Hiện nay, nhiều người với tâm lý “sính ngoại” thường tìm đến những địa chỉ “xách tay” thông qua mạng xã hội. Thực tế, những tiểu thương này có thể trà trộn thêm hàng nhập lậu hoặc đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng do khâu vận chuyển và bảo quản chưa đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, nạn tin giả tràn lan trên mạng xã hội với những chia sẻ “bóc phốt” chủ yếu vì mục đích “câu” tương tác và không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm hiện đang là một tác nhân khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Thực tế, nguyên nhân dẫn đến việc chất lượng sản phẩm bị thay đổi như vón cục, chảy nước, mùi vị bất thường… có thể xuất phát từ việc người tiêu dùng mua phải hàng không rõ nguồn gốc, hoặc chưa tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất về việc bảo quản sữa được in trên vỏ hộp.
Do vậy, người tiêu dùng lưu ý nên tìm hiểu kỹ thông tin về nhà sản xuất và chỉ mua sữa công thức tại những cửa hàng uy tín được ủy quyền đầy đủ. Đặc biệt, nên lựa chọn những nhãn sữa uy tín lâu năm với sản phẩm được phát triển dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và được sản xuất theo dây truyền hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, người dùng có thể yên tâm sử dụng sản phẩm dinh dưỡng với chất lượng được đảm bảo từ nhà sản xuất và phân phối.
Khi mua sản phẩm dinh dưỡng, nhiều người tiêu dùng có thói quen chú ý đến nhãn hiệu và thiết kế bắt mắt mà thường lại bỏ quên một điều rất cơ bản, đó là các thông tin về thành phần sản phẩm được in trên bao bì.
Những thông tin cơ bản về sữa công thức cần đọc trên bao bì là: Hàm lượng chất đạm, chất béo, mức năng lượng có thể cung cấp từ sản phẩm (nên chọn loại sữa với nguồn năng lượng chuẩn 1ml = 1 kcal), các vitamin và dưỡng chất. Ví dụ như các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nên chứa các chất như HMO giúp tăng cường đề kháng và hệ dưỡng chất phát triển trí não gồm lutein, vitamin E tự nhiên và DHA.
Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng phân phối không chính thức, khi cầm một sản phẩm sữa trên tay, người tiêu dùng cần quan sát những yếu tố: Bao bì có được in sắc nét, rõ ràng không? Sản phẩm có nhãn chứng nhận của đơn vị phân phối chính thức không? Những sản phẩm được nhập khẩu chính thức luôn có tiếng Việt với đầy đủ thông tin thành phần, nơi xuất xứ, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng.
Qua tìm hiểu sản phẩm của Abbott, một công ty với nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường Việt Nam như Similac, Ensure, Glucerna… người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết hàng chính hãng bởi tên của đơn vị phân phối là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A sẽ được in hoặc dán trên nhãn.
Ngoài ra, hệ thống phân phối của Abbott cũng trải rộng trên các siêu thị lớn trên toàn quốc hoặc qua trang điện tử của các nhãn hàng hay các trang thương mại điện tử uy tín như Lazada, Tiki và Shopee – gian hàng chính hãng.
Bằng trực quan, nếu thấy nhãn có dấu hiệu bị tẩy xóa, tróc mờ, hộp móp méo, không có nhãn của đơn vị phân phối chính thức… người tiêu dùng nên liên hệ với nhà sản xuất thông qua số điện thoại hotline để xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Khi mua phải sữa kém chất lượng, phần lớn các mẹ đều cho rằng nguyên nhân là do khâu sản xuất có vấn đề. Nhưng thực tế, nguyên nhân chính của các hiện tượng sữa ẩm mốc, vón cục, khó tan,… lại đến từ việc bảo quản, phân phối không đúng quy định, và sử dụng sản phẩm không theo chỉ định.
PGS. TS. Lê Bạch Mai đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp cha mẹ sử dụng và bảo quản sữa đúng cách như sau: “Sau khi mở hộp sữa, các mẹ chú ý không nên sử dụng quá 3 tuần và đậy nắp hộp sữa thật kín sau mỗi lần pha sữa. Ngoài ra, không nên bảo quản hộp sữa bột đã mở nắp trong tủ lạnh. Vì ngăn mát của tủ lạnh có độ ẩm rất thấp, khi các bậc phụ huynh mang hộp sữa ra khỏi tủ lạnh để lấy sữa pha cho bé thì đấy lại là cơ hội để sữa bột hút ẩm ngoài không khí làm sữa rất dễ bị vón cục. Vậy nên, đối với sữa bột chỉ cần bảo quản ở môi trường thoáng mát, tránh côn trùng xâm nhập, không nên cất giữ ở những nơi quá nóng hoặc gần bếp chế biến thực phẩm”.
Khi pha sữa, trước tiên, các mẹ cần phải đọc kỹ hướng dẫn. Hướng dẫn trên từng hộp sữa chính là hướng dẫn chuẩn nhất cho từng loại sữa cụ thể. Các mẹ nên pha đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất về số lượng muôi sữa và số ml nước thì sẽ được sữa dạng lỏng pha chuẩn. Tốt nhất là sữa được dùng hết ngay sau mỗi lần pha (Sữa pha của bữa nào thì bố mẹ cho bé uống hết trong bữa đó).
Bác sĩ Bạch Mai cũng chia sẻ thêm: “Các bậc phụ huynh cố gắng đánh giá đúng khả năng uống sữa của bé để pha bao nhiêu sữa thì bé uống hết bấy nhiêu. Trong 1 số trường hợp, các bậc phụ huynh lỡ pha lượng sữa còn dư thừa nhiều hơn so với lượng sữa mà bé uống được thì nên cất giữ lượng sữa dư (tốt nhất là để riêng trước khi bắt đầu bữa sữa) trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng cho bữa sau và không nên để lâu quá 4 tiếng. Vì nếu các bậc phụ huynh cho bé uống sữa bữa đó trước thì khi miệng bé ngậm vào cốc/thìa hoặc là núm vú của bình sữa rất có thể truyền vi sinh vật sang và khiến việc bảo quản sữa khó hơn rất nhiều, dễ bị nhiễm khuẩn. Trước khi sử dụng sữa được bảo quản lạnh, các phụ huynh nên làm ấm sữa bằng cách ngâm vào bát nước ấm hoặc sử dụng bình hâm nóng sữa, tuyệt đối không dùng lò vi sóng”.