Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thông tin này tại hội nghị trực tuyến với các địa phương chiều 2/7.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, vốn ODA kế hoạch năm 2020 khoảng 60.000 tỉ đồng, trong đó 2/3 nguồn vốn này dành cho các địa phương. Tuy nhiên, có tới 22 tỉnh chưa thể giải ngân nguồn vốn này trong 6 tháng qua.
“Đến nay, trong 63 tỉnh, thành thì đến 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%, tức là sáu tháng qua chưa giải ngân được một đồng nào. Chỉ có 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất một tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do giải phóng mặt bằng: “Khi xây dựng các dự án để vay vốn ODA, các tỉnh, thành phố cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng. Nhưng đến khi có dự án rồi lại khó khăn giải phóng mặt bằng”.
Hiện một số tỉnh đề nghị được lấy vốn vay ODA để giải phóng mặt bằng nhưng Phó Thủ tướng khẳng định "luật không cho phép".
"Các tỉnh có dự án ODA phải chủ động huy động vốn để giải phóng mặt bằng, không nên trông chờ vốn rót từ trung ương, vốn ODA", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, một số địa phương đề nghị cho điều chỉnh dự án ODA sang giai đoạn 2021-2025 vì lường trước giải ngân khó khăn.
Cho rằng có thể cân nhắc việc điều chuyển này, nhưng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, với các dự án điều chỉnh sang giai đoạn sau (2021-2025) nhưng đã triển khai thì ngân sách Trung ương bắt đầu phải trả nợ. Trong số này có những nguồn vốn vay của giai đoạn trước đây, lãi suất thấp và thời hạn trả nợ dài, nếu chuyển sang giai đoạn sau phải trả lãi cao hơn, thời hạn trả nợ cũng rút ngắn.
"Như vậy sẽ tăng gánh nợ cho ngân sách", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, không có cách nào khác là "đề nghị lãnh đạo các tỉnh bằng mọi cách thúc đẩy giải ngân vốn".
Nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư ODA là phần vốn quan trọng trong giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công cho phát triển năm nay, trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương về giải ngân đầu tư công và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, bộ, ngành.