Khoa học hôm nay

Sau nửa năm chích, hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin Pfizer còn 47%

MangYTe - Hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong ngăn lây nhiễm giảm từ 88% sau khi tiêm đủ 2 mũi xuống còn 47% sau 6 tháng. Mặc dù vậy, vắc xin này vẫn cho hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và nhập viện.

Nhân viên y tế mỹ chuẩn bị mũi tiêm vắc xin pfizer cho người đến tiêm ngày 29-9 - ảnh: reuters

Đây là kết quả nghiên cứu do Pfizer tài trợ được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 5-10. Theo Đài CNBC, nghiên cứu là bằng chứng khoa học xác nhận lại thông tin trước đó của Bộ Y tế Israel về sự suy giảm hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm của vắc xin công nghệ mRNA.

Nghiên cứu dựa trên 3,4 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử từ hệ thống y tế Kaiser Permanente ở nam California từ ngày 14-12-2020 đến ngày 8-8-2021. Trong thời gian tiến hành nghiên cứu, tỉ lệ các trường hợp dương tính do biến thể Delta tăng từ 0,6% trong tháng 4 lên gần 87% vào tháng 7.

Hiệu quả ngăn lây nhiễm nói chung là 88% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm đủ 2 mũi và giảm xuống còn 47% trong 5 tháng kế tiếp.

Đi sâu vào phân tích cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu quả ngăn lây nhiễm với biến thể Delta là 93% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm 2 mũi và giảm xuống 53% sau 4 tháng.

Hiệu quả với các biến thể khác không phải biến thể Delta ở mức rất cao là 97% nhưng cũng giảm xuống còn 67% sau 4-5 tháng.

Nhìn chung kết quả này không có gì bất ngờ vì theo giới khoa học, mục tiêu cao nhất của vắc xin covid-19 không phải là ngăn chặn lây nhiễm, mà là giảm nguy cơ bệnh trở nặng và nhập viện.

Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, vắc xin Pfizer/BioNTech giảm nguy cơ nhập viện của người mắc biến thể Delta tới 93% trong vòng 6 tháng, bất kể độ tuổi và giới tính.

Nghiên cứu được công bố chỉ 2 tuần sau khi Mỹ phê duyệt việc tiêm tăng cường mũi 3 cho người già và người dễ bị tổn thương vì COVID-19. Theo Nhà Trắng, có khoảng 60 triệu người sẽ được tiêm mũi 3.

Tiêm tăng cường là một vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ và trên thế giới. Những người phản đối cho rằng nên tăng độ phủ vắc xin, dành những liều tăng cường cho người chưa tiêm và dễ bị tổn thương để chấm dứt đại dịch.

Thái Lan khẳng định tiêm 'trộn' AstraZeneca và Pfizer là tốt nhất

Tto - nghiên cứu mới của thái lan công bố dữ liệu cụ thể về khả năng sinh miễn dịch khi áp dụng tiêm kết hợp 3 loại vắc xin covid-19 gồm astrazeneca, pfizer và sinovac, trong đó tiêm trộn astrazeneca và pfizer cho kết quả tốt nhất.

BẢO DUY

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/sau-nua-nam-chich-hieu-qua-ngan-lay-nhiem-cua-vac-xin-pfizer-con-47-20211005193759405.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY