Gắn bó với 64 đối tượng tâm thần ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh là những y, bác sỹ đang ngày ngày âm thầm, kiên trì vượt qua những khó khăn, nguy hiểm, chăm sóc “thế giới người điên” bằng cả tấm lòng lương y.
Hàng ngày, y sỹ Phạm Viết Đỉnh cùng các y, bác sỹ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh thăm khám cho đối tượng tâm thần
Khu nuôi dưỡng, điều trị đối tượng tâm thần của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hà Tĩnh đóng ở thị trấn Cẩm Xuyên (gọi tắt là trung tâm) đón chúng tôi với những tiếng gào thét, xen lẫn chuỗi cười rùng rợn.
Nơi đây hiện đang chăm sóc 64 người tâm thần thuộc diện lang thang, cần sự bảo vệ khẩn cấp, tâm thần nặng và đặc biệt nặng mà không thể chăm sóc tại cộng đồng.
Gần 6 năm “làm bạn” với người tâm thần, y sỹ Phạm Viết Đỉnh đã có cả kho truyện buồn vui với nghề. Buồn bởi những cái nhìn thiếu cảm thông về nghề từ không ít người. Và buồn nhất, là phần lớn những người tâm thần đến đây đều cô độc.
Họ là những người tâm thần lang thang hoặc người nhà đưa đến trung tâm vì đã quá mệt mỏi, bất lực. Một số người sau khi được nuôi dưỡng, điều trị, bệnh tình thuyên giảm, thần trí ổn định nhưng người nhà không muốn đón về gia đình nữa”.
Y sỹ Phạm Viết Đỉnh cho biết, thời gian đầu, khi mới vào điều trị ở trung tâm, người bệnh đều có biểu hiện hoảng loạn, la hét, đập phá… Có đối tượng không ý thức được hành vi của mình nên thường bỏ ăn, không uống Thu*c, không cho khám bệnh.
Ở đây, chuyện y, bác sỹ bị đối tượng giật áo, ống nghe, thậm chí bị lăng mạ, đuổi đánh là chuyện thường. Để có thể tiếp cận bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp y tế, những y, bác sỹ nơi đây đã dành sự quan tâm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, kiên trì thực hiện những liệu pháp tinh thần để họ hợp tác điều trị.
Gian nan nhất đối với đội ngũ y, bác sỹ nơi đây là quản lý và đảm bảo an toàn tính mạng cho đối tượng. Người tâm thần nặng thường có hành động tự làm tổn thương bản thân và bỏ trốn.
Nhiều đêm, các y, bác sỹ phải lặn lội tìm kiếm đối tượng bỏ đi lang thang. Bởi vậy, đội ngũ y, bác sỹ phải trực 24/24 giờ, một ca trực thời kéo dài 48 tiếng, thậm chí có thời điểm ca trực kéo dài 72 tiếng.
Mỗi tháng, y bác sỹ của trung tâm phải trực 15 ngày, mỗi ca trực thường 48 tiếng và 72 tiếng đồng hồ.
Vất vả, căng thẳng và mang cả nỗi trầm mặc khi đồng hành với số phận của những bệnh nhân tâm thần, bởi vậy, mỗi khi có được những bệnh nhân khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống thì niềm vui của những y, bác sỹ nơi đây được nhân lên gấp bội.
Như chuyện của anh N.Đ.Đ ở Nghi Xuân, từ một người tâm thần nặng, lang thang, sau khi được nuôi dưỡng, điều trị đã trở lại với cuộc sống bình thường và trở thành trợ thủ giúp cán bộ y tế chăm sóc những đối tượng tâm thần tại trung tâm.
“Do đặc thù công việc vất vả nên nhiều năm qua, ít có y, bác sỹ mới về làm việc tại đây. Cũng có trường hợp xin chuyển nơi khác, một phần vì áp lực công việc và đồng lương ít ỏi. Chỉ những ai can đảm, yêu nghề và có trái tim đồng cảm với đối tượng thì mới bám trụ được ở đây” - y sỹ Phạm Viết Đỉnh chia sẻ.
Y sỹ Nguyễn Đình Hoàng, người vào nghề được 2 năm trải lòng: “Khi mới vào tôi thực sự cảm thấy khó khăn bởi điều trị cho người tâm thân thường bị kích động, chống cự, đập phá, thậm chí hành hung y bác sỹ, ánh mắt nhìn tôi như kẻ thù. Song tôi một thời gian điều trị, tôi rất hạnh phúc khi được nhìn thầy họ trở lại hiền lành, sống vô tư, ngoan ngoãn như những đứa trẻ".
"Hiểu hơn về hoàn cảnh của những bệnh nhân tâm thần, nhìn ở tấm gương của những người đồng nghiệp có thâm niên nhiều năm như y sỹ Định, tôi biết, mình cần ở lại góp một bàn tay xoa dịu nỗi thiệt thòi của những người trong đặc biệt này” - y sỹ Hoàng chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Quân cho biết, theo quy định thì phụ cấp nghề của cán bộ y, bác sỹ làm việc tại các bệnh viện chuyên khoa hưởng mức 70%, nhưng đối với y, bác sỹ tại trung tâm chỉ áp dụng mức phụ cấp nghề nghiệp 50%.
Chế độ phụ cấp mới đây cũng bị cắt giảm từ 1,5 triệu đồng/người/tháng xuống còn 500.000 đồng/người/tháng. Tổng thu nhập mỗi tháng của cán bộ y tế của trung tâm chỉ được hơn 6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Sỹ, với số lượng đối tượng tâm thần đang được nuôi dưỡng, điều trị hiện nay, trung tâm cần có 5-6 cán bộ y tế, tuy nhiên, hiện mới chỉ 3 người. Trong thời gian tới, dự báo sẽ có thêm nhiều đối tượng tâm thần sẽ được đưa vào nuôi dưỡng và điều trị, vì vậy trung tâm rất cần được bổ sung nhân lực để có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ đề liên quan:
Báo mới Báo mới Hà Tĩnh Bệnh nhân tâm thần ở Hà Tĩnh Hà Tĩnh 24h lương y thế giới Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội