn, phân công, việc làm đều đặn nên ổn định hơn, thu nhập cũng khá lên, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện. Từ đó, đội xe tự quản này có thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội của thôn xóm. Họ đã xây dựng được quỹ riêng từ việc kéo hàng thuê, lấy đó làm quà để thăm hỏi khi có chị em đau ốm, mua sách vở để làm phần thưởng động viên con em dân bản đạt kết quả cao trong học tập!”. 

Bài và ảnh: Lê Duy

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhoc-nhan-phan-nu-nhi-cuu-van-vung-bien-5695.html)

Chủ đề liên quan:

cửu vạn cửu vạn vùng biên

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY