Tâm linh hôm nay

Những yếu điểm của tư tưởng duy thức (P.5 - HẾT)

Tướng của duy thức tức là cảnh giới của duy thức trong ba cõi và dụng của duy thức tức là sự sinh hoạt của duy thức trong ba cõi. Hành giả phải thông suốt tính chất, giá trị và ý nghĩa cảnh giới của duy thức biến hiện trong ba cõi và sự sinh hoạt của tám thức trong mỗi chúng sinh hữu tình trong ba cõi.

V/ Phương pháp tu tập duy thức quán

Phương pháp tu tập của duy thức quán là phương pháp chuyển hóa vọng tâm thành chân tâm, chuyển hóa tám thức thành bốn trí, chuyển hóa pháp tướng thành pháp tính, chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa cảnh giới ô trược sinh tử thành cảnh giới niết bàn tịch tịnh. Phương pháp tu tập của duy thức quán gồm có: Năm cấp bậc tu tập quán chiếu của duy thức, gọi là ngũ vị duy thức quán. Năm cấp bậc tu tập quán chiếu của duy thức là thuộc về duy thức hạnh (Thật hành pháp quán duy thức), nhằm mục đích để được chứng quả duy thức tính. Năm cấp bậc tu tập quán chiếu của duy thức gồm có: cấp bậc tư lương, cấp bậc gia hạnh, cấp bậc thông đạt, cấp bậc tu tập và cấp bậc cứu cánh.

1) Cấp bậc tư lương (Tư lương vị)

Tư lương nghĩa là những hành trang cần thiết trên con đường tu tập duy thức quán. Những hành trang cần thiết của cấp bậc tư lương trợ giúp cho hành giả tu tập để chuyển được tự chứng phần ý thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt. Muốn chuyển tự chứng phần ý Thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt, hành giả trước hết phải tu tập 30 ngôi vị Bồ Tát hạnh. 30 ngôi vị Bồ Tát hạnh này là phương pháp tu tập nhằm mục đích khai triển nơi tâm của hành giả ba năng lực thù thắng. Ba năng lực thù thắng gồm có: Tâm lực đa văn thù thắng, tâm lực quyết trạch thù thắng và tâm lực chư thiện căn thù thắng.

- Tâm lực đa văn thù thắng: Nghĩa là tâm mình có năng lực hiểu biết một cách thù thắng về nơi sự nghe thấy.

- Tâm lực quyết trạch thù thắng: Nghĩa là tâm mình có năng lực tuyển chọn tính chất, giá trị và ý nghĩa chân vọng, thiện ác, phải quấy, đúng sai của các pháp một cách thù thắng.

- Tâm lực chư thiện căn thù thắng: Nghĩa là tâm mình có năng lực thù thắng về nguồn gốc các pháp lành của phước đức và trí tuệ.

Hành giả hành trì mãi 30 ngôi vị Bồ Tát hạnh cho được thuần thục, nghĩa là hành trì đến khi nào được thâm nhập vào tâm (nhập tâm) và an trụ được trong tâm của mình (trụ tâm) thì lúc đó ba năng lực thù thắng nơi tâm thức của mình sẽ xuất hiện. Lúc bấy giờ hành giả sử dụng ba năng lực thù thắng đã đạt được quán chiếu tướng và dụng của duy thức để chuyển tự chứng phần ý thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt nhằm mục đích tín giải lý duy thức, phát tâm đại Bồ đề và bồi dưỡng pháp thân Như Lai...

30 ngôi vị Bồ tát hạnh: 10 trụ, 10 hạnh và 10 hồi hướng.

A. Mười ngôi vị trụ (thập trụ): Căn cứ nơi lục độ vạn hạnh sở dĩ được thành lập nhằm mục đích an trụ được tâm. Điều đáng chú ý 10 trụ đều được xây dựng trên 10 tín tâm gọi là thập tín vị. 10 trụ gồm có:

1. Sơ phát tâm trụ: Nghĩa là đầu tiên phát khởi đại tâm tu 10 tín hạnh:

a) Tín tâm: Nghĩa là phải đem tín tâm phụng sự Tam bảo.

b) Tinh tấn tâm: Nghĩa là phải đem tâm tinh thấn tu tập các thiện căn không cho gián đoạn.

c) Niệm tâm: Nghĩa là phải thường xuyên niệm Tam bảo, niệm lục độ vạn hạnh, niệm vô thượng Bồ đề không cho xao lãng.

d) Định tâm: Nghĩa là phải thường buộc tâm mình an trụ nơi sự tướng và nghĩa lý của Phật pháp một cách tự tại và xa lìa hẳn ý tưởng phân biệt về tất cả pháp giả dối, thô tục của thế gian.

e) Huệ tâm: Nghĩa là phải nên quán sát, xét đoán, cân nhắc một cách kỹ lưỡng về nghĩa lý tột cùng của vạn pháp để nhận chân được tự tính vốn không, tĩnh lặng, vô ngã, vô nhân của muôn pháp.

g) Giới tâm: Nghĩa là phải giữ gìn tam tụ tịnh giới cho được thanh tịnh, không được thiếu khuyết.

h) Hồi hướng tâm: Nghĩa là đem tâm nguyện của mình luôn luôn hướng về trên cầu Vô Thượng Bồ Đề và dưới cầu cứu độ tất cả chúng sinh.

i) Hộ pháp tâm: Nghĩa là đề phòng và bảo hộ bản tâm của mình không cho nó phát khởi phiền não. Muốn bảo hộ bản tâm của mình, hành giả phải:

- Tu tập mặc hộ (giữ gìn sự tĩnh lặng),

- Tu tập trí hộ (bảo hộ trí tuệ),

- Tu tập tức tâm hộ (giữ gìn tâm niệm đã dứt các phiền não)

Ngoài ra còn phải giữ gìn năm chủng hạnh:

- Thọ trì kinh pháp

- Đọc tụng kinh điển

- Giảng giải kinh luận

- Thuyết pháp kinh luận

- Viết sách Phật pháp

k) Xả tâm: Nghĩa là phải xả bỏ tâm niệm yêu tiếc sinh mạng và tài sản của mình. Hành giả nếu như đã được tài sản và thân mạng thì có thể bố thí xả bỏ khi cần đến mà không khởi tâm luyến tiếc hay hối tiếc.

l) Nguyện tâm: Nghĩa là phải đem tâm nguyện tu tập tứ hoằng thệ nguyện cho được viên thành. Tứ hoằng thệ nguyện gồm có:

- Chúng sinh không bờ mé thệ nguyện đều độ khắp.

- Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch.

- Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học.

- Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.

2. Trì địa trụ: Nghĩa là an trụ vào nơi sự hành trì, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh trong sáng như lưu ly (tâm không), phát huy tâm từ bi làm lợi ích đến tất cả loài hữu tình, khiến cho các công đức được sinh trưởng, cũng giống như đại địa có thể sinh vạn vật.

3. Tu hành trụ: Nghĩa là an trụ vào nơi sự tu hành, chuyên trì quán chiếu thù thắng về lý tính vạn pháp, phát khởi diệu hạnh lục độ đi du hành khắp nơi để hóa độ chúng sinh.

4. Sinh quý trụ: Nghĩa là nhờ diệu hạnh của tu hành trụ kết hợp được diệu lý nơi nội tâm, nương nơi các pháp của Thánh hiền làm nhân duyên tu tập phát sinh được hạt giống cao quý của Phật tính.

5. Phương tiện cụ túc trụ: Nghĩa là an trụ vào những thiện căn đã tu tập được đi tế độ quần sinh làm lợi ích cho mình và cho người.

6. Chánh tâm trụ: Nghĩa là an trụ vào bản tâm chân chính, tức là định tâm bất động giúp cho Bát Nhã thứ sáu của trí diệu quan sát sớm thành tựu viên mãn.

7. Bất thối trụ: Nghĩa là an trụ vào nơi chỗ nghe pháp thâm sâu tâm kiên cố không còn thối chuyển, tức là hành giả ngộ nhập được không giới vô sinh thuộc vô tướng của tính không chân như.

8. Đồng chơn trụ: Đồng chơn là non trẻ và trong sạch. Đồng chơn trụ nghĩa là an trụ vào thời kỳ thanh tịnh trong trắng của bản tâm, không cho tâm niệm phát khởi chút điên đảo mê tưởng, không cho dấy niệm tà ma ngoại đạo đi phá hoại hạt giống bồ đề.

9. Pháp vương tử trụ: Nghĩa là an trụ vào địa vị con của Phật (Pháp vương tử). Hành giả ở ngôi vị này đã phát sinh được trí tuệ từ nơi giáo pháp cao quý của Phật (Pháp vương), tỏ ngộ được chân đế và tục đế của vạn pháp, xứng đáng là trưởng tử của Phật, đồng thời có bổn phận đem ngôi vị của Phật truyền bá càng thêm rộng lớn.

10. Quán đảnh trụ: Nghĩa là một vị Bồ Tát đã an trụ được ngôi vị này trở thành con của Phật, đầy đủ ba biệt tướng:

- Có trí tuệ thấu hiểu tường tận và rành mạch tất cả pháp.

- Đạt được cảnh giới mầu nhiệm của Phật.

- Đủ khả năng thi hành phật sự rộng độ chúng sinh.

B/ Mười ngôi vị hạnh (Thập hạnh): Nghĩa là mười phương pháp tu hành về công hạnh lợi tha của Bồ Tát. Đây là hành trang trên con đường độ tha của Bồ Tát. Ở ngôi vị này, Bồ Tát thật hành hạnh lục độ lần lần đạt đến thù thắng. Mười hạnh gồm có:

1) Hoan hỷ hạnh: Nghĩa là Bồ Tát với hạnh nguyện hoan hỷ trên mưu cầu Phật Đạo dưới thương tưởng đến hữu tình, tận dụng diệu đức của Phật để tùy thuận hóa độ chúng sinh trong mười phương.

2) Nhiêu ích hạnh: Nghĩa là Bồ Tát dùng mọi phương tiện khéo léo làm lợi ích cho chúng sinh và khiến cho chúng sinh không bị mặc cảm trong sự thọ nhận lợi ích.

3) Vô sân hận hạnh: Nghĩa là Bồ Tát luôn luôn thể hiện hạnh nhẫn nhục với mọi công việc, tức là không bao giờ tỏ thái độ giận tức trước bất cứ nghịch cảnh nào và luôn luôn tỏ thể hiện đức khiêm cung với mọi người, không bao giờ có ý làm tổn hại đến ai cả.

4) Vô tận hạnh: Nghĩa là Bồ Tát phải phát tâm đại tinh tấn nguyện độ tất cả chúng sinh không cùng tận. Trên con đường độ sinh, Bồ Tát không chút giãi đãi, không chút chùn bước trước mọi khó khăn đưa đến.

5) Ly si loạn hạnh (Lìa si mê loạn tâm): Nghĩa là Bồ Tát phải thường an trụ chính niệm nơi pháp thế gian và xuất thế gian không cho tâm bị tán loạn. Bồ Tát đối với tất cả pháp môn đều thông minh sáng suốt, cho đến đối với vấn đề nhập thai, trụ thai và xuất thai không có chút si mê loạn tâm.

6) Thiện hiện hạnh (Khéo thật hành công hạnh hiện tại): Nghĩa là Bồ Tát đã thanh tịnh được ba nghiệp, rõ thấu được gốc rễ của các pháp hữu vi và vô vi, cho nên không bị ràng buộc, không bị chấp trước một pháp nào cả, nhưng vẫn không bỏ công hạnh giáo hóa chúng sinh.

7) Vô trước hạnh: Là công hạnh không nhiễm trước. Bồ Tát ở hạnh này thường cúng dường chư Phật để cầu pháp không nhàm chán. Bồ Tát đối với những pháp môn đã cầu học cũng thường dùng trí tuệ quán chiếu để nhận chân và không bao giờ khởi tâm nhiễm trước một pháp môn nào cả.

8) Tôn trọng hạnh: Nghĩa là Bồ Tát phải tôn trọng các pháp thuộc thiện căn phước đức và các pháp thuộc trí tuệ giác ngộ, nguyên vì hai pháp nói trên có thể thành tựu được vô lượng công đức an lạc và giải thoát. Bồ Tát tôn trọng hai pháp nói trên bằng cách cần phải tiến tu hai hạnh: tự lợi và lợi tha cho được viên mãn.

9) Thiện pháp hạnh: Nghĩa là Bồ Tát phải hoàn thành được bốn pháp môn vô ngại đà la ni của thiện pháp độ tha để bảo hộ chính pháp và khiến hạt giống Phật không bị diệt mầm. Bốn pháp môn vô ngại đà la ni gồm có:

- Pháp vô ngại: Nghĩa là tất cả pháp đều thông suốt.

- Nghĩa vô ngại: Nghĩa là tất cả nghĩa lý đều sáng tỏ.

- Từ vô ngại: Nghĩa là trình bày rất mạch lạc và văn pháp rất rõ ràng dễ hiểu.

- Nhạo thuyết vô ngại: Nghĩa là thuyết pháp mãi không bao giờ hết ý và hết lời.

10) Chân thật hạnh: Nghĩa là thành tựu ngôn ngữ đệ nhất nghĩa đế, nghĩa là Bồ Tát phải thật hành đúng như lời nói và lời nói đúng như thật hành, lời nói phải đi đôi với việc làm, cho đến sắc và tâm cũng phải hòa thuận tương đắc lẫn nhau, nên gọi là chân thật hạnh.

