Kinh tế xã hội hôm nay

Phẫu thuật bóc vỏ phổi, cứu bệnh nhân 19 tuổi mắc bệnh Whitmore

(MangYTe) - Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Đà Nẵng, khoa Ngoại chung – Bệnh viện Quân y 17 vừa điều trị bóc vỏ phổi thành công cho một bệnh nhân viêm phổi – màng phổi do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là bệnh Whitmore).

Bệnh nhân X (nam, 19 tuổi), tiền sử khỏe mạnh nhưng xuất hiện tình trạng đau tức vùng ngực trái, sốt. Bệnh nhân đã có 8 ngày điều trị tại y tế cơ sở nhưng không đỡ nên vào khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện (BV) Quân y 17 ngày 9/10/2023 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, mệt mỏi nhiều, sốt cao, đau ngực trái nhiều, khó thở nặng, có biểu hiện suy hô hấp.

Các bác sĩ chẩn đoán cho bệnh nhân X.

Tại đây, các bác sĩ BV Quân y 17 đã tiến hành cấp cứu suy hô hấp, chụp cắt lớp vi tính, làm các xét nghiệm cho bệnh nhân, hội chẩn BV và tham khảo ý kiến chuyên gia của BV Quân y 175 và BV Đà Nẵng. Qua đó thống nhất chẩn đoán xác định bệnh nhân bị viêm phổi – màng phổi trái do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là bệnh Whitmore) biến chứng suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết.

Ngày 17/10, bệnh nhân được phẫu thuật mở ngực bóc vỏ phổi, làm sạch màng phổi, cắt lọc tổ chức phổi hoại tử do các bác sĩ khoa Ngoại chung, Khoa gây mê hồi sức - BV Quân y 17 với sự hỗ trợ của BS.CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Đà Nẵng tiến hành, kết hợp điều trị tích cực, kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Đến nay bệnh nhân X đã tỉnh táo, tình trạng ổn định nhiều, cải thiện hô hấp, tự thở khí trời. Hiện tại bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Quân y 17 theo phác đồ đã hội chẩn và tập phục hồi chức năng hô hấp.

Theo Khoa Ngoại chung – BV Quân y 17, viêm mủ màng phổi là bệnh lý nặng, di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao (20%) nếu không được điều trị đúng, thích hợp; đặc biệt khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore trên người và động vật.

B. pseudomallei là vi khuẩn gây bệnh cơ hội, thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở khi tiếp xúc với bùn đất, có khả năng trùng hợp actin từ tế bào này qua tế bào khác và tiết ra các độc tố nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore từ 20 – 50% dù có điều trị. Tỷ lệ tử vong cao có thể do bệnh được chẩn đoán muộn dẫn đến giai đoạn nặng, xuất hiện các biến chứng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Hiện cũng chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh.

Trong khi đó, phẫu thuật can thiệp bóc vỏ phổi là một kỹ thuật khó, cần đảm bảo gây mê bằng ống nội khí quản 2 nòng và hồi sức hô hấp tốt sau mổ. Thành công bước đầu trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân viêm phổi – màng phổi do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei cho thấy năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ BV Quân y 17, cũng như sự phối hợp ngày càng chặt chẽ với các chuyên gia đầu ngành trong quân đội và khu vực.

Hải Châu

Link bài gốc Lấy link

Hải Châu

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/y-te/phau-thuat-boc-vo-phoi-cuu-benh-nhan-19-tuoi-mac-benh-whitmore/20231028073714083)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY