"Vậy là mỗi khi đến bệnh viện, tôi chỉ cần đọc mã ID hoặc đưa thẻ bảo hiểm y tế, bác sĩ sẽ nắm được bệnh tình của tôi mà không cần sổ khám bệnh?", chị Nguyễn Thị Hòa thốt lên khi được nghe thông tin về Hồ sơ sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, người phụ nữ này băn khoăn: "Khi nào điều này được trở thành hiện thực?".
Mong muốn này đang được bộ y tế phối hợp cùng tập đoàn viettel nỗ lực xây dựng để mỗi người việt nam đều có một "trợ lý y tế thông minh" của riêng mình.
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hòa (29 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM) có thói quen đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong một lần khám tầm soát theo gói khám của công ty, chị Hòa được phát hiện tăng sinh tuyến vú và máu nhiễm mỡ.
Ngay lập tức, chị đến bệnh viện chuyên khoa để tầm soát và tư vấn điều trị. Dù chưa cần phẫu thuật ngay, định kỳ mỗi 3 tháng, chị đều đến bệnh viện để kiểm tra, song song đo lượng mỡ trong máu.
"có thể thời gian sau này, tôi phải sẽ trở thành ‘vị khách’ quen mặt ở bệnh viện vì có nhiều vấn đề sức khỏe. tôi vừa nghe bộ y tế đang triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân từ khi khai sinh đến cuối đời, ghi lại toàn bộ thông tin để chăm sóc sức khỏe. điều này thật sự quá tuyệt nếu nó được triển khai sớm. nếu có thể tay không đến khám bệnh thì y tế việt nam thật sự thân thiện", chị hòa cho biết.
Không chỉ mang lại những tiện dụng cho người dân, khi có Hồ sơ sức khỏe cá nhân, cán bộ y tế càng có nhiều thông tin hơn trong chẩn đoán, điều trị người bệnh. Tất nhiên, các bác sĩ chỉ được xem thông tin điện tử về Hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân khi được họ đồng ý.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết Hồ sơ sức khỏe cá nhân được triển khai rộng rãi sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Đặc biệt, nhân viên y tế có thể tham khảo tiền sử bệnh và có chỉ định phù hợp với thể trạng của từng người trong từng giai đoạn cụ thể.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã nhấn mạnh mơ ước từ rất lâu của người dân Việt Nam là muốn mình được quản lý sức khoẻ, hay nói cách khác là lúc nào cũng có bác sĩ riêng.
"Qua việc mỗi người dân được lập hồ sơ sức khoẻ, được quản lý tốt hồ sơ đó thì coi như mỗi người dân sẽ được cả hệ thống y tế theo dõi quản lý. Đó là một mục tiêu, mơ ước nhưng không hề viển vông, duy ý chí mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị về "Chuyển đổi số y tế quốc gia 2020", GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, cho biết thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng tạo lập được 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Bộ Y tế cũng đặt ra từ 1/7/2021, các cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú chính thức áp dụng bệnh án điện tử, không dùng hồ sơ giấy. "Cán bộ y tế dành nhiều thời gian cho công tác khám, chữa bệnh chứ không dành thời gian cho viết hồ sơ giấy", ông Long nhấn mạnh.
Trong tương lai gần, tình trạng thừa giấy tờ, chồng chất sổ khám bệnh…, của ngành y tế sẽ không còn khi người dân được sở hữu một "trợ lý thông minh" giúp mình quản lý sức khỏe từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi.
Hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới triển khai từ rất lâu. Tại Mỹ, dữ liệu trong hồ sơ thuộc về bệnh nhân, trong khi hồ sơ lại thuộc về đơn vị duy trì hồ sơ đó. Bệnh nhân có quyền đảm bảo thông tin trong hồ sơ là chính xác. Họ có thể yêu cầu những tổ chức chăm sóc sức khỏe thay đổi các thông tin bị sai lệch. Ngoài ra, bệnh nhân còn có quyền truy cập và thay đổi hồ sơ cá nhân. Các tiểu bang sẽ có luật, quy định về quyền sở hữu, lưu giữ thông tin… khác nhau.
Tại Anh, quyền sở hữu hồ sơ sức khỏe cá nhân thuộc về Bộ Y tế. Từ năm 2000, bệnh nhân Anh có quyền sở hữu bản sao hồ sơ sức khỏe của mình. Thông tin phải được lưu trữ tối thiểu 7 năm.
Trong tương lai gần, ở việt nam, thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân, toàn bộ thông tin sức khỏe được quản lý toàn diện và cập nhật liên tục. mỗi người dân có thể chủ động theo dõi lịch sử khám chữa bệnh của bản thân, cập nhật các chỉ số sức khỏe từ các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân và nhận các cảnh báo về sức khỏe nhanh chóng.
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: "Viettel đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế để cùng xây dựng quản lý nền tảng thông tin của y tế cơ sở. Những thông tin này sẽ được đưa lên cơ sở dữ liệu chung của Bộ Y tế. Đồng thời, mỗi người dân có được một mã số định danh kết nối với cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chúng tôi đảm bảo trong tương lai rất gần, mỗi người dân đều có một trợ lý thông minh về vấn đề sức khỏe của mình trọn đời".
Hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing), hỗ trợ tra cứu, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ Blockchain trong xác thực và quản lý toàn bộ thông tin, đảm bảo tính bảo mật và đồng nhất; công nghệ AI trong nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói, AI tầm soát, CallBot, ChatBot. Toàn bộ thông tin sẽ được phân quyền, phân cấp theo từng đối tượng truy cập thông tin; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Vì vậy, hệ thống này đảm bảo 2 yếu tố quan trọng là tiện dụng và bảo mật cao.
Với Hồ sơ sức khỏe cá nhân, các cơ quan quản lý nhà nước có bức tranh toàn cảnh về ngành y tế, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp và kịp thời. Công nghệ BigData trong việc phân tích dữ liệu lớn sẽ phục vụ công tác nghiên cứu mô hình bệnh tật, dịch bệnh, tình hình sức khỏe của người dân...
Chủ đề liên quan:
cơ quan y tế cục quản lý khám chữa bệnh đi khám Đi khám bệnh khám bệnh không còn Không đi khám mong muốn người việt tay không theo dõi sức khỏe