HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của nước CNXHCN Việt Nam được Hiến pháp quy định và đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và tội “Che giấu tội phạm”.
HĐXX quyết định tuyên phạt Sùng A Sính mức án chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Lầu A Lềnh mức án chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, tổng hình phạt chung cho 2 tội là chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng tù đến 20 năm tù với từng tội danh tương xứng.
Trong vụ án này có 14 bị cáo người dân tộc thiểu số Mông bị đưa ra xét xử với các tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” được quy định tại các khoản 1, khoản 2, Điều 109 BLHS; “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 88 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); “Che giấu tội phạm” được quy định tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, năm 2010, Lầu A Lềnh tham gia tổ chức lập nhà nước Mông, tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bị khởi tố sau đó bỏ trốn. Từ tháng 8.2018 – tháng 3.2019, Sùng A Sính cùng Lầu A Lềnh và một bị cáo thống nhất xây dựng lại tổ chức, lập nhà nước Mông, lôi kéo thêm 5 người cùng tham gia tổ chức lập nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).
Với mục đích cướp đất, cướp chính quyền tại huyên Mường Nhé, thay thế chính quyền huyện Mường Nhé bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức riêng, chữ viết riêng…
Cáo trạng nêu rõ, trong vụ án này, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh với vai trò chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo khác phạm tội với vai trò đồng phạm là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh là người khởi xướng việc tổ chức lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, đường lối mô hình tổ chức, đúc sao hàm. Trong vụ án này, Hoàng Văn Páo là người tìm người biết chữ Mông cổ ở Myanmar về dạy chữ, góp tiền 400 triệu đồng để phục vụ lập nhà nước Mông. Các bị cáo còn lại cùng tham gia họp bàn lập nhà nước Mông, đưa đón người, đi lấy chữ, lấy tiền, mua võng để phục vụ lập nhà nước Mông.
Cơ quan công tố xác định thủ đoạn phạm tội của các bị cáo là dùng điện thoại liên lạc, tổ chức họp bàn trong rừng và trên lán nương vào ban đêm để đưa ra mục tiêu, cách thức tiến hành, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như biểu tượng, vũ khí, cờ sao, tiến hành cướp đất, cướp chính quyền huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) để lập nhà nước Mông. Nguyên nhân, điều kiện phạm tội được xác định do các bị cáo thiếu ý thức chấp hành pháp luật.