Được biết, căn nhà ông Chúc đang sinh sống tọa lạc bên mặt đường phố Long Thành, xã Thành Công, được xây dựng trên khuôn viên đất rộng khoảng hơn 400m2. Theo kết quả đo đạc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phổ Yên thì nhà ông Chúc đã xây dựng lấn vào 22,7m mương Cầu Lai.
Điều đáng nói là, trước khi được giao quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công, ông Chúc đã từng đảm nhiệm các chức vụ công chức địa chính rồi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách đất đai, xây dựng. Người dân thắc mắc rằng họ phản ánh hành vi vi phạm ngay từ thời điểm ông Chúc bắt đầu xây dựng lấn mương, nhưng không hiểu sao UBND xã Thành Công rất “ì ạch” trong xử lý.
Theo quy định của pháp luật, hành vi xây dựng nhà lấn mương của ông Chúc sẽ phải bị xử phạt hành chính, buộc khôi phục lại hiện trạng.
Theo thông tin phóng viên có được, ông Dương Văn Chúc học Bổ túc THCS tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên) và Bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sông Công (nay là TP Sông Công).
Qua hồ sơ cho thấy, ông Dương Văn Chúc thi tốt nghiệp hệ Bổ túc THCS tại Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xã Thành Công, khóa ngày 8-9/8/2003, tại phòng thi số 01 với 4 môn thi là Văn, Toán, Lý, Hóa và được tốt nghiệp, cấp bằng theo quy định.
Thế nhưng, một điều khá bất ngờ là năm 2003 mới thi tốt nghiệp Bổ túc THCS nhưng ông Chúc lại nhập học lớp 10B1 hệ Bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sông Công từ năm 2001(?)
Hồ sơ cũng cho thấy, quá trình học tập của ông Chúc thể hiện: năm học 2001-2002 học lớp 10B1; năm học 2002-2003 học lớp 11B1; năm học 2003-2004 học lớp 12B1. Đến ngày 02/06/2004, ông Chúc thi tốt nghiệp hệ Bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sông Công.
Điều bất thường ở đây là ông Chúc chưa tốt nghiệp hệ Bổ túc THCS nhưng đã nhập học hệ Bổ túc THPT, nói cách khác là ông Chúc được vào học hệ Bổ túc THPT khi chưa tốt nghiệp hệ Bổ túc THCS.
Theo quy định của ngành giáo dục và đào tạo: “Ngay từ khi tuyển vào lớp 10, học viên phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp do Sở GD&ĐT cấp. Riêng đối với những cán bộ, các tổ chức xã hội, công chức nhà nước, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, người lao động (từ 18 tuổi trở lên) bị mất hoặc bị thất lạc bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp vì bất cứ lý do gì đều phải dự kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở ngay khi đang học lớp 10 để được cấp lại bằng…”.
Đối chiếu với quy định trên thì ông Chúc không đủ điều kiện để vào học lớp 10 hệ Bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sông Công. Bởi lẽ năm 2001, ông Chúc chưa tốt nghiệp hệ Bổ túc THCS.
Theo hồ sơ, năm 2003 ông Chúc được cấp bằng tốt nghiệp hệ Bổ túc THCS, năm 2004 được cấp bằng tốt nghiệp Bổ túc THPT. Việc 2 năm có 2 bằng tốt nghiệp là điều bất thường và không thể xảy ra. Không hiểu là suốt quá trình công tác của ông Chúc, các cơ quan có thẩm quyền xã Thành Công, huyện Phổ Yên có phát hiện ra bất thường này không?
Được biết, ngày 24/02/2020, Thị ủy Phổ Yên có Thông báo số 0929/TB-TU về việc giao ông Dương Văn Chúc - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách xã Thành Công. Đến ngày 27/02/2020, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên ký Quyết định 853/QĐ-UBND về việc giao quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công cho ông Dương Văn Chúc.
Trong bối cảnh rất nhiều người dân xã Thành Công có đơn tố cáo ông Dương Văn Chúc, thì việc giao quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công có quá “vội vàng” không? Nhìn toàn diện hồ sơ của ông Chúc cho thấy có quá nhiều bí ẩn cần làm rõ và sự thật đằng sau bức màn bí ẩn về con đường học tập và thăng tiến của ông Chúc ra sao? Có hay không việc ông Chúc gian dối bằng cấp? Câu trả lời đó xin dành cho Thị ủy, UBND thị xã Phổ Yên.
Chủ đề liên quan:
chủ tịch chủ tịch ubnd chủ tịch ubnd xã Phổ Yên Thái Nguyên sai phạm thành công xã Thành Công