C/ Mười ngôi vị hồi hướng

Hồi hướng nghĩa là dùng tâm đại bi để cứu độ tất cả chúng sinh. Mười ngôi vị hồi hướng gồm có:

1. Cứu hộ nhứt thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng:

Hồi hướng là hướng về. Ly chúng sinh tướng là xa lìa danh tướng chúng sinh, nghĩa là không phân biệt chấp trước kẻ oán người thân. Cứu hộ nhứt thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng nghĩa là hướng về sự xa lìa danh tướng chúng sinh để cứu hộ tất cả chúng sinh. Một vị Bồ Tát cứu hộ tất cả chúng sinh trong tinh thần bình đẳng vô tướng, không phân biệt chấp trước kẻ oán người thân. Bồ Tát ở ngôi vị này là áp dụng phương châm sáu pháp ba la mật và bốn nhiếp pháp để cứu hộ tất cả chúng sinh. Sáu pháp ba mật gồm có:

- Bố thí ba la mật

- Trì giới ba la mật

- Tinh tấn ba la mật

- Nhẫn nhục ba la mật

- Thiền định ba la mật

- Trí tuệ ba la mật.

Bốn nhiếp pháp nghĩa là bốn phương pháp dùng để cảm hóa chúng sinh. Bốn nhiếp pháp gồm có:

- Bố thí: Nghĩa là dùng phương tiện bố thí để cảm hóa chúng sinh.

- Ái ngữ: Nghĩa là dùng lời nói dịu dàng thương yêu để cảm hóa chúng sinh.

- Lợi hành: Nghĩa là làm những việc lợi ích để cảm hóa chúng sinh.

- Đồng sự: Nghĩa là cùng làm chung một nghề nghiệp để cảm hóa chúng sinh.

2. Bất hoại hồi hướng: Nghĩa là hướng về sự không hư hoại. Bồ Tát ở ngôi vị này đã không làm mất tín tâm đối với Tam bảo và còn hướng về thiện căn nơi đức tin Tam bảo để giáo hóa và khiến cho chúng sinh được nhiều lợi lạc.

3. Đẳng nhứt thiết Phật hồi hướng: Nghĩa là hướng về những công hạnh mà chư Phật ba đời đã làm. Bồ Tát ở ngôi vị này theo gương chư Phật ba đời, bi trí song hành, không nhiễm trước sinh tử, không rời bồ đề một bước để tu tập.

4. Chí nhứt thiết xứ hồi hướng: Nghĩa là hướng về khắp tất cả chỗ. Bồ Tát ở ngôi vị này đem bao nhiêu thiện căn đã tu tập được hướng về khắp tất cả Tam bảo và đến tất cả chúng sinh để cúng dường những lợi ích.

5. Vô tận công đức tạng hồi hướng: Nghĩa là hướng về kho tàng công đức vô cùng tận. Bồ Tát ở ngôi vị này hướng về tất cả thiện căn không cùng tận đã tu tập được tùy hỷ đem ra phụng sự Phật pháp.

6. Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng: Nghĩa là hướng về thiện căn để tùy thuận một cách bình đẳng. Bồ Tát ở ngôi vị này vì chư Phật trong mười phương nên hướng về thiện căn đã tu tập được đi bảo vệ chúng sinh một cách bình đẳng và khiến họ thành tựu kiên cố những thiện căn nói trên.

7. Tùy thuận đẳng quán nhứt thiết chúng sinh hồi hướng: Nghĩa là tùy thuận hết thảy thiện căn đã tu tập được để hướng về quán chiếu tất cả chúng sinh. Bồ Tát ở ngôi vị này làm tăng trưởng hết thảy thiện căn để hướng về làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

8. Như tướng hồi hướng: Nghĩa là hướng về nơi tướng chân như. Bồ Tát ở ngôi vị này đã thành tựu chính niệm chính trí, an trụ bất động, không trái với chính pháp bình đẳng hướng về hòa hợp với tướng chân như Phật tính.

9. Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng: Nghĩa là hướng về sự giải thoát không bị trói buộc và không chấp trước. Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ hướng về các thiện pháp để thật hành hạnh nguyện Phổ Hiền, thành tựu những hạt giống công đức, cho nên không còn bị trói buộc, không còn chấp trước tất cả pháp.

10. Pháp giới vô lượng hồi hướng: Nghĩa là hướng về vô lượng pháp giới. Bồ Tát ở ngôi vị này đem tất cả thiện căn không cùng tận đã tu tập được hướng về nguyện cầu cho vô lượng thế giới sai biệt đều được hết thảy công đức.

Hành giả sau khi thực tập hoàn tất 30 ngôi vị tu tập của Bồ Tát hạnh một cách thuần thục liền sử dụng ba năng lực thù thắng nói trên quán chiếu tướng và dụng của duy thức để chuyển tự chứng phần ý thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt với những phương thức sau đây:

a) Quán chiếu tướng và dụng của duy thức:

Tướng của duy thức tức là cảnh giới của duy thức trong ba cõi và dụng của duy thức tức là sự sinh hoạt của duy thức trong ba cõi. Hành giả phải thông suốt tính chất, giá trị và ý nghĩa cảnh giới của duy thức biến hiện trong ba cõi và sự sinh hoạt của tám thức trong mỗi chúng sinh hữu tình trong ba cõi, nghĩa là:

1. Phải thông suốt trong ba cõi, cảnh giới nào thuộc về vọng hiện của thế giới chân như pháp tính và cảnh giới nào thuộc về nghiệp duyên của thế giới vọng hiện. Theo Bát Thức Quy Củ Tụng của Thích Thắng Hoan, trang 20 giải thích: “Những thế giới vô sắc phần nhiều là thế giới vọng hiện của thế giới chân như lưu xuất và cũng là nền tảng của thế giới nghiệp duyên sinh khởi. Thế giới nghiệp duyên chính là những thế giới sắc giới và những thế giới này được phát sinh là do những thế giới vọng hiện của vô sắc tạo nghiệp thành. Còn những thế giới dục giới cũng là loại thế giới nghiệp duyên và những thế giới này được phát sinh là do những thế giới sắc giới tạo nghiệp bằng cách cô đọng những sắc uẩn kết hợp thành hình”.

2. Trong Tám thức tâm vương, phải thông suốt những cảnh giới nào nơi ba cõi thuộc tướng phần của thức nào gây tạo và giá trị của những cảnh giới tướng phần nói trên do kiến phần của tám thức tâm vương gây tạo bằng cách nào.

3. Trong Tám thức tâm vương, phải thông suốt những thức nào có mặt trong những chúng sinh vô tình và những thức nào có mặt trong những chúng sinh hữu tình. Sự sinh hoạt như thế nào của những tâm thức trong các chúng sinh hữu tình cũng như trong các chúng sinh vô tình. Người nào thông suốt tính chất, giá trị, ý nghĩa tướng và dụng của duy thức qua những điều kiện nói trên là người đó đã trang bị được tư lương thứ nhất của duy thức hạnh.

b) Nhiếp phục phiền não chướng và sở tri chướng:

Phiền não chướng: Nghĩa là những phiền não làm chướng ngại cho sự giác ngộ. Sở tri chướng nghĩa là chỗ để hiểu biết (đối tượng) mang tính chất ảo giác (Illusions) và điên đảo vọng tưởng làm trở ngại cho sự giác ngộ. Theo duy thức học, trong mỗi con người các phiền não làm chướng ngại gồm có 26 loại thường gọi là 26 tâm sở phiền não. 26 tâm sở phiền não này được chia làm hai nhóm: Một nhóm gọi là căn bản phiền não và một nhóm gọi là tùy phiền não. 26 phiền não này thường làm trở ngại cho sự hiểu biết chân chính của con người. (Xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 252-253). Muốn nhiếp phục hai loại chướng ngại này, hành giả phải áp dụng phương pháp trị liệu qua sự tu tập (Xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 227 cùng một tác giả).

Hành giả muốn nhiếp phục và phiền não chướng và sở tri chướng, trước hết nhiếp phục phiền não chướng và sau đó sở tri chướng tự nhiên nhiếp phục được ngay, nguyên do sở tri chướng trở nên ảo giác và điên đảo vọng tưởng đều do phiền não chướng lên ngôi chỉ đạo trong sự tri thức vạn pháp.

Để áp dụng phương pháp trị liệu qua sự tu tập nhiếp phục phiền não chướng, hành giả phải luyện tập phương pháp nội quán. Nội quán là phương pháp quán chiếu bên trong nội tâm. Nội tâm A Lại Da là kho chứa tất cả hạt giống vạn pháp, nhưng người quản lý (chấp trước) những hạt giống đó trong nội tâm A Lại Da chính là tâm thức Mạt Na. Muốn xóa bỏ những hạt giống bất thiện trong nội tâm A Lại Da phải nhờ đến tâm thức Mạt Na thực hiện, ngoài tâm thức Mạt Na không ai có khả năng thay thế. Muốn quán chiếu nội tâm, phải theo phương pháp sau đây:

1. Quán chiếu sau khi hoàn tất công thức thiền chỉ.

2. Thay vì ngoại quán, nghĩa là quán những đối tượng bên ngoài mà ở đây quán những đối tượng bên trong nội tâm A Lại Da.

3. Muốn quán những đối tượng bên trong nội tâm A Lại Da, phải đóng nhãn căn lại nghĩa là phải nhắm hai con mắt lại để tạo màn ảnh trong sáng. Màn ảnh trong sáng nghĩa là màn ảnh không còn đen tối mờ đục nữa.

4. Thay vì ý thức thứ sáu nhớ lại những cảnh đối tượng bên trong nội tâm A La Lại Da mà ở đây Nhãn thức quán chiếu thấy trực tiếp được những cảnh đối tượng của ý thức thứ sáu đang nhớ lại.

5. Ý thức thứ sáu thực tập quán chiếu đến khi nào muốn thấy những cảnh đối tượng gì bên trong nội tâm A lại Da liền thấy ngay lập tức, thấy một cách tự tại tự nhiên là lúc đó chứng tỏ ý thức thứ sáu làm chủ được và điều khiển được thức Mạt Na thứ bảy theo ý mình muốn.

6. Chừng đó ý thức thứ sáu điều khiển thức Mạt Na thứ bảy trực tiếp điều phục những phiền não chướng theo phương pháp trị liệu qua sự tu tập đã đề cập ở trên trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 227 cùng một tác giả, nguyên vì thức Mạt Na thứ bảy chính là tâm thức quản lý tất cả chủng tử thiện ác trong kho chứa thức A Lại Da. Hành giả nào nhiếp phục được phiền não chướng và sở tri chướng và tinh thông được tính chất cũng như giá trị của những chủng tử trong sự sinh diệt lưu chuyển là người đó đã trang bị được tư lương thứ hai của duy thức hạnh.

c) Giải trừ chấp trước:

Muốn giải trừ chấp trước về ngã pháp để chứng được duy thức tính, hành giả sử dụng trí tuệ hữu phân biệt của tự chứng phần ý thức thứ sáu sau khi chứng đắc thập hồi hướng liền quán chiếu ngã pháp qua phương pháp tam tính và tam vô tính (tam tính và tam vô tính đã được giải thích rõ trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 189 và 317 cùng một tác giả) và quán chiếu đến khi nào thấy rõ chỗ dung thông không sai biệt của các pháp môn tu tập, thông suốt chỗ viên dung vô ngại của lý sự, của tính tướng các pháp, thể hiện được đức tính thân giáo, khiêm cung, bình dị chính là người giải trừ được bệnh chấp trước ngã pháp và cũng là người trang bị được tư lương thứ ba về duy thức hạnh.

Tóm lại ngôi vị tư lương nhằm xây dựng thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng với mục đích:

- Trang bị sự tinh thông về tướng và hạnh của duy thức

- Nhiếp phục phiền não chướng và sở tri chướng

- Giải trừ chấp trước về ngã và pháp

- Phát huy trí tuệ hữu phân biệt của tự chứng phần ý thức thứ sáu để quán chiếu duy thức tính.

Nhưng ngôi vị tư lương này chỉ là trang bị mà chưa phải là ngôi vị an trụ duy thức tính, nguyên vì chưa diệt được hai tướng nhị thủ năng và sở.

2. Cấp bậc gia hạnh (Gia hạnh vị):

Gia hạnh vị: Là ngôi vị gia công thật hành duy thức quán. hành giả nương theo năng lực của thập hồi hướng tiến tu tứ gia hạnh để phát khởi trí tuệ vô lậu tự chứng phần của thức Mạt Na thứ bảy. Trí tuệ hữu phân biệt tự chứng phần của ý thức thứ sáu phối hợp với năng lực thập hồi hướng quán chiếu chiều sâu tứ tầm tư để thấy rõ các pháp hữu lậu đều là hư giả không có tự tính để phát huy trí tuệ vô lậu tự chứng phần của thức Mạt Na thứ bảy và khiến cho trí tuệ vô lậu này đạt được chân kiến đạo của bậc sơ địa Bồ Tát hạnh. Tứ gia hạnh gồm có: Noãn, đảnh, nhẫn và thế đệ nhất.

a) Noãn vị: Nghĩa là ở ngôi vị này, hành giả nổ lực sử dụng trí tuệ hữu phân biệt của ý thức thứ sáu chuyên cần quán chiếu giản trạch tính không của các pháp nơi ngoại cảnh:

- Tính không nghĩa là tính chất không của các pháp thuộc biến kế sở chấp do ý thức xây dựng nên.

- Tính chất không của các pháp thuộc y tha khởi do thức A Lại Da xây dựng nên.

- Trong các pháp y tha khởi loại nào thuộc biến kế sở chấp.

- Tính chất ngũ ấm và ngũ uẩn từ đâu sinh ra. (Muốn rõ vấn đề này hãy xem quyển “Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức” cùng một tác giả.

- Tính chất sắc ấm hay sắc uẩn, một trong ngũ Ấm hay trong Ngũ Uẩn từ đâu sinh ra hãy xem “Nguyên Lý Tứ Đại” trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 214 cùng một tác giả thì sẽ rõ.

Hành giả sử dụng trí tuệ hữu phân biệt quán chiếu đến khi nào thông suốt những điều kiện trên chính là người đạt được chân kiến đạo (thấy được đạo chân chính) và lúc đó sức ấm của ánh sáng trí tuệ vô lậu tự chứng phần thức Mạt Na thứ bảy bắt đầu xuất hiện cũng giống như người xưa dùng cây khô cọ sát để lấy lửa.

b) Đảnh vị: Nghĩa là quán chiếu tính chất cuối cùng của các pháp gọi là đảnh vị. Ở giai đoạn này hành giả tiếp tục quán chiếu nguyên lý không của những cảnh sở thủ thuộc biến kế sở chấp trong nội tâm. Cảnh sở thủ gồm có hai phần: Nghiệp lực tập khí và nghiệp tướng tập khí, gọi chung là nhị thủ tập khí.

- Tính chất không của những chủng tử cảnh giới và nghiệp lực tập khí hữu lậu đã được thâu nhập vào nội tâm A Lại Da và sự quan hệ của những chủng tử này đóng địa vị quan yếu như thế nào trong sự sinh khởi vạn pháp nơi thế giới ngoại cảnh.

- Tính chất không của những chủng tử vô lậu quan hệ trong sự duyên khởi vạn pháp nơi thế giới ngoại cảnh.

Hành giả quán chiếu đến khi nào thông suốt những điều kiện trên chính là người đã khiến cho trí tuệ vô lậu tự chứng phần của thức Mạt Na thứ bảy tăng trưởng của tính không, cũng như người xưa lấy được lửa qua sự cọ sát thân cây khô để nấu nướng.

c) Nhẫn vị: Là ngôi vị quán chiếu tứ tầm tư của những cảnh sở thủ và tâm năng thủ để phát khởi trí tuệ chân kiến đạo (trí tuệ thấy đạo chân chính).

Tứ tầm tư: Tứ nghĩa là bốn. Tầm nghĩa là tìm kiếm, tìm hiểu. Tư nghĩa là tư duy, là quán chiếu. Tứ tầm tư nghĩa là bốn lĩnh vực quán chiếu và tìm hiểu tính chất, giá trị và ý nghĩa của các pháp trong thế gian. Tứ tầm tư gồm có bốn lĩnh vực: Danh, nghĩa, tự tính và sai biệt. Đây là phương pháp quán chiếu nhằm giản trạch danh, nghĩa, tự tính, Sai Biệt của các pháp với mục đích xa lìa hai tướng: Tâm năng thủ và cảnh sở thủ để cho trí tuệ chân kiến đạo được xuất hiện từ nơi nội tâm. Tứ tầm tư được giải thích như sau:

1) Danh: Gọi cho đủ là danh xưng, nghĩa là tên gọi của các pháp. Danh xưng của các pháp là những từ ngữ do người đời đặt ra để dán nhãn hiệu cho các pháp dễ phân biệt, danh xưng Nguyễn Thị A, Trần Văn B... bông hoa hồng, bông hoa lan, bông hoa huệ... xe Honda, xe Toyota, xe Ford... Danh xưng của các pháp đều thuộc về loại tùy thuyết nhân, một trong mười nhân của duy thức học. Tùy thuyết nhân nghĩa là một pháp nào đó tùy (Tùy) theo sự cảm nhận của chúng sinh rồi sau đó tưởng tượng đặt (Thuyết) cho một tên gọi để dễ phân biệt làm nguyên nhân (Nhân).

Danh xưng của các pháp gồm có hai loại: Một loại danh xưng do người đời tưởng tượng đặt ra theo nhu cầu sinh hoạt trong xã hội để gọi và một loại danh xưng do các bậc chứng ngộ phương tiện thiết lập để định hướng chân giả phân minh dành cho các hàng đệ tử về sau tu tập khỏi bị lầm lạc trên con đường giải thoát. Hành giả quán chiếu tìm hiểu tính chất, giá trị và ý nghĩa của hai loại danh xưng này để minh định rõ loại danh xưng nào nên xóa bỏ và loại danh xưng nào nên nương tựa để tìm nguồn.

Hành giả nên biết rằng, danh xưng do các bậc chứng ngộ phương tiện thiết lập, như danh xưng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ Tát Quán Thế Âm,..v..v... mặc dù giả danh nhưng rất cần thiết cho các nhà tu tập nương tựa quán chiếu để tìm nguồn pháp thân của các ngài từ chân tâm thể hiện, cũng giống như chúng ta nhắc đến danh xưng Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa,..v..v...... mặc dù giả danh, nhưng hình tướng của các ngài từ trong tâm thức A Lại Da lập tức xuất hiện theo danh xưng đó.

2. Nghĩa: Gọi cho đủ là danh nghĩa. Danh nghĩa bao gồm cảnh danh xưng hay danh tướng và nghĩa vụ hay ý nghĩa (mục đích). Nghĩa còn có tên nữa là sự vật. Danh nghĩa của một sự vật được thiết lập có nghĩa vụ phù hợp với danh tướng, như người máy (robot) được kiến lập đúng với danh tướng là hình tướng giống con người và đúng với nghĩa vụ là sinh hoạt thay thế một phần chức năng của con người; như bông hồng nylon bằng chất nhựa,..v..v... được kiến lập đúng với danh tướng bông hồng thiệt và đúng với nghĩa vụ là thay thế bông hồng thiệt trang trí cho đẹp nhà cửa phòng xá.

Các sự vật khác như nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, thành phố, đường xá,.v.v... cũng giống như thế, nghĩa là cũng được kiến lập đúng với danh tướng và nghĩa vụ của chúng. Danh nghĩa có hai loại, một loại do ý thức xây dựng thuộc biến kế sở chấp và một loại do thức A Lại Da xây dựng thuộc y tha khởi.

a. Loại do ý thức xây dựng cũng có hai dạng: một dạng do ý thức căn cứ theo danh tướng của sự vật y tha khởi làm mẫu mực để xây dựng, như người máy, bông nylon, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, thành phố, đường xá,.v.v... xây dựng nên đúng với nghĩa vụ; một dạng do ý thức căn cứ theo danh xưng xây dựng nên, như Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Bố Tát Quán Thế Âm,.v..v... chỉ căn cứ theo danh xưng xây dựng nên hình tượng đúng với ý nghĩa.

b. Loại do thức A Lại Da xây dựng cũng có hai dạng: Một dạng do thức A Lại Da căn cứ theo danh nghĩa chủng tử biến kế sở chấp trong nội tâm xây dựng nên hiện tượng duyên sinh trong thế gian và một dạng do thức A Lại Da can cứ theo danh nghĩa của thế giới chân như pháp tính xây dựng nên hiện tượng trong ba cõi phàm thánh đồng cư độ. Phàm thánh đồng cư độ, nghĩa là trong cõi phàm có cõi thánh (Pháp giới tính) nằm phía bên trong, trong nhục thân có Phật thân (Phật tính), trong nước đục có nước trong.

Nhưng cõi phàm riêng cõi phàm và cõi thánh riêng cõi thánh, nhục thân riêng nhục thân và Phật thân riêng Phật thân tuy lẫn lộn nhau, nhưng không ô nhiễm với nhau, cũng như dòng điện trong những bóng đèn màu sắc, nghĩa là bóng đèn có màu sắc, nhưng dòng điện không có màu sắc. Thế giới pháp tính hay Phật Thân được thâu nhỏ lại tùy theo cõi phàm, tùy theo nhục thân của chúng sinh, cho nên Kinh Phật thường nói: “Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo" hay "Đồng viên chủng trí”.

3. Tự tính: Tự tính của các pháp duyên sinh gọi là tự tính giả lập. Tự tính của các pháp duyên sinh đều nương nơi kiến phần thức A Lại Da để sinh khởi, để tồn tại, không có kiến phần thức này xây dựng và hiện hữu để duy trì sự sống còn thì các pháp không thể hiện hữu trong thế gian. Hành giả quán chiếu tìm hiểu tự tính của các pháp duyên sinh từ đâu sinh ra và kiến phần thức A Lại Da thiết lập bằng cách nào để thành hình và duy trì sinh mạng như thế nào để tồn tại trong thế gian chính là hành giả quán thông được nguyên lý của duy thức học trên lĩnh vực duyên sinh.

4. Sai biệt: Quán chiếu sự sai biệt của các pháp duyên sinh, nghĩa là quán chiếu tìm hiểu nguyên nhân nào tạo nên hình tướng khác nhau của vạn pháp và do những điều kiện gì đưa đến sự sinh hoạt sai biệt nhau của vạn pháp duyên sinh. Theo Luật nhân quả nghiệp báo, vạn pháp trên hiện tượng duyên sinh có bao nhiêu hình tướng không giống nhau thì nguồn gốc của chúng nhất định phải có bấy nhiêu nguyên nhân sai biệt nhau và vạn pháp trong thế gian có bao nhiêu sự cảm thọ khác nhau thì nguồn gốc của chúng nhất định cũng phải có bấy nhiêu điều kiện không giống nhau. Hành giả thấu triệt tinh tường những điều kiện nêu trên là đã dung thông được nguyên lý của vạn pháp trên lĩnh vực duyên sinh.

d) Thế đệ nhất: Nghĩa là trong các pháp hữu lậu thế gian (Thế) có Thánh pháp vô lậu chân chính tối thượng (Đệ nhất). Hành giả ở nơi bậc này tiếp tục quán chiếu nhị không (ngã pháp đều không) không cho gián đoạn, quán chiếu mãi đến khi nào Thánh pháp vô lậu chân chính tối thượng phát sinh liên tục không ngừng và hành giả phải thực tập quán chiếu một cách thuần thục, nghĩa là hành giả lúc nào quán chiếu thì Thánh pháp nói trên tự nhiên xuất hiện dễ dàng thế là hành giả chuyển Thức thành được Trí tuệ vô lậu, cũng như người nghe đài phát thanh, bắt đúng tần số thì âm thanh của đài phát ra liên tục không ngừng. Hành giả quán chiếu được như thế đã bước vào ngưỡng cửa chân kiến đạo của bậc sơ địa, một trong Thập Địa Bồ Tát thuộc cấp bậc thông đạt.

Tóm lại hành giả tu tập tứ gia hạnh nhằm phát huy trí tuệ vô lậu của tự chứng phần thức mạt na thứ bảy và nương vào pháp quán tứ tầm tư khiến cho trí tuệ vô lậu nói trên tăng trưởng để thấy:

- Vạn pháp thuộc hữu lậu đều giả, không có tự tính

- Tất cả chủng tử đều hữu lậu

- Vạn pháp hiện hành đều mang tính chất duyên sinh do kiến phần thức A Lại Da xây dựng (Y tha khởi).

Hành giả nên biết thêm rằng: Lục Độ Ba La Mật nơi cấp bậc Tư Lương nhằm chuyển tự chứng phần ý thức thành trí tuệ hữu lậu phân biệt (trí diệu quan sát). Còn nơi cấp bậc Gia Hạnh, hành giả tu tập nhằm chuyển tự chứng phần thức mạt na thành trí tuệ vô lậu phân biệt (Trí bình đẳng tính). Tiếp theo đó hành giả sử dụng trí tuệ hữu lậu phân biệt của ý thức phối hợp với năng lực trí tuệ vô lậu phân biệt của thức Mạt Na quán chiếu chiều sâu tứ tầm tư khiến cho Thánh pháp vô lậu chân chính tối thượng xuất hiện, nguyên vì thức Mạt Na làm căn sở y của ý thức sinh hoạt. Hành giả tu tập quán chiếu đạt được như đã nói trên đây chính là đã bước vào ngưỡng cửa chân kiến đạo nơi cấp bậc thông đạt.

3. Cấp bậc thông đạt (Thông đạt vị):

Ngôi vị thông đạt là cấp bậc thông suốt và đạt đạo nguyên lý trung đạo duyên khởi của nhị không chân như, nghĩa là thể nhập và lĩnh hội (liễu tri) được nguyên lý này qua duy thức tướng mà nó không phải đích thực của duy thức tính. Trung đạo duyên khởi của nhị không chân như, nghĩa là khi quán chiếu thể tính của vạn pháp, pháp Thân của Phật tính và cảnh sở y của pháp tính nơi pháp thân thể hiện không qua tướng phần (cảnh sở thủ) và kiến phần (tâm năng thủ), đó là nguyên lý trung đạo duyên khởi của nhị không chân như.

Pháp thân của Phật tính và cảnh sở y của pháp tính nơi pháp thân thuộc nguyên lý trung đạo duyên khởi nói trên thì hoàn toàn không phải ngã tướng của tâm năng thủ và không phải pháp tướng của cảnh sở thủ. Ngã tướng của tâm năng thủ và pháp tướng của cảnh sở thủ đều thuộc về kiến phần và tướng phần của nghiệp tướng thì không thực thể đều do duy thức biến hiện. Riêng pháp thân của Phật tính và cảnh sở y của pháp tính nơi pháp thân thì chân thật bất hư đều do tâm chân như thể hiện.

Hành giả muốn thông đạt nguyên lý Trung đạo duyên khởi này cần phải phát huy cho được trí tuệ vô sở đắc của tự chứng phần thức A Lại Da xuất hiện và dùng trí tuệ này phối hợp với trí tuệ hữu phân biệt của tự chứng phần ý thức thứ sáu quán chiếu thể tính của vạn pháp từ nhị không và quán chiếu đến khi nào thấy được nguyên lý trung đạo duyên khởi thể hiện từ chân như pháp tính. Hơn nữa hành giả muốn phát huy cho được trí tuệ vô sở đắc của tự chứng phần thức A Lại Da, trước tiên phải tu tập bậc sơ địa cho được nhập tâm (cho được nằm lòng nhuần nhuyễn). Bậc sơ địa là một trong thập địa và nó cũng gọi là hoan hỷ địa. Hoan hỷ địa nghĩa là Bồ Tát ở ngôi vị này rất vui mừng đã chứng được Phật tính cũng như đã giác ngộ được hai nguyên lý nhân không và pháp không để làm lợi ích cho chúng sinh.

Tóm lại, hành giả muốn hoàn thành cấp bậc thông đạt, trước hết phải tu tập bậc sơ địa cho được thâm nhập và nhờ đó trí tuệ vô sở đắc của tự chứng phần thức A Lại Da xuất hiện. Sau đó hành giả dùng trí tuệ vô sở đắc này phối hợp với trí tuệ hữu phân biệt của ý thức thứ sáu quán chiếu trung đạo duyên khởi của nhị không chân như và quán chiếu đến khi nào tướng kiến đạo của trung đạo duyên khởi xuất hiện, thế là hành giả đã đạt được chân kiến đạo của cấp bậc thông đạt.

4. Cấp bậc tu tập (Tu tập vị):

Nơi cấp bậc tu tập, hành giả bắt đầu tu tập ly cấu địa thứ hai cho đến pháp vân địa thứ mười của Thập Địa Bồ Tát cho được thuần thục khiến trí tuệ vô sở đắc của tự chứng phần thức A Lại Da tăng trưởng đến siêu diệt. Thập Địa Bồ Tát gồm có:

- Hoan Hỷ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này rất vui mừng đã chứng được Phật tính cũng như đã giác ngộ được hai nguyên lý nhân không và pháp không để làm lợi ích cho chúng sinh.

- Ly Cấu Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đầy đủ giới thể thanh tịnh nên đã tẩy sạch hết bụi nhơ phiền não ô nhiễm và giữ tâm Bồ Đề được hoàn toàn thanh tịnh.

- Phát Quang Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ đại thiền định nên phát sinh được trí tuệ sáng suốt mầu nhiệm vô biên.

- Diễm Huệ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này phát huy ngọn lửa trí tuệ càng thên sáng lên mãi và phát huy đến khi nào lửa trí tuệ này đốt sạch hết tất cả phiền não của vô lượng kiếp trong tâm bồ đề.

- Nan Thắng Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã thành công những điều khó vượt qua là khiến hai trí tuệ Chân Đế và Tục Đế mâu thuẩn nhau trở thành hòa hợp nhau thành một thể.

- Hiện Tiền Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này giữ vững trí tuệ hữu phân biệt để soi sáng mười hai nhân duyên và chư hành lưu chuyển khiến cho trí tuệ vô phân biệt của Phật hiện ra trước mặt một cách rõ ràng.

- Viễn Hành Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã vượt qua khỏi xa thẩm của những đạo thế gian và nhị thừa xuất thế gian, nghĩa là tự tại không bị ràng buộc những hình tướng khuôn mẫu, những hình thức tu tập của những đạo nói trên.

- Bất Động Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ vận dụng liên tục trí tuệ vô phân biệt của Phật Trí nên không bị lay chuyển bởi những phiền não cuốn trôi và cũng không bị biến động theo những hình tướng, những công dụng hấp dẫn của thế gian.

- Thiện Huệ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ phát chiếu trí tuệ vô phân biệt một cách vi diệu và tự tại cho nên thành tựu được bốn biện tài vô ngại để thuyết pháp độ sinh. Bốn biện tài vô ngại gồm có:

a) Pháp vô ngại: Nghĩa là tất cả pháp Phật đều thông suốt.

b) Nghĩa vô ngại: Nghĩa là tất cả nghĩa lý đều sáng tỏ.

c) Từ vô ngại: Nghĩa là trình bày rất mạch lạc và văn pháp rất rõ ràng dễ hiểu.

d) Nhạo thuyết vô ngại: Nghĩa là thuyết pháp mãi không bao giờ hết ý và hết lời.

Nhờ bốn biện tài vô ngại này, Bồ Tát thuyết pháp rất lưu loát, nói năng rất khéo léo và linh hoại, trong bất cứ trường hợp nào không bị vấp ngã.

- Pháp Vân Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã chứng được pháp thân thanh tịnh và dùng đại trí kết hợp vô lượng công đức tạo thành đám mây đại pháp trong sạch, che khắp cả vô lượng quốc độ và tươi mát cả muôn loài chúng sinh.

Sau khi trí tuệ vô sở đắc nói trên tăng trưởng siêu việt, hành giả sử dụng trí tuệ này phối hợp với trí tuệ hữu phân biệt của tự chứng phần ý thức thứ sáu quán chiếu ngũ trùng duy thức quán để chuyển hóa toàn diện chứng tự chứng phần của tám thức tâm vương để tự chứng phần tám thức biến thành bốn trí (Trí thành sở tác, trí diệu quan sát, trí bình đẳng tính và trí đại viên cảnh).

Ngũ trùng duy thức quán: Nghĩa là năm lớp quán chiếu để đạt đến chỗ cứu cánh của nguyên lý duy thức tính. Ngũ trùng duy thức quán gồm có:

a) Khiển hư tồn thật: Nghĩa là loại bỏ những pháp hư giả thuộc biến kế sở chấp và lưu lại những pháp hiện thật thuộc y tha khởi và thuộc viên thành thật.

b) Xả lạm lưu thuần: Nghĩa là xả bỏ những cảnh giới hỗn tạp (Lạm) chủ quan và chỉ lưu lại những cảnh giới thuần túy khách quan. Những cảnh giới hỗn tạp chủ quan nghĩa là những cảnh giới y tha khởi duyên sinh không thuần chất với hình thức tướng phần được xuất hiện từ nơi những cảnh giới chủng tử ảo giác do duy thức tướng chủ quan (Kiến phần thức A Lại Da) xây dựng nên. Còn những cảnh giới thuần túy khách quan chính là những cảnh giới thuần túy pháp tính thanh tịnh do duy thức tính (Tạng Như Lai) hiện khởi và những cảnh giới này được gọi là cảnh giới viên thành thật tính. Trọng tâm của phương pháp quán này là tận dụng trí năng để đạt đến trạng thái tâm và cảnh hòa hợp, lý sự không hai, nghĩa là ngoài tâm không cảnh, ngoài lý không sự, ngoài tính không tướng.

c) Nhiếp mạt quy bổn: Là bỏ ngọn ngành trở về cội gốc. Bỏ ngọn ngành là loại bỏ kiến phần của tâm thức và tìm về tự chứng phần của tâm thức. Người tu duy thức quán phải tìm cho ra nguồn gốc phát sinh ra tự chứng phần của tám tâm thức. Người nào liễu ngộ được nguyên lý này là người thành công trong việc nhiếp mạt quy bổn.

d) Ẩn liệt hiển thắng: Là làm mất dạng phần yếu kém và hiển bày phần thù thắng. Phần yếu kém ở đây là chỉ cho 25 tâm sở còn lại và 25 tâm sở này gồm có: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 11 thiện, và 4 bất định. Phần thù thắng là chỉ cho tự chứng phần (chủng tử) của tám thức tâm vương. Bấy lâu nay tự chứng phần của tám thức tâm vương luôn luôn bị các tâm sở bao che, khống chế và ngăn cách trong mọi sự sinh hoạt nhận thức, nhất là 5 tâm sở biến hành và 5 tâm sở biệt cảnh không cho tám thức tâm vương hiểu biết trực tiếp vạn pháp.

Hành giả muốn tự chứng phần của tám thức tâm vương được tự do hiển bày diệu dụng thù thắng trực tiếp hiểu biết vạn pháp phải sử dụng trí tuệ vô sở đắc của tự chứng phần thức A Lại Da được phát sinh từ nơi thập địa khiến 25 tâm sở còn lại tìm ẩn mất dạng luôn trong tạng thức. Đây là pháp quán ẩn liệt hiển thắng của ngũ trùng duy thức quán.

e) Khiển tướng chứng tính: Khiển tướng là loại bỏ duy thức tướng của y tha khởi để chứng nhập chứng nhập duy thức tính của viên thành thật. Viên thành thật tính chính là bản thể chân như mầu nhiệm của thế giới pháp tính và tất cả thế giới này đều do duy thức tính mang tên tạng Như Lai hiện khởi làm cảnh giới sở y của chư Phật an trụ.

Sau khi chuyển hóa được tám tâm thức thành bốn trí, hành giả trước hết sử dụng bốn trí chuyển hóa chủng tử của hai quả chuyển y còn lại trong tạng thức: Nghĩa là chuyển hóa tất cả chủng tử phiền não chướng và sở tri chướng thuộc y tha khởi thành đại Niết bàn và thành đại bồ đề; nguyên vì tất cả chủng tử phiền não chướng và sở tri chướng sỡ dĩ hiện hữu trong tạng thức là do chúng sinh mê vọng sinh khởi, mà nếu như chúng sinh giác ngộ giải thoát thì chủng tử phiền não chướng trở thành đại Niết bàn và chủng tử sở tri chướng trở thành đại bồ đề, cũng như mưa gió chỉ độc hại đối với những người bệnh hoạn mà không độc hại đối với những người khỏe mạnh. Khi chuyển hóa được bốn trí, hành giả đã chứng được quả vị đẳng giác của Bồ Tát

Đại Thừa và lúc đó hành giả tiếp tục quán chiếu để chuyển hóa chủng tử của hai quả chuyển y nói trên cho được thanh tịnh, nghĩa là hành giả chuyển hóa đến mức độ thuần tục tự tại không còn cảm thấy khó khăn trong khi quán chiếu thế là hành giả đã thành công nơi ngôi vị tu tập.

5. Cấp bậc cứu cánh (Cứu cánh vị):

Cấp bậc cứu cánh là quả vị rốt ráo viên mãn của cảnh giới viên thành thật tính và cũng gọi là cảnh giới duy thức tính. Cảnh giới này chính là cảnh giới vô lậu thanh tịnh của đại bồ đề Niết bàn thuộc lĩnh vực thế giới chân như. Cảnh giới viên thành thật tính, theo duy thức học của Hòa thượng Thích Thiện Hoa gồm có:

1. Bất tư nghị: Nghĩa là cảnh giới này không thể dùng trí suy nghĩ hay lời nói luận bàn được”.

2. Thiện: Nghĩa là cảnh giới này đã xa lìa hết các pháp nhiễm ô, bất thiện”.

3. Thường: Nghĩa là cảnh giới này thường còn, tột đến đời vị lai, không có cùng tận”.

4. An lạc: Nghĩa là cảnh giới này rất thanh tịnh vui vẻ, không có các điều khổ não bức bách”.

5. Giải thoát thân: Nghĩa là những bậc ở cảnh giới này do xa lìa các phiền não triền phược, nên được thân giải thoát”.

6. Đại Mâu Ni: Nghĩa là những bậc ở cảnh giới này do xa lìa được sở tri chướng nên chứng đặng quả bồ đề. Vì quả vị này bản tính rất thanh tịnh, nên gọi là Đại Mâu Ni”.

Phương pháp tu tập ở cấp bậc cứu cánh, hành giả tiếp tục sử dụng bốn trí quán chiếu hai phương thức sau đây:

a) Hành giả sau khi chuyển hóa hết chủng tử của hai quả chuyển y trở thành Đại Bồ đề và Đại Niết bàn nơi cấp bậc tu tập, sử dụng trí diệu quan sát điều khiển trí bình đẳng tính móc nối cảnh giới Niết bàn vô dư (Viên thành thật tính) từ thế giới chân như hiện hữu trong trí đại viên cảnh của hành giả. Hành giả quán chiếu cảnh giới Niết bàn này đến khi nào thể hiện một cách thuần thục, nghĩa là hành giả không còn dụng công quán chiếu nữa mà cảnh giới ấy vẫn hiện hữu một cách tự nhiên theo ý muốn, chính là hành giả đã thành công quả vị Đại Niết bàn của Đại Bồ đề nơi cấp bậc cứu cánh.

b) Hành giả mặc dù đã chứng quả Đại Niết bàn của Đại Bồ đề nơi cấp bậc cứu cánh, nhưng còn mang nhục thân cho nên còn quan hệ quá nhiều với trần sa hoặc của loài người và vô minh hoặc của tất cả chúng sinh trong ba cõi. Hơn nữa cảnh giới Đại Niết bàn mà hành giả chứng đắc chỉ là cảnh giới thuộc về hình tướng của Đại Niết bàn được thâu nhỏ lại thể hiện theo từng loại chúng sinh mà không phải là cảnh giới đích thực thể tính chân thật bao la của Đại Niết bàn.

Hành giả muốn chứng nhập vào trong cảnh giới thể tính Đại Niết bàn bao la của Đại Bồ đề nơi cấp bậc cứu cánh thì phải cắt đứt sự quan hệ trần sa hoặc của loài người và vô minh hoặc của tất cả chúng sinh trong ba cõi. Muốn cắt đứt sự quan hệ của hai hoặc nói trên, hành giả phải thật hành Bồ Tát hạnh bằng cách cứu độ tất cả chúng sinh để diệt chúng sinh tâm của chính mình bằng phương thức an trụ tâm vô trụ. Hành giả khi nào đã hoàn thành cắt đứt hẳn sự quan hệ nơi kiến hoặc, tư hoặc của tự giác và nơi trần sa hoặc, vô minh hoặc của giác tha nơi cấp bậc cứu cánh chính là đã thể nhập được trọn vẹn cảnh giới thể tính Đại Niết bàn chân thật bất hư nơi Đại Bồ đề viên thành thật tính của duy thức tính mà cũng là hoàn thành ngôi vị diệu giác của Phật quả.

Thích Thắng Hoan

Thích Thắng Hoan

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nhung-yeu-diem-cua-tu-tuong-duy-thuc-p5--het-d28388.html)

Chủ đề liên quan:

tư tưởng yếu điểm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY