Theo báo VnExpress, bệnh nhân 42 tuổi ở Hải Dương được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu tuần trước. Ông hôn mê sâu, tụt huyết áp, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hóa nặng, chụp cắt lớp não có tổn thương và phù não.
Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu bệnh nhân 491,79 mg/dL, cao gấp gần 25 lần so với khuyến cáo, ethanol âm tính.
Bệnh nhân được điều trị giải độc, lọc máu, hồi sức. Đến sáng nay, bệnh nhân hết nhiễm độc song còn hôn mê sâu do tổn thương não.
Người nhà cho biết trước đó phát hiện bệnh nhân nằm hôn mê bên cạnh chai cồn 90 độ. Chai cồn được mang đến bệnh viện cùng với bệnh nhân. Xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn cho thấy nồng độ methanol chiếm 81,88%, nồng độ ethanol 1,01%. Các bác sĩ cho rằng người đàn ông đã pha cồn thành rượu để uống nên bị ngộ độc methanol.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong vài năm qua, tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn do uống cồn y tế thay rượu uống (do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn). Hầu hết các trường hợp uống cồn y tế cho tới nay theo ghi nhận của Trung tâm Chống độc đều dẫn tới ngộ độc methanol nặng, trong đó có nhiều bệnh nhân đã Tu vong.
BS Nguyên nhấn mạnh, theo các tài liệu, methanol không được đề cập về tác dụng sát trùng. Đồng thời hàm lượng ethanol trong chai cồn sát trùng không đạt hoặc không có sẽ dẫn tới không thể tiêu diệt các vi trùng, không thể bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ dịch bệnh, nhiễm trùng sau phẫu thuật, vết thương và tiêm truyền.
Nếu người dân và cơ sở y tế mua phải loại cồn này để sát trùng thì thật sự nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Hơn nữa, loại cồn này nếu bôi rộng trên da thì có nguy cơ ngấm trực tiếp qua da vào máu và có thể gây nhiễm độc và dẫn tới các hậu quả như khi uống phải.