Tâm sự hôm nay

Tội phạm môi trường và lỗ hổng pháp luật

Những năm qua, nền kinh tế của nước ta có bước phát triển với tốc độ rất nhanh, kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường tại các khu đô thị,
(SKDS) – Những năm qua, nền kinh tế của nước ta có bước phát triển với tốc độ rất nhanh, kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư gia tăng đáng kể. Điều này đã gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường của các lực lượng chức năng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước cùng với những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Những vụ sai phạm điển hình như Công ty TNHH Vedan xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty sửa chữa tàu biển Hyundai-Vinashin xả chất thải rắn (hạt nix) độc hại không qua xử lý ra môi trường (Khánh Hòa), Nhà máy Miwon (Việt Trì - Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng; hành vi xả nước thải độc hại ra sông Đông Điền (huyện Nhà Bè - TP. Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương; các công ty nhập chất thải phế liệu về cảng Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng...

Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, với hàng loạt vụ việc vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý cho thấy tình trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực môi trường đang tăng cao, thủ đoạn, hình thức phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng... Chính vì thế, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường càng là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát môi trường nói riêng.

Theo Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, phương thức thủ đoạn của tội phạm môi trường ngày càng tinh vi và có những đối phó với hoạt động kiểm tra kiểm soát của các cơ quan chức năng. Do những quá trình kiểm tra kiểm soát ngày càng chặt chẽ, các đối tượng luôn tìm cách đối phó. Hiện nay, những đối tượng vi phạm không chỉ ở trong nước mà còn mang tính chất quốc tế, liên quốc gia. Bên cạnh đó, hoạt động săn bắn, buôn bán trái phép động vật quý hiếm cũng góp phần hủy hoại môi trường rất mạnh. Các đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện, bắt giữ sẽ bị xử phạt và thiệt hại lớn về vật chất. Do đó, chúng đã thiết lập thành một đường dây được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hết sức tinh vi. Đây cũng là một khó khăn nữa của các cơ quan chức năng nếu không có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ nhằm chống lại loại tội phạm này. Mặc dù những vi phạm pháp luật về môi trường thời gian qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân nhưng dường như các chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe. Trong số 10 tội danh về phạm tội môi trường nói trên, đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có 2 tội danh bị khởi tố điều tra và đưa ra xét xử là hủy hoại rừng (Điều 189) và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định chỉ truy cứu hình sự đối với các cá nhân vi phạm, chứ không áp dụng cho các đối tượng là các tổ chức, công ty, tập đoàn có tư cách pháp nhân. Đây là "lỗ hổng" lớn nhất vì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các doanh nghiệp hay người đứng đầu doanh nghiệp khi họ là chủ thể các vi phạm môi trường như Bộ luật Hình sự đã định tội. Đã đến lúc cần phải có những cách tiếp cận và nhận thức mới hơn để hoàn thiện cơ sở pháp luật về tội phạm môi trường cũng như công tác giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất… Muốn thế, trước mắt cần sửa đổi Bộ luật Hình sự của Việt Nam, trong đó thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý về mặt hình sự các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Trong lúc chờ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường là hết sức cần thiết, đặc biệt, lực lượng cảnh sát môi trường phải là mũi nhọn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường.

Nguyễn Thanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-toi-pham-moi-truong-va-lo-hong-phap-luat-6110.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY