Ngày 20-1 (26 Tết), người dân tiếp tục đổ ra các bến xe, sân bay, ga tàu ở TP HCM về quê đón Tết nguyên đán 2020. Dù đang trong đợt cao điểm đi lại dịp Tết, lưu lượng vận chuyển tăng cao so với ngày thường nhưng tình hình không quá căng thẳng, các bến xe giảm bớt quá tải, nhiều tuyến không xảy ra kẹt xe nghiêm trọng như vài ngày trước.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), nhà ga quốc nội và quốc tế vẫn nghẹt người. Ở các quầy check-in, hành khách xếp hàng dài, lỉnh kỉnh đủ loại hành lý. Tại khu vực làm thủ tục của hãng Vietjet Air, những người không có hành lý ký gửi sẽ tự in thẻ lên máy bay ở các quầy tự động rồi tới thẳng cửa kiểm tra an ninh, tuy nhiên, nhiều người vẫn lúng túng. "Do không để ý, tôi chưa in thẻ ở quầy mà xếp hàng chờ. Khi tới cửa an ninh, được thông báo phải in thẻ nên lại phải quay ra rồi xếp hàng lại từ đầu, rất mệt mỏi" - chị Phương Oanh (quê Nghệ An) nói.
Dù vậy, nhờ có nhiều kênh làm thủ tục như check-in trực tuyến, check-in tại ki-ốt tự động... nên đa phần hành khách không phải đợi lâu để vào bên trong, giảm quá tải nhà ga.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM), lượng hành khách tiếp tục tăng cao, đông nghẹt tại sảnh chờ và bãi sau để chuẩn bị lên xe. Theo ghi nhận, các quầy vé xe ủy thác cho bến bán ra vẫn rất đông khách. Nhiều hãng xe thương hiệu hết vé nhanh sau khi mở bán từng chuyến... Dù vậy, tình hình trong bến diễn ra khá ổn định và trật tự, không có tình trạng ùn ứ, chen lấn hay xô đẩy.
Số liệu cập nhật của Bến xe Miền Đông cho biết đến hết ngày 19-1, tổng lượng vé tại bến vẫn còn khoảng 62.000 vé (gồm 17.000 vé giường nằm và 45.000 vé ghế ngồi). Dự kiến số vé này bán hết trong một hai ngày tới.
Còn tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), đến thời điểm này vẫn còn 160.482 vé. Các bến xe An Sương và Ngã tư Ga, tổng số vé còn lại cũng còn hơn 100.000 vé.
Đáng chú ý lượng vé giường nằm về miền Trung, miền Bắc và khu vực Tây Nguyên vẫn khá lớn, như tại Bến xe Miền Đông còn hơn 15.000 vé xe giường nằm chưa có người mua. Theo tìm hiểu, hành khách đi tuyến dài về miền Trung có xu hướng chọn xe mới của các hãng xe có thương hiệu tốt, chất lượng phục vụ cao dẫn đến một số xe nằm bến chưa bán hết vé. Song, dự kiến trong một hai ngày nữa, cùng lúc các hãng xe lớn "khóa sổ", số vé tồn nói trên sẽ được giải quyết.
Trong khi đó, tình hình đi lại dịp Tết của người dân từ ở Hà Nội đang giảm nhiệt, bớt căng thẳng, ở hầu hết các bến xe, lượng khách có đông nhưng không quá tải, trật tự bảo đảm.
Tại Bến xe Giáp Bát, từ sáng đến chiều, lượng khách chỉ tăng khoảng 5%-10% so với ngày thường. Còn tại Bến xe Nước Ngầm, lượng khách có đông hơn nhưng không đến mức quá tải.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết trong dịp Tết năm nay, các nhà xe niêm yết tăng giá vé theo quy định từ 50%-60%. "Có 14 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Bến xe Giáp Bát tăng giá vé trung bình là 50% và trường hợp cao nhất là tăng 60% so với ngày thường. Các đơn vị này đã làm thủ tục trình Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính phê duyệt việc tăng giá vé này. Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay" - ông Thành nói.
Trong khi đó, khác hẳn với mọi năm, lượng khách ở Bến xe Mỹ Đình không tăng nhiều so với ngày thường, thậm chí còn ít hơn. Nhiều xe xuất bến trong ngày 20-1 vẫn còn ghế trống. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, nói lượng khách về bến này giảm so với những năm trước đây, do vậy hầu như không có nhà xe nào tăng giá vé.
Một số nhà xe cho biết một trong những nguyên nhân giảm lượng hành khách là vì ngày càng nhiều người lựa chọn phương tiện cá nhân về quê, cộng với các đơn vị dịch vụ vận tải trá hình, xe dù bến cóc núp bóng dưới hình thức xe du lịch hoạt động nhiều. Nhiều chuyến xe đi các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định... chỉ có một vài khách.
Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, trong dịp Tết Canh Tý 2020, cao điểm vận chuyển hành khách từ ngày 15 đến hết 24-1 (ngày 30 Tết) và 10 ngày sau Tết nguyên đán. Theo kế hoạch, các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm sẽ tăng cường thêm 2.200 lượt xe khách phục vụ đợt cao điểm Tết. Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm tăng khoảng 130%-150% so với ngày thường. Lượng xe hoạt động trên các tuyến về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.
Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia ngày 20-1 đã công bố 11 số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị trực thuộc tiếp nhận thông tin phản ánh về hoạt động vận tải, tình hình trật tự ATGT, T*i n*n sự cố dịp Tết Canh Tý 2020.
Theo đó, để phản ánh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và tình hình trật tự ATGT, ùn tắc giao thông, người dân liên hệ qua đường dây nóng của Cục CSGT: 0995.67.67.67; 0692.342.608.
Để phản ánh các thông tin về lĩnh vực giao thông đường bộ, liên hệ qua đường dây nóng các đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Vụ Vận tải: 0983.60.8989, Vụ An toàn giao thông: 0916.60.8085.
Trong lĩnh vực đường sắt, người dân phán ánh liên hệ theo đường dây nóng Cục Đường sắt Việt Nam: 0865367565; lĩnh vực hàng không, phản ánh qua đường dây nóng: 0916.562.119; lĩnh vực đường thủy nội địa liên hệ số: 0243.5481888.
Về thông tin tình hình trật tự ATGT, T*i n*n, người dân có thể liên hệ qua các đường dây nóng thuộc Văn phòng Ủy ban ATGT: 0989.088.719 - 0913.363.509 - 0936.173 hoặc qua số máy của Vụ ATGT: 0977.497.891.