Tâm sự hôm nay

Ơi cái gió Tuy Hòa

Tuy Hòa là một đồng bằng giáp Bình Ðịnh, Khánh Hòa và Gia Lai. Tất nhiên mặt cuối cùng giáp biển.
tuy hòa là một đồng bằng giáp Bình Ðịnh, Khánh Hòa và Gia Lai. Tất nhiên mặt cuối cùng giáp biển. Vùng giáp giới Tây Nguyên với tuy hòa là vùng của Vua Gió - Pơtao Angin! (Lịch sử ghi rằng ở Tây Nguyên có bộ ba: Vua Lửa - Pơtao Apui vùng Ayun Pa, Plei Ơi; Vua Nước - Pơtao Ia vùng Nhơn Hòa, Plei Tao và Vua Gió - Pơtao Angin vùng cuối Krông Pa giáp tuy hòa). Có thể đây là xuất xứ của cái gió tuy hòa chăng?

Tôi vừa được giải quyết cái thú của riêng mình, ấy là một mình tự lái ôtô từ Pleiku xuống tuy hòa. 300 cây số, qua 3 cái đèo là An Khê, Mang Yang và Cù Mông thì tuy hòa hiện ra. Vừa lái xe vừa nghĩ: vai trò của văn chương nó kinh thật. Này nhé, hồi chưa đến Hải Phòng tôi vẫn đinh ninh ở đấy hoa phượng nhiều hơn.... cỏ, là bởi cái tên thành phố hoa phượng đỏ bị ông Hải Như và ông Lương Vĩnh làm cho ch*t hẳn với Hải Phòng rồi. Háo hức lắm, đến lúc đến, thấy hoa phượng ở đấy cũng như mọi nơi khác, có khi còn ít hơn ở Kon Tum. Trời cao nguyên rất xanh nên hoa phượng Kon Tum càng nổi bật. Nhưng đã có Hải Phòng rồi, phượng ở tất cả các nơi khác chỉ là... cỏ hết. Hoa sữa thì đã có hàng bao năm ở Hà Nội, đến khi ông Hồng Đăng thổn thức phát, thiên hạ mới rồ lên, đến nỗi rất nhiều tỉnh cũng bắt chước trồng theo rồi phải phá, mà Đồng Hới là ví dụ, vì nó... hắc quá. Giờ nói đến con gái Pleiku ai cũng nồng nàn “Em Pleiku má đỏ môi hồng” dù với tư cách là người đã ở đây hơn ba mươi năm, tôi thề rằng nó không phải vậy. Cũng như thế, ông Trần Mai Ninh đã phong cho tuy hòa thứ tài nguyên mà bất cứ ai đã đến đều phải... tụng: Ơi cái gió tuy hòa, gió chuyên cần và phóng túng. Nó gắn khít vào tuy hòa nên dù gió Nha Trang lồng lộng thế, gió Ninh Thuận đủ để làm phong điện thế, gió Cà Mau ào ạt thốc ra biển thế, thì vẫn “Ơi cái gió tuy hòa”, không thể khác...

Tôi trở lại tuy hòa như về nhà. Hồi sinh viên đã đi thực tập ở Hòa Thịnh, hồi ấy đi viết cho bảo tàng tỉnh Phú Khánh - Cũng nói thêm - hồi ấy sinh viên văn khoa ở miền Trung rất ít nên các thầy cô giáo dễ kiếm việc cho làm, vừa thực tập lại vừa... có tiền. Và có đi như thế mới biết mới hiểu, khi hôm qua một anh bạn bảo có cái bệnh viện Đại Hàn mà hồi khai trương dân toàn ném... cứt bò vào. Có nguyên 1 sư đoàn lính đại hàn ở đây. Giờ trông người Hàn hiền lành, chứ hồi các bố ấy đi lính sang Việt Nam, các bố ấy ác kinh khủng. Cả dân thường cả Việt Cộng đều mong nếu bị bắt thì là lính Mỹ bắt chứ đừng dây vào Đại Hàn là thế. Sau cái ông sư trưởng ấy là nghị sĩ, sám hối những gì quân mình và mình đã làm, sang xây ủng hộ cái bệnh viện này...

Rồi có gã bạn Phan Thanh Bình, trước học cùng lớp đại học ở cùng phòng ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ, Huế, trong tổ 3 thằng chuyên góp tiền chủ nhật cải thiện. Cải thiện là tôi trực tiếp đi chợ, thay vì mua 1 đồng rau sống, tôi mua 5 hào, mua xong mua thêm 5 hào nữa - nói trớ đi là mua giúp thằng bạn - với 2 lần bốc thì 2 lần 5 hào nhiều hơn 1 đồng. Xong mua cá vụn, về kho khế, nấu thêm lon gạo, cộng với cơm nhà bếp, thế là... một bữa no. Giờ nó ở đây, làm báo, cũng thuộc loại nổi tiếng...

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo dẫn tôi và vài bạn ra vỉa hè ngồi, giải thích tại sao lại chọn đây chứ không chọn biển dù tôi đề xuất ra biển ngồi, Thảo bảo ngoài biển lạnh chịu không nổi đâu, mà lại đắt. Nơi đây hàng xịn, tươi rói, dù trông nó có vẻ lụp xụp nhưng người đông ngàn ngạt. Mấy chai Vodka lạnh, 2 món lươn đùm và mắt cá ngừ đại dương, khuya mịt mới về, say ất ơ. Chỉ có 4 đứa mà sao lắm chuyện thế. Phan Thanh Bình bảo: Dân quen thì hay ngồi đây, đồ tươi và rẻ, còn ra biển ngồi, vừa không tươi vừa mắc, mà lạnh.

tuy hòa giờ xây dựng to rộng, nhưng rất ít người. Lác đác người ngoài đường thôi. Đang chạy ngoài quốc lộ đông nghịt, rẽ đường dẫn vào thành phố, một mình nghênh ngang. Thậm chí có cảm giác qua ngã tư ngã ba cũng không cần xi nhan vì... chả có ai phía sau mình. Đường to, vừa hỏi đường vừa quay đầu xe thoải mái cũng vì vắng. Mà tìm được người để hỏi cũng khó nữa. Mùa này tuy hòa toàn mưa buổi sáng sớm. Dân tuy hòa quen rồi, cầm theo cái ô hoặc áo mưa mỏng để đi bộ buổi sáng. Mưa như nước mắt ngày cưới, ào cái rồi tạnh, nắng chói chang ngay.

Nhớ cái Tết cách đây gần hai chục năm, tôi dự một cuộc họp cuối năm của văn phòng tờ báo mà tôi là phóng viên kiêm nhiệm ở Nha Trang xong thì đã là 27 Tết, liều mạng trên đường về nhảy xuống tuy hòa. Phan Thanh Bình ở báo Phú Yên đã thiết kế những cuộc gặp vô tiền khoáng hậu ở mảnh đất hồi ấy còn rất nhỏ này, để tiếp tôi. Chao ơi, triền miên gặp, triền miên nâng ly, triền miên ăn uống, cái thời bao cấp ấy ăn uống quan trọng lắm, đón khách chủ yếu là lo ăn uống. Các nhà hàng đã đóng cửa cúng tất niên, Bình lôi dậy hết, bắt mở cửa để tiếp bạn, xong rồi Bình... ký nợ, Tết xong trả. Hăm chín Tết, tôi từ một quán nhậu xách túi ra đường vẫy xe về Pleiku. Nói như vợ tôi, may là anh cũng về... trước giao thừa.

Bốn trăm năm, một chớp mắt với lịch sử, nhưng với cuộc đời con người là những mênh mang thăm thẳm số phận và thân phận. Tôi hình dung lịch sử Nam tiến của dân tộc nó như những con giun nhẫn nại khoan đất. Người Việt ta khai sinh xong Bình Định thì lập Phú Yên, từng cái tên cũng đầy ý nghĩa chinh phục, chứa đầy khát vọng của tiền nhân. Thú thực lâu nay có nghe tên Lương Văn Chánh, có biết ông là một trong những tiền nhân mở cõi, tên ông được đặt cho một ngôi trường nổi tiếng của thành phố tuy hòa, nhưng xuống đây, ngồi với những người trẻ Phú Yên mới thấy công của ông to lớn đến như thế nào đối với mảnh đất này và cũng mới thấy dân Phú Yên biết ơn tiền nhân ra sao. Họ kể vanh vách về Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh, “tiện thể” kể về chúa Nguyễn Hoàng, những người làm nên “trấn biên” Phú Yên bằng cuộc mở đất vĩ đại, giống như trấn biên Đồng Nai gắn với tên Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Tôi đã xuống Cà Mau, bây giờ mỗi tháng cũng có chừng mét đất của Tổ quốc vươn ra biển. Và chính cây bần Cà Mau ấy là những người lính tiên phong mở đất, lấn biển. Từng mi-li-mét một, dân tộc ta từ châu thổ sông Hồng giờ vẫn nhẫn nại tiến ra biển Đông, để vùng đất Phú Yên này trở thành khúc ruột miền Trung, trong khi bốn trăm năm trước, nó là tận cùng, là tiền đồn khai sơn phá thạch của Tổ quốc, như Cà Mau bây giờ...

So với khi còn chung Phú Khánh, Phú Yên bây giờ khác một trời một vực. To đẹp và có chủ ý xây dựng, thành phố tuy hòa vừa phát triển nhưng cũng vừa thanh bình. Những “bậu” những “nẫu” giờ là các quý ông chủ nhân thành phố, tự hào tuyên bố rằng, Phú Yên - tuy hòa là một trong ít nơi còn giữ được các sản vật nổi tiếng, những sản vật mà nghe đến đã muốn... thưởng thức. Đó là cá ngừ đại dương với hai món danh bất hư truyền là thịt ăn sống với mù tạt và mắt thì hấp làm món “đèn pha”, là cua huỳnh đế, nghe nói nó là loài cua không ra cua tôm không phải tôm, mà là sự chuyển hóa chưa tới của hai loài này, vừa ngon vừa bổ. Là sò huyết đầm Ô Loan. Sò huyết ở đâu có biển chả có, nhưng nghe nói chỉ ở đầm này nó mới là... sò huyết, còn ở các nơi khác, vẫn là giống loài ấy nhưng nó là sò chưa... huyết. Rồi ốc len, rồi con dông, tôm rổ... bạn bè làm như tôi có thể ăn được như thần trùng, kêu ra búa xua, dù tôi biết chúng không hề rẻ và các bạn tôi cũng chả giàu, lại còn phải cơn lạm phát, cái gì cũng tăng, trừ... lương và nhuận bút. Còn nhớ thời bao cấp, cánh chạy xe Bắc Nam bằng mọi cách chạy đến Sông Cầu mới ăn cơm. Cơm ở đấy ngon và rẻ, bây giờ nghe nói đồ biển ở đấy vẫn là nhất. Và đấy cũng là nơi có vịnh Xuân Đài vừa được công nhận di tích quốc gia. Một thời đây cũng được mệnh danh là 15 cây số... sung sướng. Tất nhiên nó là tệ nạn một thuở, nhưng cũng chả phải nơi nào cũng... vinh dự được chọn để khu trú như thế đâu, nó phải thiên thời địa lợi thế nào chứ?...

tuy hòa có một cái có mà các nơi khác không có, ấy là tháp Nhạn. Nhờ có tháp Nhạn ở giữa thành phố này mà tuy hòa trở thành nơi yêu thơ nhất nước. Ấy là chuyện gần bốn mươi năm trước, đúng rằm tháng giêng thì thư viện Hải Phú lại làm một đêm thơ, kéo nhau lên chân tháp núi Nhạn vừa chơi vừa đọc thơ, thế mà rồi thành phong trào. Tôi đã có lần được mời lên đây đọc thơ. Phải nói thật là hào sảng sung sướng thống khoái không thể tả. Hôm ấy, trăng vằng vặc, đường lên núi tắc nghẹn dù cảnh sát đã chặn đường cấm ôtô xe máy, người này nối người kia đi bộ leo núi nghe thơ. Hàng chục ngàn người chứ không ít. Cứ bỏ đi 70 phần trăm là tò mò đi thì còn ba mươi phần trăm số ấy nghe thơ chiêm ngưỡng người thơ thì nhà thơ nào mà chả lên mây. Bây giờ thì nguyên tiêu núi Nhạn đã trở thành thương hiệu. Tối ấy cả nước tổ chức Ngày thơ Việt Nam, làm đêm thơ, nhưng bao giờ VTV1 cũng đưa tin đêm thơ ở núi Nhạn trước tiên. Bây giờ dân tuy hòa quy hoạch hẳn một đường thơ lên núi rất đẹp và trữ tình. Trong dịp Phú Yên long trọng tổ chức 400 năm thành lập cách đây mấy năm cũng có một vườn thơ trên ấy, và tôi cũng kịp chụp một bức ảnh mình đứng với... thơ mình giữa bao la mây trời tuy hòa. Ấy là bài thơ tôi viết tặng Phan Thanh Bình có những câu “Ngạo nghễ Chóp Chài bâng khuâng tháp Nhạn/ níu nghìn xưa vào sáng sớm mai này/ giọt nước mắt tần ngần trên đỉnh núi/ trải thăng trầm hóa tháp thản nhiên trôi”. Ấy là tôi lại nhớ đến những tiền nhân của... tiền nhân. Trước khi Lương Văn Chánh vào đất này, hàng ngàn năm, những người Chăm bằng khả năng siêu phàm và sự thông minh vượt thời đại của mình đã làm nên một nền văn minh Chăm rực rỡ mà cho đến hôm nay, con cháu sau cả nghìn đời vẫn chưa giải mã nổi. Tôi thấy ngọn tháp Chàm trên đỉnh núi Nhạn giống như là giọt nước mắt của tiền nhân, vừa an nhiên vừa ngạo nghễ, sừng sững trước biến thiên dâu bể, trước can qua máu chảy đầu rơi phiêu tán... để bây giờ là nơi tao nhân mặc khách thư thái tản bộ, để nó làm nên một tuy hòa bản sắc độc nhất vô nhị, và chính nó làm nên văn hóa Phú Yên, mà cách cư xử với thơ, với nghệ thuật vào dịp nguyên tiêu, vào các dịp lễ lạt như hôm nay là một ví dụ nhỏ...

Thế đấy, tuy hòa, tưởng nhỏ mà không nhỏ, bởi trong nó, có trầm tích bốn trăm năm mở cõi, có những ứng xử rất nhân văn giữa con người với con người, con người với tự nhiên...

Bài, ảnh: VĂN CÔNG HÙNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-oi-cai-gio-tuy-hoa-5869.html)
Từ khóa: tuy hòa

Chủ đề liên quan:

tuy hòa

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY