Thực hành chẩn đoán và điều trị hôm nay

Nhọt: dấu hiệu triệu chứng, thực hành chẩn đoán điều trị

Những người có hệ miễn dịch suy yếu, người bệnh tiểu đường, hoặc những người mà da có nhiều chất nhờn thường dễ bị nhọt hơn.

Nhọt là một trường hợp nhiễm trùng da phổ biến, hình thành một hoặc nhiều vùng da bị viêm chứa đầy mủ, thường là nhiễm trùng nang lông. Vị trí nổi nhọt thường là phía sau cổ hoặc các vùng da ẩm như nách, bẹn... nhưng cũng có thể là bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Trái với cách nghĩ của nhiều người, nhọt không phải là kết quả của việc vệ sinh da kém, mà là do lây nhiễm vi khuẩn từ những nguồn không xác định được.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thường gặp là do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus. Thông thường, loại vi khuẩn này vẫn cư trú trong mũi cũng như có rất nhiều trong môi trường không khí, trong nước, bám trên da... Tuy nhiên, để gây bệnh thì vi khuẩn này cần có nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Vi khuẩn thường xâm nhập vào da qua các lỗ chân lông hoặc các vết thương nhỏ. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, người bệnh tiểu đường, hoặc những người mà da có nhiều chất nhờn thường dễ bị nhọt hơn.

Chẩn đoán

Triệu chứng khởi đầu là một chỗ sưng nhỏ dưới da, làm cho da trở nên nhạy cảm hơn. Chỗ sưng lan rộng dần và vùng da này trở nên đỏ, đau, sờ vào thấy hơi nóng ấm.

Dần dần, ở giữa nhọt trở nên mềm hơn và có bọng mủ.

Trong khoảng vài ba ngày, lượng mủ tăng dần và tự thoát lên bề mặt của nhọt, tạo thành một điểm nhỏ màu vàng, hay còn gọi là đầu nhọt.

Khi đầu nhọt vỡ, mủ thoát ra thì cảm giác đau nhức do bọng mủ được giảm nhẹ.

Có thể có viêm mạch bạch huyết nếu như nhọt xuất hiện ở khu vực có hạch bạch huyết.

Đôi khi cần lấy bệnh phẩm là mủ trong nhọt để cấy vi khuẩn nhằm xác định loại kháng sinh hợp lý để điều trị. Kiểm tra glucose niệu để loại trừ bệnh tiểu đường.

Thông thường nhọt tự khỏi sau khoảng 1 – 2 tuần.

Nếu nhọt thường xuyên tái phát, dùng tăm bông ngoáy mũi lấy bệnh phẩm để xác định việc bệnh nhân mang vi khuẩn gây nhọt trong người.

Điều trị

Không dùng tay nặn mủ hay cố làm vỡ nhọt, vì có thể làm nhiễm trùng lan rộng.

Dùng Thu*c giảm đau nếu nhọt gây đau nhiều.

Dùng kem bôi da có sulphat magnesi để bôi lên nhọt, có thể giúp nhọt mau vỡ miệng và cũng mau lành hơn.

Sau khi nhọt vỡ miệng và thoát mủ, cần rửa sạch với xà phòng diệt khuẩn và nước ấm, sau đó dùng gạc khô băng lại để bảo vệ vùng da này không bị nhiễm trùng.

Với các nhọt quá lớn hoặc căng tức và gây đau quá lâu, có thể dùng chlorid ethyl xịt lên gây tê rồi dùng dao mổ rạch nhọt, nặn nhẹ cho mủ thoát ra. Sau đó băng lại bằng gạc khô.

Nếu có dấu hiệu viêm mạch bạch huyết, cho dùng flucloxacillin 250mg, mỗi ngày 4 lần, liên tục trong 5 ngày.

Nếu xác định người bệnh mang vi khuẩn Staphylococcus (gây tái phát thường xuyên) thì cho dùng kem naseptin và flucloxacillin dạng viên uống. Hướng dẫn người bệnh dùng xà phòng diệt khuẩn để tắm trong vòng 2 tuần.

Với các nhọt lớn bất thường, gây đau nhức nhiều, hoặc kéo dài trên 2 tuần, nên chuyển đến bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và điều trị.

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/thchandoandieutri/thuc-hanh-chan-doan-va-dieu-tri-nhot/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY