Lực lượng chức năng phát hiện tại kho đông lạnh của cơ sở Hồng Thắm, lưu trữ các loại thực phẩm tươi sống và đông lạnh gồm trâu, bò, heo, gà, dê, chim, vú heo… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 18/7, lực lượng Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49, Công an TP. Cần Thơ) phát hiện mô tô BKS 65B1-75495 vận chuyển thực phẩm đông lạnh đi tiêu thụ, nhưng không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ngay sau đó, lực lượng PC49 đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ tiến hành kiểm tra cơ sở Hồng Thắm (địa chỉ 280A, khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện tại kho đông lạnh của cơ sở Hồng Thắm lưu trữ các loại thực phẩm tươi sống và đông lạnh gồm trâu, bò, heo, gà, dê, chim, vú heo… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong đó, có 729 kg đầu gà đông lạnh hết hạn sử dụng; 612 kg thực phẩm gồm dê, chim, vú heo, chân gà, mực, bò viên… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn lại 29.554 kg thực phẩm gồm trâu, bò, heo, gà, cá… là do nước ngoài sản xuất, có tem nhãn đơn vị nhập khẩu.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ thực phẩm tươi sống và đông lạnh nói trên.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ thực phẩm tươi sống và đông lạnh các loại nói trên, nhưng giao cho cơ sở Hồng Thắm tự quản lý, bảo quản, chịu trách nhiệm.
Theo thông tin cho biết Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) có công văn hoả tốc gửi Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với lô hàng nhập khẩu từ Ba Lan về Việt Nam.
Cụ thể, container số EMLU53397010 được vận chuyển trên tàu HAIAN SONG, về cảng Hải Phòng vào ngày 30/6 vừa qua. Lô hàng chân gà bị nghi nhiễm khuẩn xuất xứ từ Ba Lan nhập về khu vực cảng Hải Phòng chưa được doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, và lực lượng hải quan đang thực hiện giám sát chặt chẽ.
Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện làm thủ tục nhập khẩu thì Cục Hải quan Hải Phòng cần cung cấp thông tin có liên quan đến lô hàng để cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền biết và xử lý
Trước đó, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông có thông tin cho cơ quan chức năng trong nước về việc Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường Hồng Kông cảnh bảo về lô hàng chân gà đông lạnh xuất xứ Ba Lan được nhập về Việt Nam qua thị trường Hồng Kông có hàm lượng chất Salmonella enterica ser. Infantis vượt quá tiêu chuẩn theo quy định của châu Âu.
Để mít được chín nhanh hơn, có mùi thơm và vị ngọt hơn, một cơ sở kinh doanh hoa quả ở xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã sử dụng hóa chất bơm vào mít rồi mang tiêu thụ trên các địa bàn tỉnh Hà Nam và Hà Nội.
Ngày 19/7, thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện hồ sơ xử lý cơ sở kinh doanh hoa quả sử dụng hóa chất kích thích mít chín nhanh, tạo mùi thơm và vị ngọt.
Trước đó, vào chiều ngày 17/7, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với đoàn thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh hoa quả của Phạm Văn Tuấn (SN 1980), trú thôn Thượng Thụ, xã La Sơn, huyện Bình Lục đang có hành vi sử dụng hóa chất bơm vào các quả mít.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 2 hộp bìa chứa 40 tuýp hóa chất trên vỏ bao bì in chữ Trung Quốc, gần 600kg mít thành phẩm và một số tang vật có liên quan.
Tại thời điểm kiểm tra, Tuấn không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số hóa chất trên và khai nhận mua hóa chất ở Hà Nội về bơm vào mít nhằm mục đích kích thích cho mít chín nhanh, tạo mùi thơm, vị ngọt… rồi mang tiêu thụ trên các địa bàn tỉnh Hà Nam và Hà Nội.
Thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn đang từng ngày, từng giờ len lỏi vào trong từng bữa ăn của từng gia đình. Người tiêu dùng không thể lường trước được những hậu quả về sức khỏe cho chính bản thân mình.
Chỉ vì hám lợi, các cơ sở kinh doanh đã sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vận chuyển, mua bán về cho các cơ sở chế biến để “phù phép” các loại thực phẩm bẩn đó thành những loại thực phẩm ăn liền. Đây là một trong những hành vi làm ăn vô đạo đức cần phải được các cơ quan bảo vệ, truyền thông lên tiếng, cảnh bảo cho người tiêu dùng biết và tẩy chay các cơ sở kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm bản này.
Các lực lượng quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng chuyên ngành cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.