Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Quản lý Thuốc lá thế hệ mới tại các nước trên thế giới

Lo ngại về sự phổ biến và ảnh hưởng của Thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, nhiều nước đã có các quy định để kiểm soát.

Hội nghị lần thứ 8 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 (COP8) khẳng định việc cho phép các sản phẩm trên thâm nhập vào thị trường của các quốc gia mà không quản lý chúng có thể đe dọa việc thực hiện các chiến lược kiểm soát Thuốc lá, cũng như có thể làm suy yếu nỗ lực của Công ước trong việc nhìn nhận việc sử dụng Thuốc lá là hành vi bất bình thường. Hội nghị COP9 tổ chức tháng 11 vừa qua tiếp tục xoay quanh những biện pháp giảm thiểu tác hại Thuốc lá. Các chuyên gia cho rằng giảm thiểu tác hại Thuốc lá cần được xem như là một phần của chiến lược toàn cầu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững cho sức khỏe; phân tích chính sách nhằm đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ để có giải pháp phù hợp cho sức khỏe cộng đồng.

Theo FCTC, các nước nên quản lý bằng cách: Cấm tất cả quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ các sản phẩm Thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm cả các thiết bị liên quan sản phẩm này. Áp dụng tất cả các yêu cầu về đóng gói, như cấm mọi bao bì và nhãn mác gây hiểu lầm. Hạn chế sử dụng TLTHM ở tất cả các nơi công cộng có không gian kín và tất cả các khu vực cấm hút Thuốc khác. Cấm tạo hương vị đặc trưng bao gồm cả việc người tiêu dùng bổ sung thêm hương vị vào sản phẩm.

Bổ sung vào danh mục quản lý Thuốc lá

Theo thống kê, chỉ riêng loại Thuốc lá làm nóng (TLLN) được FDA phê duyệt đã thương mại hóa tại 70 thị trường trên thế giới, với các quy định để quản lý, phòng chống tác hại của Thuốc lá. Có ít nhất 8 nước đã thông qua những điều luật mới để quy định TLLN.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia không quy định cụ thể về TLLN và áp dụng một số luật kiểm soát Thuốc lá hiện hành cho sản phẩm này. Ở nhiều nước châu Âu, Thuốc lá và vỏ của TLLN thường được phân loại là sản phẩm Thuốc lá 'không khói'. Ở một số quốc gia, luật cấm hút Thuốc không được áp dụng cho việc sử dụng TLLN. TLLN chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn. Việc quảng cáo TLLN cũng khác nhau tại các quốc gia châu Âu, hầu như là do các công ty Thuốc lá quảng bá các thiết bị làm nóng nhiều hơn là Thuốc lá và bao bì.

Theo tài liệu được Đại học John Hopkins, Mỹ, công bố tháng 12/2020, Bỉ và Anh áp dụng Chỉ thị về Các sản phẩm Thuốc lá của Liên minh Châu Âu (cụ thể là Điều 19 về các sản phẩm Thuốc lá mới) để quản lý các sản phẩm Thuốc lá làm nóng. Các sản phẩm Thuốc lá làm nóng phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền của Bỉ 6 tháng trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, Bỉ đánh thuế các sản phẩm TLLN theo phân loại "các sản phẩm Thuốc lá hút khác". Tại Anh, các sản phẩm TLLN phải báo cáo cho Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE).

Đức quản lý và đánh thuế các sản phẩm TLLN như Thuốc lá tẩu. Tại Italy, các sản phẩm Thuốc lá này được quy định là sản phẩm Thuốc lá không khói.

Một cửa hàng TLTHM tại Italy. Ảnh: Shutterstock

Các sản phẩm Thuốc lá làm nóng được Nhật Bản quản lý theo Đạo luật nâng cao sức khỏe đã được sửa đổi. TLLN được đưa vào quy định cấm hút Thuốc tại những nơi quy định. Việc hút Thuốc hoàn toàn bị cấm ở các cơ sở loại A: trường học, bệnh viện, cơ sở dành cho trẻ em, cơ sở chính phủ, xe khách và máy bay. Các sản phẩm Thuốc lá làm nóng ở Nhật Bản tuân theo Đạo luật Thuế Thuốc lá và việc bán cho trẻ vị thành niên bị hạn chế. Ngoài ra, các sản phẩm Thuốc lá làm nóng còn được quy định theo Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá.

Mỹ quản lý TLLN như các sản phẩm Thuốc lá theo Đạo luật Phòng chống Hút Thuốc cho Gia đình và Kiểm soát Thuốc lá (TCA). Tất cả "sản phẩm Thuốc lá mới" phải được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép trước khi bán hợp pháp. Sản phẩm Thuốc lá làm nóng được quản lý và đánh thuế, chỉ được phép bán cho người từ 21 tuổi trở lên và tuân thủ đúng các quy định về tiếp thị, đóng gói áp dụng cho Thuốc lá.

Ở New Zealand, cơ quan Tăng cường sức khỏe phối hợp với Bộ Y tế xây dựng một website chuyên dụng, giải thích về hình thức giảm thiểu tác hại của khói Thuốc lá. New Zealand cũng đưa vào luật định nội dung "hỗ trợ người hút Thuốc chuyển sang các sản phẩm được kiểm soát, ít gây hại hơn."

Các nước tiến tới kiểm soát Thuốc lá thế hệ mới

Hiện có một số nước cấm Thuốc lá thế hệ mới như Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Brunei, Áo, Oman, Mexico, UAE... Trong khi đó Philippines, đã tuyên bố trước thềm Hội nghị các bên lần thứ 9 (COP9) của Công ước Khung FCTC là sẽ có cách tiếp cận "công bằng và dựa trên sở chứng cứ để kiểm soát Thuốc lá. Malaysia cũng dự báo rằng sẽ tiến tới quản lý và đánh thuế các sản phẩm Thuốc lá thế hệ mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả các loại Thuốc lá đều độc hại, bao gồm cả Thuốc lá thế hệ mới. WHO khẳng định rằng việc giảm phơi nhiễm với các hóa chất có hại trong Thuốc lá thế hệ mới không làm cho sản phẩm trở nên vô hại, cũng không làm giảm nguy cơ đối với sức khỏe con người. Trong Thuốc lá điện tử (TLĐT) ngoài tinh dầu có chứa nicotin, còn có những hóa chất gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, TLĐT hệ thống mở cho phép phối trộn các chất gây nghiện ngoài danh mục cho phép.

Vì thế, trong các kỳ họp các bên về kiểm soát Thuốc lá thế hệ mới, WHO kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên hạn chế sự hiện diện của sản phẩm này nếu có thể, ngược lại thì cần phải quản lý theo như hướng dẫn của FCTC.

Anh Ngọc

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/quan-ly-thuoc-la-the-he-moi-tai-cac-nuoc-tren-the-gioi-4347132.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY