Bài thuốc dân gian hôm nay

Sâm tô ẩm - bài Thuốc hay chữa phong hàn khái thấu

Bệnh ho Đông y gọi là khái thấu, là chứng bệnh có liên quan trực tiếp đến phế và gián tiếp với các tạng phủ khác.

Khi phế tạng bị đờm hỏa kích thích thì sự hô hấp của khí quản không thuận lợi sẽ gây thành chứng ho. Bệnh khái thấu có 4 loại chính: khái thấu, đờm nhiệt khái thấu, phế hư khái thấu, đàm ẩm khái thấu. Ho trong thời gian chuyển mùa xuân hè và mùa hè chủ yếu thuộc nhóm khái thấu.

Nguyên nhân do thời tiết lúc nóng lúc lạnh thất thường, do không biết đề phòng khiến cho khí liễm vào phế. Phế bị mất công năng túc giáng, hơi sẽ ngược lên mà gây thành bệnh.

Người bệnh có triệu chứng sợ lạnh, ho luôn, hơi thở ngắn, đờm dãi nhiều và hay hắt hơi, chảy nước mũi trong, đầu sưng lên và đau, ở trong người bức bách khó chịu, mạch phù, hoãn, rêu lưỡi trắng và mỏng. Nếu để lâu không chữa, chứng khái mãi không khỏi, phế sẽ bị tổn thương, người bệnh thân thể gầy còm, người nóng về chiều tới nửa đêm lại càng nóng hơn, họng khô ráo, rêu lưỡi không nhuận, sắc mặt trắng bợt... đó là đã có dấu hiệu biến thành phế lao.

Phong hàn cảm mạo vào kinh Thái dương thì truyền kinh, vì Thái dương chủ về biểu, cho nên dùng hai bài “Ma hoàng thang, Quế chi thang” để phát hãn của dinh và vệ. Nếu cảm mạo vào Thái âm thì không truyền kinh, vì Thái âm chủ về Phế nên dùng bài “Sâm tô ẩm”.

Ho trong thời gian chuyển mùa xuân - hè thuộc nhóm phong hàn khái thấu.

Công thức: nhân sâm, tử tô ngạnh, bán hạ, chỉ xác, cát cánh, cát căn, tiền hồ, xích linh mỗi vị 30g; trần bì 20g, cam thảo 20g.

Cách dùng: các vị đều tán bột, mỗi lần uống 12 - 15g. Dùng 1,5 bát nước và 3 lát gừng tươi, đun cạn còn 1/2 bát, bỏ bã, cho uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Chủ trị: chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, phát sốt, ghê rét, khái thấu, chảy nước mũi, nhổ ra đờm dính đặc, hung cách đầy khó chịu, mạch phù hoãn, không ra mồ hôi.

Tác dụng của bài Thuốc: ở bên trong thì tuyên thông Phế khí, ở bên ngoài thì tán ở bì mao. Bởi tà phạm vào đầu thì khí tất phải hư, cho nên dùng Nhân sâm để bổ. Bì mao phụ thuộc vào Phế, Phế bị phong hàn thì bì mao mắc bệnh trước nên mới phát sinh các chứng ở ngoài biểu như nhức đầu, không có mồ hôi, ghê rét, phát nhiệt... nên sử dụng tô ngạnh, cát căn, tiền hồ làm thần để tán bỏ nó đi. Phế một khi bị tà thì khí ở trong hung sẽ hóa ra vần đục, vì vậy cần dùng chỉ xác, cát cánh và nhị trần để thanh lọc thì chứng khái thấu, chảy nước mũi, đờm dính đặc và hung cách buồn bực... sẽ khỏi. Gia mộc hương 12g để khai thông các khí ở trong hung; gia sinh khương, đại táo để điều hòa các khí ở ngoài biểu. Khí ở biểu, lý đã điều hòa thì bệnh tất khỏi. Đơn Thuốc có tác dụng khu phong, tuyên khai phế vị.

Dùng bài này bỏ nhân sâm, gia xuyên khung 20g, lấy sài hồ thay tiền hồ 24g để chữa chứng khí thực mà có hỏa (cảm phong hàn, có sốt, sợ lạnh, ho có đờm và khí nghịch gây nhức đầu). Nếu ho và suyễn cũng dùng bài này mà bỏ nhân sâm, gia hạnh nhân 24g. Ở bên trong có nhiệt thì gia hoàng cầm 30g, có hàn thì gia ma hoàng 12g, can khương 12g. Nếu là người hư lao, khí huyết đều hư và phụ nữ thai tiền sản hậu mà mắc phải bệnh này thì vẫn dùng “Sâm tô ẩm” và kết hợp với “Tứ vật thang”: thục địa 12g, đương quy 10g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g (Trung Quốc danh phương toàn tập).

BS. Tiểu Lan

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/sam-to-am-bai-thuoc-hay-chua-phong-han-khai-thau-n161516.html)
Từ khóa: sâm tô ẩm

Chủ đề liên quan:

phong hàn sâm tô ẩm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY