Bác sĩ Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết bệnh nhân này (ngụ Long An) nếu không được điều trị kịp thời, các vết thương có thể nhiễm trùng tại chỗ và lan vào máu gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Huy, đây là một trong rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau xóa xăm đến khám và điều trị tại bệnh viện. Mới đây, một người đàn ông 40 tuổi đến viện sau hai lần xóa xăm bằng laser CO2, mực xăm vẫn còn sót lại ở rìa quanh hình xăm. Vùng trung tâm hình xăm xuất hiện sẹo phì đại. "Điều trị sẹo giúp cải thiện độ đỏ, độ gồ và làm sẹo mềm mại hơn chứ không thể đưa về tình trạng da lành như bình thường", bác sĩ nói.
Người đàn ông 40 tuổi xuất hiện sẹo phì đại, sót mực xăm sau hai lần xoá xăm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tương tự, một người phụ nữ 32 tuổi sau ba ngày xăm môi bị sưng nề, chảy dịch vàng và đóng mài mủ toàn bộ vùng môi kèm theo đau nhức và ngứa nhiều. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng da vùng hình xăm, là biến chứng khá thường gặp. Trường hợp này cần điều trị sớm với kháng sinh để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng sang các vùng khác trên mặt và để lại sẹo xấu.
Hiện, nhu cầu xóa xăm ngày càng tăng do yêu cầu của gia đình, công việc, học tập hoặc thay đổi sở thích. Việc xóa xăm bằng các thiết bị không phù hợp hoặc kỹ thuật chưa đúng có thể dẫn đến các biến chứng như sẹo xấu, rối loạn sắc tố, nhiễm trùng da, hiện tượng đổi màu mực xăm gây mất thẩm mỹ hay các phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ, có thể nguy hiểm sức khỏe.
"Phần lớn tai biến do xăm liên quan đến dị ứng mực xăm, nhiễm trùng da vùng xăm, một số trường hợp nhiễm lao da rất khó điều trị", bác sĩ phân tích. Ngoài ra, các trường hợp dị ứng mực xăm vùng môi diễn tiến kéo dài nhiều tháng với biểu hiện môi khô, bong vảy, ngứa, thậm chí chảy dịch làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sĩ Huy, hai loại laser thường được sử dụng để xóa xăm là QS và Pico giây. Trong đó, Pico giây có thể phá vỡ các hạt mực xăm nhỏ hơn và ít gây tổn thương mô xung quanh hơn, từ đó hấp thu tốt hơn và tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ. Nên xóa xăm ở thời điểm ít nhất 6-8 tuần sau xăm. Trung bình, mỗi hình xăm cần khoảng 6-8 lần điều trị, mỗi lần cách nhau 6-8 tuần. Mỗi màu sắc mực xăm khác nhau thường được sử dụng tia laser có bước sóng khác nhau để xóa.
Hiệu quả xóa xăm phụ thuộc nhiều yếu tố. Các yếu tố bao gồm tuýp da của người xăm, vị trí hình xăm, tuổi hình xăm, màu sắc, thành phần hạt mực xăm. Sau khi xóa xăm, da có thể bị tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố đặc biệt nhiều hơn ở người có da sậm màu. Tránh nắng và dùng kem chống nắng để giảm tình trạng rối loạn sắc tố. Màu mực xăm sáng như hồng, trắng, đỏ tươi, nâu nhạt... có thể bị phản ứng sậm lại.
Bác sĩ khuyến cáo trước khi quyết định xăm hình, cần suy nghĩ và lựa chọn hình xăm kỹ vì quá trình xóa xăm cần nhiều thời gian và đôi khi không thể xóa hoàn toàn, thậm chí có thể để lại sẹo xấu. lựa chọn cơ sở phun xăm uy tín, chất lượng và được công bố trên cổng thông tin của ngành y tế để đảm bảo về tay nghề kỹ thuật của thợ xăm cũng như các quy trình xăm hình đúng để hạn chế các tai biến.
"Người xăm cũng cần lưu ý các màu mực xăm đỏ, vàng và các hình xăm đa sắc dễ bị dị ứng hơn các màu mực khác", bác sĩ Huy chia sẻ. Để xóa xăm hiệu quả, an toàn hạn chế tối đa các tác dụng phụ, cần chọn cơ sở điều trị uy tín và bác sĩ chuyên khoa da liễu có chuyên môn kỹ thuật cao.
Chủ đề liên quan:
Câu chuyện sức khỏe Phổ biến kiến thức tai biến xoá xăm Thường thức về sức khỏe tp hcm xăm hình xoá xăm