Tâm sự hôm nay

Phía sau những túi máu...

Đối với những người bệnh cần truyền máu, những đơn vị máu là nhựa sống để giúp họ duy trì cuộc sống mỗi ngày.

Nhưng đằng sau những túi máu được truyền cho người bệnh thì thực sự còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro không mong muốn. Đó là những lo lắng, sợ hãi của người bệnh mà còn là những nỗi đau, trăn trở của của cả các thầy Thu*c.

Những nỗi đau khó nói thành lời

Năm 2008, ngày đưa con trai lên 5 tuổi tới viện điều trị vết thương tụ máu ở đầu gối, chị N.T.H (Hải Dương) sững sờ khi nghe tin bé P.C.T được chẩn đoán mắc bệnh Hemophilia (hay còn gọi là máu khó đông), một chứng bệnh do rối loạn chảy máu di truyền.

Biết con bị bệnh ưa chảy máu, bất kì chấn thương nào dù là nhỏ nhất cũng nguy hiểm tới tính mạng, từ đó đến nay ngày nào gia đình sống trong lo lắng, bất an vì sức khỏe của đứa con trai. Suốt 6 năm qua, mỗi lần vào viện bé P.C.T đã được điều trị bằng phương pháp truyền tủa lạnh hoặc huyết tương tươi đông lạnh (một thành phần của máu), đây là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay để bổ sung yếu tố đông máu, giúp duy trì cuộc sống của P.C.T.

Những tưởng nỗi đau vì con mang trong mình căn bệnh nguy hiểm đã là quá lớn, năm 2014 gia đình chị N.T.H lại nhận thêm thông báo kết quả xét nghiệm của bé P.C.T dương tính với HIV. Bàng hoàng, sửng sốt trước những gì mình nhận được, chị H. đã yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại kết quả vì không hiểu lí do vì sao con mình lại có thể nhiễm căn bệnh nguy hiểm như vậy, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Lí giải cho khả năng lây nhiễm HIV cho con trai chị có thể là do trong nhiều năm điều trị bệnh máu khó đông, những đơn vị huyết tương được truyền cho T.có khả năng nhiễm HIV.

Trường hợp của bé P.C.T không phải là tai biến y khoa duy nhất tại Việt Nam nhiễm HIV trong thời gian qua. Một bé trai 8 tuổi, tại Lào Cai, đã được chẩn đoán nhiễm HIV sau 4 năm điều trị bằng truyền máu.

Bé H.N.M được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Đây là căn bệnh mà hồng cầu của người bệnh bị tan nhanh và nhiều hơn bình thường, làm cho người bệnh bị thiếu máu mạn tính từ nhỏ. Theo ước tính, mỗi bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh cần truyền 1 – 2 đơn vị máu/tháng, với độ tuổi của M đến thời điểm này bé đã được truyền hàng chục đơn vị máu.

Khi biết tin con mắc phải căn bệnh nguy hiểm, gia đình M đã đưa bé đi điều trị nhiều nơi, cuộc sống của M là những tháng ngày gắn với giường bệnh và truyền máu, thải sắt để duy trì cuộc sống. Năm 2013, một cú sốc lớn đến với gia đình M khi biết tin bé mang trong mình vi rút HIV và khả năng lớn là em bị nhiễm trong quá trình truyền máu.

Không chấp nhận sự thật, gia đình M đã yêu cầu bệnh viện kiểm tra lại các đơn vị máu đã truyền, nhưng một trong những vấn đề đặt ra đó chính là khi máu được truyền cho người bệnh, các kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện tại thời điểm đó được chứng minh là an toàn, âm tính với HIV và phù hợp để truyền cho bệnh nhân.

Một điều nữa là sau khi rà soát kỹ, trong những người đã hiến các đơn vị máu cho cháu T và cháu M chưa phát hiện được người nào có nhiễm HIV mặc dù đã nhiều tháng trôi qua. Việc điều tra nguyên nhân do truyền máu vẫn đang được tiếp tục, trong khi câu hỏi liệu có nguồn lây nhiễm nào khác vẫn còn bỏ ngỏ.

Lây nhiễm HIV qua đường truyền máu thực sự là một trong những tai biến y khoa không mong muốn đối với ngành y, đặc biệt là với những người bệnh mắc các bệnh về máu, khi họ đã và đang chống chọi với những căn bệnh quái ác, thì việc chấp nhận sự thật bản thân mình nhiễm HIV lại càng khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Khi tai biến trở thành nỗi trăn trở

Không chỉ gia đình những người bệnh đau đớn khi biết tin con mình nhiễm căn bệnh thế kỷ, ảnh hưởng tới tương lai phía trước mà những thầy Thu*c – những người trực tiếp điều trị cho các em còn đau đớn hơn biết chừng nào.

Tháng 10 năm 1981, khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) xác nhận về trường hợp đầu tiên nhiễm HIV do Truyền máu ở một bệnh nhi Hemophilia, thì người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới câu hỏi: Liệu máu đang dùng đã thực sự an toàn chưa?. Trên tạp chí Biologicals, ra ngày 15/1/ 2010, tác giả Klein H.G (Viện sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ), một lần nữa đặt câu hỏi cho các chuyên gia y tế: “Máu thực sự an toàn như thế nào? trước sự đe dọa của đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu”. HIV thực sự là nguy cơ lớn đe dọa an toàn truyền máu do không thể kiểm soát được triệt để sự có mặt của vi rút ở giai đoạn cửa sổ bằng xét nghiệm. Theo ước tính của Hiệp hội truyền máu quốc tế, truyền máu là con đường lây lan của 5 – 10% số trường hợp nhiễm HIV trên toàn thế giới.

Trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến, với nền khoa học, kỹ thuật hiện đại trong y tế đều đã từng có những tai biến y khoa trong quá trình truyền máu gây chấn động. Như ở Ảrập Xêút, một bé gái 12 tuổi đã nhiễm HIV sau khi truyền máu tại bệnh viện, sự kiện này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng toàn ngành y của đất nước này. Hay ở Ấn Độ, 23 trẻ em đã bị truyền nhầm máu nhiễm HIV tại bang Gujarat trong khoảng 8 tháng liên tiếp. Các em đều là con nhà nghèo, mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Tiêu biểu phải kể tới sự kiện gây chấn động ở Nhật Bản, một quốc gia có nền y học phát triển, hiện đại và có nhiều công trình nghiên cứu trong khám chữa bệnh cũng không tránh khỏi những tai biến không mong muốn trong y khoa đó là vụ truyền máu nhiễm HIV được người dân Nhật diễn ra vào những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, hậu quả có hàng ngàn người bị bệnh chảy máu ở quốc gia này nhiễm HIV....

GS. TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Một trong những biện pháp phòng nhiễm HIV/AIDS do truyền máu đó là phải cải tiến các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc nhằm rút ngắn giai đoạn cửa sổ để 100% các đơn vị máu sử dụng điều trị không nhiễm HIV”. Hiện chưa có cơ sở cung cấp máu nào ở nước ta thực hiện được xét nghiệm NAT (xét nghiệm gen của HIV) sàng lọc máu. Theo báo cáo của nhiều nước, kỹ thuật xét nghiệm NAT có thể giúp phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm HIV trong số 4.000-1.500.000 lần truyền máu; như vậy, năm 2013 ở nước ta số lượng tiếp nhận gần 1.000.000 đơn vị máu, thực hiện khoảng 1.500.000 lần truyền thì nguy cơ nhiễm HIV là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện tại một số cơ sở y tế cung cấp máu lớn trên toàn quốc đang gấp rút lắp đặt, tập huấn, trình duyệt cơ chế kinh phí để sớm có thể triển khai được kỹ thuật này trong thời gian tới.

Với những kỹ thuật, máy móc hiện đại, giai đoạn cửa sổ mới đảm bảo rút ngắn xuống còn dưới một tuần. Chính vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay, theo GS Trí, đó là vận động, tuyển chọn được những người tình nguyện hiến máu với động cơ nhân đạo, không vụ lợi, họ chỉ tham gia hiến máu khi thấy mình thực sự khỏe mạnh, không có hành vi nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác.

Nhiễm HIV do truyền máu là tai biến không hề được mong muốn đối với bệnh nhân và cả những người thầy Thu*c. Để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng lây nhiễm HIV qua đường truyền máu thì chỉ riêng nỗ lực ngành truyền máu hay ngành y tế còn là lẻ loi, đòi hỏi sự chung tay của mỗi người và cả cộng đồng, để mang lại cơ hội sống cho người bệnh qua mỗi lần truyền máu, để những túi máu thực sự là nhựa sống cho đời.

Mai Ly

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-phia-sau-nhung-tui-mau-5806.html)

Chủ đề liên quan:

phía sau những túi máu

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY