Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Những ngày đi giữa tâm dịch

(MangYTe) - Khi tôi viết những dòng chữ này, thì không chỉ ở Hà Tĩnh, mà các địa phương trên cả nước đã bước vào giai đoạn “bình thường mới” với đại dịch COVID-19. Đồng nghĩa với đó là phải chấp nhận sống chung với con virut quái ác đã tước đi sinh mạng của nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà còn của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Chào nhau là đồng chí.

Những con số đếm F không còn ý nghĩa, hay đúng hơn không còn ám ảnh, không gây lo sợ, xôn xao trên mạng xã hội, hay góc phố, hè đường và trong mỗi gia đình. Những số đếm mà đã có thời điểm, chỉ cần 1 dòng thông tin rất mơ hồ trên mạng xã hội thôi, kiểu như: “Lại thêm 1 F0, 200 F1, phong tỏa toàn bộ…” đã đủ làm xáo trộn tâm lý, cũng như đời sống của một vùng dân cư. 

Đó là thời điểm, chỉ cần 5 - 10 ca F0 thôi, nơi đấy đã trở thành tâm dịch. Là sự truy vết, điều tra hàng ngàn, hàng chục ngàn F1, F2… Phong tỏa cục bộ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ có lực lượng cán bộ, nhân viên y tế, chức năng với bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, cần mẫn đi lấy mẫu, truy vết xuyên ngày, xuyên đêm… Là những chốt chặn, dây phong tỏa được giăng mắc khắp đường làng, ngõ phố … Là những cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch có nhiều lúc trắng đêm… 

Đó còn là những ngày tôi đi giữa tâm dịch. Những ngày tháng 6/2021, Hà Tĩnh phong tỏa toàn thành phố, với 25.516 hộ gia đình, 103.546  nhân khẩu phải “án binh bất động” khi số ca F0 tăng mỗi ngày theo cấp số nhân. Không thể nói hết được những gian khổ, bí bách và sự lo lắng của những ngày đó, khi vắc xin chưa kịp về để tiêm, “vắc xin lòng dân” mới bắt đầu hình thành ý thức, chỉ có “vắc xin trách nhiệm” của các cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng Công an, dân phòng ở các chốt chặn.

Phóng viên Bảo vệ pháp luật tác nghiệp tại tâm dịch COVID-19 ở Hà Tĩnh. 

Khoảng thời gian đó, khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, chiếc máy ảnh bọc kín bao ni lông, chỉ hở đôi mắt qua lớp kính nhựa, tôi cùng đồng nghiệp bám theo các “chiến binh” áo trắng, đến từng chốt chặn, vào từng ngõ nhà dân… chỉ để muốn được chứng kiến tận mắt sự tàn khốc của làn sóng dịch COVID-19 đang tràn về, tàn phá quê hương.

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra khốc liệt như vậy, câu chào ấn tượng, sâu đậm nhất giữa các lực lượng tuyến đầu: y tế, Công an, dân phòng và ngay cả tôi… là “chào đồng chí”. Câu chào nhau quen thuộc đến nỗi tôi cứ ngợ ngợ như mình đang vác súng đi giữa trận địa, tham gia một trận đánh mà chưa biết bao giờ mới kết thúc.  

Bình thường, họ đã quá quen mặt nhau khi ở cơ quan, trụ sở, thậm chí cùng là đồng nghiệp. Nhưng khi “lâm trận” dẹp dịch này, ngày qua ngày họ chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt đờ đẫn, mệt mỏi, ngay cả giọng nói cũng lạc đi… thì họ và ngay cả chính tôi cũng khó nhận ra ai trong bộ đồ kín mít đó giữa trưa hè nắng nóng, hay nửa đêm sương giăng… Cho nên, gặp nhau là “chào đồng chí”, động viên nhau là “cố gắng lên đồng chí”, “đồng chí ra nghỉ uống nước, tôi thay ca cho”… Không một cái bắt tay hay vỗ vai, họ dành cho nhau những lời động viên, khích lệ và sự sẻ chia qua ánh mắt.

Chứng kiến lực lượng y tế lấy mẫu xuyên đêm. 

Ngay cả khi, lực lượng y tế, cán bộ được tăng cường từ Nghệ An vào Hà Tĩnh để chung sức “đánh trận”, từng tốp từng tốp lên đường, gặp nhau cũng chỉ nhìn nhau và “chào đồng chí”. Đến nỗi có những lúc về nhà, tôi lặp lại với người thân câu chào này trong vô thức, khi mải nghĩ về hàng trăm, hàng nghìn con người đang nhịn ăn, nhịn uống, xuyên ngày, trắng đêm truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng, phong tỏa…

Họ không nhận được mặt nhau, biết tên nhau hay nhớ được nhau qua nụ cười, giọng nói. Tất cả chỉ nhìn, nhận và nhớ về nhau bằng nhiệm vụ, trách nhiệm qua bộ đồ bảo hộ mặc kín trên người. Chỉ cần nhìn thấy người mặc đồ bảo hộ, là biết ngay “đồng chí’, cùng chung nhiệm vụ trong thời điểm cấp bách, nóng bỏng đó.

Những ngày đi giữa tâm dịch, chứng kiến biết bao câu chuyện, bao nỗi niềm. Nhưng trên hết, là sự sẻ chia, đùm bọc giữa người với người, xóm làng với xóm làng, huyện gần đến huyện xa, tỉnh này đến tỉnh nọ… Sự đùm bọc, sẻ chia in đậm dấu ấn trong 2 chữ “đồng bào”. 

Hành động nhỏ thôi… là phần xôi buổi sáng, ly cà phê kịp cho cán bộ, nhân viên y tế lên đường truy vết; là chai nước, suất cơm nghĩa tình cho lực lượng đứng chốt; là khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ cho các lực lượng làm nhiệm vụ… Tất cả tự nhiên đến như tình yêu thương vĩnh hằng bao đời nay của người Việt! Tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc đã được minh chứng hàng năm qua biết bao thiên tai, bão lũ. Giờ càng được minh chứng, nhân lên trong đại dịch. Quả bầu, quả bí, bó rau, bao gạo… Tất cả được tự nhiên gom về, để tại một điểm nơi vùng phong tỏa, để rồi ai cần cứ lấy. Và họ chỉ lấy đủ dùng, luôn dành phần cho người khác.

Hình ảnh cụ già 80 tuổi, lưng còng, chống gậy đi từ vùng an toàn khoảng cách gần 10km, đến đầu điểm chốt phong tỏa, trao cho cán bộ nơi đây bó rau, con cá, chục trứng cùng lời gửi gắm “các con bồi dưỡng thêm, đặng giúp bà con dập dịch”… đã lay động lòng người. Hay như hình ảnh 2 em bé đập lợn đất gom từng đồng tiền mừng, đến trao tận tay cho người dân trong khu cách ly, chỉ để thêm chất tươi trong mỗi bữa cơm những ngày giãn cách…

Chung sức, đồng lòng còn ở lớp lớp người dân, cơ quan, đoàn thể. Khi cùng nhau xuống đồng gặt hái giúp bà con nông dân trong vùng phong tỏa; là con cá khô, hộp lạc rang trên từng chuyến xe nghĩa tình vào miền Nam những ngày dịch bùng đỉnh điểm nhất. Những ngày, mà khẩu hiệu “Vì miền Nam thân yêu” được căng tại hội trường, trên từng đoàn xe ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào với các tỉnh miền Nam, gợi nhớ lại một thời gian khó nhưng oanh liệt; khổ đau nhưng thấm đẫm nghĩa tình đồng bào…

Giờ thì… dịch vẫn đang còn và luôn chực chờ nguy cơ bùng phát. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, huy động tổng lực mọi nguồn lực để dập dịch, phục hồi kinh tế và bình ổn xã hội trong xu thế “bình thường mới”; vắc xin đã phủ khắp người dân các tỉnh thành, đã có thể miễn dịch cộng đồng theo tiêu chí, nhưng hơn bao giờ hết, “vắc xin ý thức” đã trở thành liều vắc xin quý giá nhất, mà Đảng - Nhà nước nhìn và trông cậy vào đó để cùng nhân dân chiến thắng đại dịch. 

Và sự thật, Việt Nam đã từng bước chiến thắng đại dịch. Không còn nghi ngờ mà có thể khẳng định, một ngày không xa, dịch bệnh sẽ ở lại sau lưng, sẽ chỉ còn là ký ức. Mà mỗi lần nhớ, ngẫm lại, không phải là sự đau thương, mà là hào khí của tinh thần đoàn kết, là nghĩa tình dân Việt!

Mẫn Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Bảo vệ pháp luật (https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nhung-ngay-di-giua-tam-dich-116842.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY