Tâm sự hôm nay

Quên cả con mình

Trên chỉ là chuyện giai thoại, có thể có, có thể không, nhưng thực tế hiện có những ông bố bà mẹ quên cả con mình thật.

Giai thoại văn học: nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng đãng trí. Chuyện rằng, thi sĩ của “con nai vàng ngơ ngác” thấy con mình cứ quanh quẩn bên mình mà không nhớ ra là đứa nào, con ai, liền hỏi: “Cháu con nhà ai?”. Giai thoại này chỉ để cho vui, nói về một nghệ sĩ lãng mạn, điển hình của phong trào Thơ mới, có đầu óc lúc nào cũng mơ màng.

Trên chỉ là chuyện giai thoại, có thể có, có thể không, nhưng thực tế hiện có những ông bố bà mẹ quên cả con mình thật. Mới đây, ở Diên Khánh, Khánh Hòa, có bà mẹ gửi con (mới 8 tháng tuổi) ở nhà trẻ, rồi đi chơi mấy ngày sau mới đến nhận con, nói rằng mình “quên”. Thật ra, người mẹ này không quên, chị ta chỉ ham chơi và cố tình bắt nhà trẻ tư giữ hộ con mình mấy ngày. Chuyện tương tự mới xảy ra gần đây ở quận Bình Tân, TP.HCM, bố mẹ cũng đi chơi mấy ngày, “quên” đón con ở nhà trẻ.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều trường hợp quên con do đãng trí bệnh lý, thể nhẹ hay nặng tùy người (nếu nặng phải điều trị). Nước Mỹ thống kê hàng năm có khoảng 500 trường hợp quên con (quên đón con ở nhà trẻ, quên đưa con về từ siêu thị…) do đãng trí bệnh lý. Việt Nam chưa có con số thống kê về việc này nhưng chắc chắn số trường hợp trẻ bị quên do ông bố, hoặc bà mẹ đãng trí cũng không ít.

Tuy nhiên, đáng nói hơn là việc quên, bỏ rơi con do thái độ trách nhiệm của người lớn. Từ những ông bố bà mẹ ham đi chơi, mải chơi game, cờ bạc, đến những người sống buông thả, ích kỷ, đẻ con có sinh không dưỡng. Những trường hợp như vậy dễ thấy và dễ bị xã hội lên án.

Còn một trường hợp trẻ bị bỏ rơi đáng nói nữa, khó nhận thấy nhất, là bố mẹ mải mê công việc của mình, phó mặc con cho nhà trường, cho xã hội, cho người giúp việc nhà. Những ông bố, bà mẹ này thường “đầu tắt mặt tối”, mải mê kiếm tiền và suy nghĩ đơn giản: trẻ chỉ cần có cơm ăn, áo mặc, đồ chơi, thậm chí tiền tiêu là đủ. Một cô giáo tiểu học phàn nàn: “Tôi thông báo cho phụ huynh biết con của chị học yếu cần phải kèm cặp thêm ở nhà. Phụ huynh nói rằng, học tiểu học thì quan trọng gì. Bận buôn bán suốt ngày làm sao kèm con được”.

Nhiều đứa trẻ vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên suốt ngày lêu lổng, nhẹ thì đi lang thang đâu đó chơi bóng bánh, rồi vùi đầu vào game, nặng hơn có thể dính vào các tệ nạn xã hội. Ngày nay, tội phạm vị thành niên đang có xu hướng gia tăng và mức độ phạm tội cũng tăng nặng. Theo thống kê, trong vòng hơn 6 năm gần đây, toàn quốc có gần 95.000 người vị thành niên phạm tội. Giật mình hơn nữa, trẻ vị thành niên phạm tội ở hầu hết các lĩnh vực, từ Gi*t người, hiếp dâm, đến cố ý gây thương tích… và nhiều nhất là trộm cắp.

Phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều do thiếu sự quan tâm chăm sóc của người lớn, đặc biệt là bố mẹ.

Chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, nơi chăm sóc trẻ đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là gia đình. Tổ ấm gia đình với sự quan tâm của bố mẹ là thành trì bảo vệ, là nơi giáo dục, theo dõi, chăm sóc con đến khi con trưởng thành.

Do vậy, xin đừng phó mặc con trẻ cho nhà trường, xã hội, đừng bỏ rơi và quên con.

Thế Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-quen-ca-con-minh-5662.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY