Tâm sự hôm nay

PR và văn hóa PR

PR nở rộ đến nỗi người ta bội thực PR. Giờ khái niệm này không chỉ dành riêng cho các công ty, tổ chức mà hầu hết cá nhân đều coi PR là quan trọng
Khái niệm PR (Public Relation - Quan hệ công chúng) mới được du nhập vào Việt Nam từ năm 2003 và qua 10 năm phát triển, dường như nhiều người nghiện dùng từ PR. Đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, một vài trường đại học cũng bắt đầu mở chuyên ngành này, rồi đến các cơ sở giáo dục tổ chức lớp ngắn hạn để cấp chứng chỉ. PR nở rộ đến nỗi người ta bội thực PR. Giờ khái niệm này không chỉ dành riêng cho các công ty, tổ chức mà hầu hết cá nhân đều coi PR là quan trọng, đặc biệt là những người của công chúng.

Theo Edward Bernays (cha đẻ của PR) thì PR gắn bó mật thiết với công chúng mà “Trước khi muốn công chúng yêu mến, hãy khiến họ hiểu mình trước đã”. Nói nôm na, PR nhằm tạo dựng, duy trì, phát triển uy tín và mối quan hệ tốt đẹp giữa một tổ chức, cá nhân và công chúng, tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng, chứ không phải gây scandal để công chúng ghét bỏ.

Ở các nước phát triển, PR vô cùng được coi trọng. Bởi vì đúng như Philip Kotler (cha đẻ của marketing hiện đại) thì quảng cáo dễ kiểm soát, song “PR là thứ mà bạn phải cầu mong chứ không phải trả tiền là được”. Do đó, nhiều người nổi tiếng đã phải tìm kiếm sự trợ giúp từ các ông bầu là vì lý do này. Ngoài việc giúp họ giao dịch hợp đồng, quản lý quảng cáo..., ông bầu còn vạch ra các chiến lược PR để những người nổi tiếng có thể chiếm được tối đa cảm tình của công chúng. Thậm chí, nhiều ngôi sao còn tuyển cả phát ngôn viên cho thêm phần chuyên nghiệp. Chúng ta thường thấy các ông bầu o bế ca sĩ về cách ăn mặc, không được quan hệ trai gái bừa bãi, phát biểu trước báo chí phải đúng mực với những câu trả lời được luyện sẵn và học thuộc lòng cũng chỉ là nhằm mục đích duy nhất: PR. Bởi vì trong quan hệ công chúng, giữ gìn hình ảnh và uy tín là mục tiêu hàng đầu. Hoa hậu Mai Phương Thúy, Đặng Thu Thảo cũng là một trong số hiếm hoi những người nổi tiếng thực hiện được các chiến lược PR chuyên nghiệp. Những hoạt động xã hội đã đưa tên tuổi của họ trở nên nổi bật và khiến họ trở thành một trong số các hoa hậu được công chúng yêu mến nhất trong tất cả những người đẹp được đăng quang từ năm 1988 đến giờ.

Ở nước ta, không phải người nổi tiếng nào cũng có ông bầu, vì thế, chuyện người của công chúng gây ra sự nhố nhăng khiến công chúng phát ghét là điều hết sức bình thường. Chúng ta vẫn còn nhớ, chỉ cần một câu nói của vài cô ca sĩ nổi tiếng như: “Hở hang mà đẹp thì vẫn chấp nhận được” hay “Nhạc sĩ nào muốn nổi tiếng thì đưa bài hát đây” đã tiếng để muôn đời khiến công việc của họ bị ảnh hưởng tới mức nào. Đôi khi, những phát ngôn kiểu như vậy có thể chỉ là vô tình, song do họ thiếu cẩn thận, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhận thức và nhất là không được một ông bầu rèn giũa phương thức tiếp xúc với công chúng một cách chuyên nghiệp nên mới gây ra sự. Nhiều người nổi tiếng cũng nhầm tưởng PR là quảng cáo, là để nhiều người biết đến mình hơn nên còn cố tình gây ra scandal bằng các vụ kiện cáo, cãi nhau, nói xấu nhau trên báo chí nhằm khiến sản phẩm của mình bán chạy. Thực ra đây là những phương thức phản PR. Điều này có thể khiến họ nổi tiếng hơn, song là tiếng tăm của “người đốt đền”. Mất thiện cảm của công chúng là điều tối kỵ nhất trong học thuyết cơ bản của PR.

Trong quan hệ công chúng, báo giới được đưa lên vị trí trọng yếu. Do đó, cho dù nhiều người nổi tiếng không có thiện cảm với giới thuyền thông nhưng họ vẫn học cách cư xử đúng mực với các nhà báo để dành thiện cảm. Vì bất kỳ một người nào hiểu biết về PR đều hiểu rằng, truyền thông là con đường quan trọng nhất khiến một cá nhân, một tổ chức dành được thiện cảm của công chúng. Nhiều người đã từng đọc trên một tạp chí khá nổi tiếng một bài phỏng vấn rất dài của nhạc sĩ T. Trong đó, phóng viên đã khen T là người PR rất tốt và chính anh cũng không phủ nhận điều này. Tuy nhiên, một phóng viên của một tờ báo uy tín đã tiết lộ rằng sau khi thực hiện xong cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ T để viết bài cho báo mình thì tình cờ có một tạp chí trong Sài Gòn ngỏ ý muốn nhờ cô xin giúp vài bức hình của T để minh họa cho một bài viết khác, cô liền gọi điện cho nhạc sĩ để xin ảnh (tuy nhiên, đây là một tạp chí không có tiếng tăm lắm). T từ chối không có ảnh, liền sau đó, anh nhắn tin lại đại ý là: Anh tưởng em đưa anh lên báo nào, hóa ra là một tờ báo không có tên tuổi gì. Anh nể em lắm mới nhận lời phỏng vấn. Em tưởng báo nào anh cũng lên à? Có thể T cũng là một người nổi tiếng thực hiện PR theo kiểu tự phát, nên không hiểu rằng làm mất lòng báo giới hoặc phát ngôn bừa bãi trước báo giới cũng là một điều tối kỵ. Trong PR, ngoài phương tiện thô sơ như “word of mouth” (truyền miệng) thì truyền thông là con đường nhanh nhất để người của công chúng tạo sự hiểu biết lẫn nhau đối với công chúng. Vì thế, các công ty quản lý giải trí của nước ngoài đặc biệt rất chuyên nghiệp trong việc “nâng niu” các nhà báo.

PR còn là một phương tiện cứu cánh tuyệt vời cho các tổ chức, cá nhân với chức năng “Quản trị khủng hoảng”. Dễ hiểu sau khi xảy ra vụ lộ ảnh nóng của ca sĩ Hồng Kông Chung Hân Đồng và diễn viên điện ảnh Trần Quán Hy, cả hai đều tổ chức họp báo để xin lỗi công chúng nhưng cuộc họp báo của Chung Hân Đồng đã gặp thất bại. Chủ nhiệm Lâm Kiên Nhạc của Công ty giải trí EAM (công ty quản lý Trần Quán Hy) có kinh nghiệm hơn phía EEG (công ty quản lý Chung Hân Đồng). Ông ta đã để phía EEG tổ chức họp báo trước nhằm rút kinh nghiệm và đạo diễn cho Trần Quán Hy cẩn thận từ lời nói, bộ quần áo đến cách thể hiện trước công chúng. Bàn ghế và trang phục của Trần Quán Hy hôm đó đều giản dị, thái độ của anh cũng không màu mè và chân thành. Thực ra nói năng thế nào, thành công hay thất bại không phải do tự Trần Quán Hy và Chung Hân Đồng nghĩ ra mà được, mà phải đòi hỏi kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao.

Quản trị khủng hoảng là một phần cực kỳ cần thiết đối với các công ty giải trí và những người nổi tiếng. Phía Việt Nam cũng có diễn viên TL bị lộ phim nóng. Cô cũng được đạo diễn vạch ra phương án “quản trị khủng hoảng”. Song hành động quản lý kém chuyên nghiệp thể hiện qua 30 phút “chiếm ghế” của Đài truyền hình để khóc lóc và xin lỗi thành ra gây hiệu ứng ngược. TL đang từ chỗ đáng thương thành ra đáng ghét. Và không những chỉ mình cô bị ghét mà toàn bộ êkíp hôm đó còn bị “ghét lây”.

Mong muốn được nổi tiếng, những lời nói “vô tình gây sốc”, những scandal của giới nghệ sĩ là chuyện vốn dĩ hết sức bình thường, song nếu chính bản thân họ hiểu biết hơn về văn hóa PR, hẳn những điều đáng tiếc sẽ không xảy ra. Họ sẽ chiếm được cảm tình tuyệt đối của đông đảo quần chúng, trừ phi chính bản thân họ mong muốn bị mất uy tín và hình ảnh trước công chúng.

Di Li

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-pr-va-van-hoa-pr-5768.html)
Từ khóa: văn hóa pr

Chủ đề liên quan:

văn hóa pr

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY