Đó là một trong những vấn đề mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã thẳng thắn chỉ ra tại Hội thảo. Theo ông Bảo, số lượng cơ quan báo chí trong những năm gần đây tăng lên rất nhanh, tổ chức nào, hội nào, đơn vị nào cũng muốn có cơ quan báo chí. Trong khi đó luật quy định rất rõ cơ quan chủ quản khi muốn ra báo thì phải đảm bảo các điều kiện, trong đó có tài chính, trụ sở, nhân lực.
"Thực tế hiện nay, các tổ chức, nhất là các hội quần chúng, khi thành lập các cơ quan báo chí chủ yếu muốn thành lập báo, các điều kiện vật chất gần như không đảm bảo. Dẫn đến thực tế bản thân các cơ quan báo chí tiết kiệm nguồn chi bằng cách sử dụng cộng tác viên chứ không tuyển phóng viên theo danh nghĩa chính thức" - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Ông Bảo cho biết qua kiểm tra thực tế một số cơ quan, việc trả lương của cơ quan chủ quản chỉ đảm bảo cho 3-4 người lãnh đạo, còn chủ yếu đội ngũ viết bài sử dụng cộng tác viên. Vì sử dụng chế độ cộng tác viên dẫn đến chuyện không có kinh phí để người ta đi tìm những vấn đề thực tiễn, cộng tác viên chủ yếu ngồi lấy trên mạng xào xáo. Đây là một điều căn bản dẫn đến quản lý rất khó. Đó là trách nhiệm của tổng biên tập.
Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai quy hoạch báo chí, ông Bảo cho biết, cơ quan chủ quản nào sâu sát với báo chí thì bàn việc triển khai rất nhanh, kịp thời, hiểu được vấn đề. Còn có những cơ quan chủ quản khi bị xử lý sai phạm, mời chủ quản lên thì họ mới biết sai ở chỗ này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận lâu nay cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí lúc nào cũng tập trung quản lý nội dung, nhưng cơ chế thị trường phát triển hiện nay, chính sách cho báo chí tồn tại như kinh tế báo chí thì gần như chưa quan tâm. Ông cho biết: "Trong luật ghi chung chung, còn chính sách cụ thể đối với hoạt động đặc thù của cơ quan báo chí cần những chính sách kinh tế gì để hỗ trợ cho báo chí thì có thể nói một thời gian dài chúng ta chưa để ý việc đó".
Ông Hoàng Vĩnh Bảo đặc biệt nhấn mạnh: "Trong giai đoạn hiện nay, một mặt chúng ta nói báo chí phải là công cụ tư tưởng của Đảng, cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế chính sách về thuế chúng ta ứng xử với các cơ quan báo chí như doanh nghiệp. Nếu chúng ta xác định báo chí là sản phẩm trong dịch vụ đặc thù có liên quan công tác tư tưởng văn hóa thì có chính sách ứng xử với báo chí cho phù hợp".
Dĩ nhiên không phải đến hôm nay vấn đề về kinh tế báo chí mới được bàn đến. Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi mà cả thế giới đang chao đảo trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, báo Nhà báo & Công luận đã phát hiện và triển khai vệt bài thời sự: “Kinh tế báo chí nhìn đại dịch Covid-19” để đặt ra thực trạng vô cùng khó khăn của báo chí. Không chỉ vậy, cách đây một tháng, báo Nhà báo & Công luận tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề: báo chí và bài toán phát triển nguồn thu.
Bài liên quan
Bài 1: Khi giọt nước tràn ly...
Bài 2: Gỡ hướng nào cũng vướng...
Bài 3: "Giải cứu" báo chí từ chính sách
Bài 4: Chính sách nào cho "mũi tiên phong"?
Bài 5: "Kịp thời tiếp thêm nguồn lực để báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ"
Bài cuối: Lối đi ngay dưới chân mình!
Diễn đàn này, có ý nghĩa chung cho báo chí cả nước, giúp xã hội hiểu hơn về vai trò trách nhiệm của báo chí, cũng hiểu hơn khó khăn thách thức của báo chí trong bối cảnh hiện nay. Các ý kiến tại diễn đàn cho thấy thực trạng báo chí đang bị giảm nguồn thu từ 30 – 70%. Việc giảm nguồn thu đã gây tác dụng tiêu cực khiến các đơn vị báo chí gặp khó khăn gay gắt, không đủ chi phí nguồn lực để duy trì hoạt động cần thiết, đời sống của phóng viên bị ảnh hưởng vì nợ lương nợ nhuận bút... Khó khăn đã làm nảy sinh những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật báo chí, có hành vi làm suy giảm uy tín báo chí với xã hội, đó là nỗi đau đánh vào lòng tự trọng của những người làm báo chân chính...
Vấn đề cấp bách hiện nay là báo chí cần được sự quan tâm hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như phát huy nội lực của các cơ quan báo chí thời gian tớí để báo chí tiếp tục hoàn thành "nhiệm vụ kép" .