Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010 thế giới có 60,5 triệu người bị glôcôm, dự báo đến năm 2020 sẽ có 79,5 triệu người và vào năm 2030 sẽ có 110 triệu người.
Tại Việt Nam, số liệu từ Bệnh viện Mắt trung ương và tổ chức Atlantic 2007 cho biết, cả nước có 380.800 người mù 2 mắt trong đó có 24.800 do glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%, đứng 2 sau bệnh đục thủy tinh thể (66,1%). Ước tính, hiện cả nước có 650.000 người bị bệnh glôcôm.
Theo khuyến cáo, người dân cần đi khám mắt định kỳ hàng năm để phòng tránh bệnh |
Glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự ch*t dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Dẫn tới hậu quả là gây mù lòa vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Bệnh thường biểu hiện dạng cấp thiên đầu thống (đau nhức, nhìn mờ, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng); hoặc mãn tính như căng tức thoáng nhẹ, vùng nhìn thu hẹp dần, nhiều trường hợp lại không có bất kỳ triệu chứng nào.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho biết, theo nghiên cứu dịch tễ học, mọi người đều có thể mắc bệnh glôcôm, trong đó nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như: tuổi trên 40, tiền sử gia đình có người bị glôcôm, người có nhãn áp cao, tật khúc xạ viễn, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn thần hoàn hệ thống…
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức buổi cung cấp thông tin về glôcôm |
Hiện người bị glôcôm phải được theo dõi chặt chẽ suốt đời tại chuyên khoa mắt, nếu bị bệnh, theo khuyến cáo của bác sĩ Vũ Anh Tuấn, mọi người cần đi khám mắt định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh glôcôm. “Bệnh glôcôm có thể phòng tránh được nếu kiểm soát tốt, điều trị đúng cách. Muốn vậy, chúng ta cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về glôcôm một cách thường xuyên, cụ thể” - bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, hiện nay còn ½ số bệnh nhân bị glôcôm chưa được phát hiện và điều trị. Do vậy, để hạn chế mù lòa do glôcôm và tiến tới thực hiện mục tiêu của chương trình Thị giác 2020 “Không còn mù lòa do glôcôm”, WHO đã phát động Tuần lễ glôcôm hàng năm vào tháng 3 nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh glôcôm, các nguy cơ của bệnh, truyền tải đến mọi người thông điệp: “Mỗi người cần được khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện bệnh kịp thời”.