Polyp mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện sau 30 tuổi, hiếm khi có ở trẻ em dưới 10 tuổi, nam có tần suất nhiều hơn nữ.
Nhìn bề ngoài, polyp có hình dạng giống như chùm nho đính trên cành cây thõng xuống, bề mặt trơn láng, mọng nước và có màu tái nhạt. Cuống hoặc chân bám của polyp thường xuất phát từ xoang sàng, đôi khi từ xoang hàm hoặc từ xoang bướm.
Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang - là 4 khoang trống trên và sau mũi, thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm. Viêm mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp. Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi.
Có nhiều giả thiết về sự hình thành như: dị ứng, nhiễm khuẩn, thần kinh, diếu tố, tắc nghẽn, tương kỵ Thu*c kháng viêm non-corticosteroides (aspirin, ibuprofen). Hen phế quản là bệnh lý thường đi kèm với polyp mũi, ngược lại 15 - 30% bệnh nhân có hen phế quản đi kèm.. Những người bị tình trạng tương kỵ aspirin hoặc ibuprofen có nguy cơ đến 50%.
Khi có polyp mũi, người bệnh thường có các triệu chứng giống như viêm mũi, viêm xoang: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác...
Polyp phát triển một cách chậm chạp, gây nghẹt mũi từ 1 bên hoặc 2 bên. Lúc đầu người bệnh ít chú ý nhưng khi polyp lớn dần lúc đó có cảm giác khó chịu nhất là khi phải thở bằng miệng. Những dấu hiệu kèm theo là có cảm giác nặng đầu, chảy nước mũi màu xanh hay vàng, đặc, đôi khi có mùi hôi. Thỉnh thoảng có sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác cũng giảm dần và có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.
Polyp mũi nhỏ và đơn độc không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít khi gây biến chứng, nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp nhỏ (đa polyp) có thể gây những biến chứng như: Viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường. Biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân xơ nang phổi.
Vì có các triệu chứng gần giống như viêm mũi, viêm xoang hoặc cảm cúm,... nên người bệnh thường không nhận biết được. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần trong khi các triệu chứng của polyp không giảm đi. Khi đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám phát hiện và có chỉ định điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh có 2 phương pháp chính là dùng Thu*c và phẫu thuật. Những trường hợp dùng Thu*c là những polyp còn nhỏ và cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của thầy Thu*c để tránh các tác dụng phụ. Đối với những polyp lớn gây khó thở, giảm hoặc mất khứu giác, ù tai... hoặc biến chứng cần phải phẫu thuật nội soi để cắt polyp và mổ xoang tạo sự thông thoáng trong mũi xoang và giảm khả năng tái phát polyp.
Về phòng bệnh, cách tốt nhất giảm sự hình thành là điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên và các chất gây ô nhiễm, đeo khẩu trang trong môi trường có nhiều bụi. Khi có tính trạng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng khám và điều trị.
Polyp mũi có thể phát triển trong quá trình trưởng thành. Khi mắc người bệnh có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát có thể góp phần làm bệnh dễ chịu hơn như: Kiểm soát các bệnh dị ứng và hen suyễn; Tránh các chất gây kích thích mũi, tránh hít các chất có trong không khí như chất gây dị ứng, khói Thu*c lá, khí hóa chất, bụi và các mảnh vụn; Vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng để bảo vệ và chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virut, có thể gây ra tình trạng viêm mũi và xoang; Làm ẩm nhà để làm ẩm đường hô hấp, cải thiện dòng chảy của chất nhầy từ các xoang mũi và có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn và viêm mũi; Sử dụng chất rửa mũi rửa đường mũi để cải thiện lưu lượng chất nhờn và loại bỏ chất gây dị ứng và các chất kích thích khác.
Khi gặp các vấn đề như nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất mùi hoặc viêm mũi xoang kéo dài... hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra đường hô hấp trên. Tuy có nhiều bệnh gây ra triệu chứng tương tự, nhưng cần được chuyên gia kiểm tra nhằm có can thiệp hợp lý.