Nhóm khoa học thuộc Đại học Washington xem xét, rà soát hồ sơ của 2,5 triệu người trong thời gian hơn 8,5 năm nhằm tìm ra tác động xấu của ô nhiễm không khí tới cơ thể con người, cụ thể là thận.
Số mẫu thu thập được sẽ được đối chiếu và so sánh bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) để cho ra con số chính xác nhất.
Kết quả, trong tổng số 2,5 triệu người có tới 44.793 người mắc bệnh thận và 2.438 người bị suy thận do bị ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí.
Tác giả chính của nghiên cứu, Al-Aly cho biết, kết quả nói lên mối liên quan giữa sự phát triển bệnh thận và ô nhiễm không khí rất rõ ràng. “Các hạt mịn có thể làm hỏng thận giống như cách chúng làm hỏng các cơ quan khác như tim và phổi”.
Chuyên gia này cũng khẳng định, những hạt bụi bẩn, khói, bụi mịn và giọt chất lỏng độc hại có trong không khí bị ô nhiễm có khả năng “len lỏi” vào máu. Trong khi thận lại là cơ quan có chức năng lọc máu cho cơ thể.
Do vậy, khói bụi ô nhiễm gồm những hạt li ti sẽ phá vỡ chức năng thận, khiến bộ phận này luôn phải hoạt động hết công suất và nhiễm độc. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc các bệnh về thận, rối loạn chức năng thận hay suy thận có xu hướng tăng do ô nhiễm.
“Mức độ ô nhiễm không khí càng cao thì thận càng nhiều nguy cơ mắc bệnh. Do vậy người dân nên hạn chế tiếp xúc hay ở lâu trong môi trường có nhiều khói bụi, khí thải để đảm bảo sức khỏe cho gia đinh và người thân”, Al-Aly nói.